Lợi nhuận công ty mẹ Minh Phú tăng gấp đôi nhưng nửa cuối năm có còn thuận lợi?

Mặc dù lợi nhuận sau thuế của Minh Phú trong quý II cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng triển vọng thị trường tôm cuối năm được dự báo sẽ không còn thuận lợi khi nhu cầu giảm và sản lượng nhiều nước trên thế giới tăng mạnh.

Lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ thị trường thuận lợi

Mới đây, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú công bố báo cáo tài chính riêng công ty mẹ trong quý II với kết quả lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý II đạt 196 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù doanh thu thuần giảm 7% xuống 2.701 tỷ đồng.

Điều này một phần nhờ giá vốn bán hàng giảm 10% xuống 2.297 tỷ đồng qua đó giúp biên lợi nhuận gộp tăng 21% và biên lợi nhuận gộp cải thiện 4,4 điểm phần trăm lên 14,5%. Theo Minh Phú, biên lãi gộp tăng vì công ty đẩy mạnh sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng. 

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của Minh Phú trong quý II cũng tăng đột biến, gấp 10 lần so với cùng kỳ lên 205 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc nhận cổ tức của các công ty thành viên. 

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty mẹ Minh Phú tăng 7,2% lên 4.850 tỷ đồng và lợi nhuận sau tuế tăng 63% lên 291 tỷ đồng. 

 Kết quả kinh doanh của công ty mẹ Minh Phú trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 (H.Mĩ tổng hợp)

Thị trường tôm trong nửa đầu năm nay khá thuận lợi khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường trong những tháng đầu năm nay là do hậu quả COVID-19 cuối năm 2021 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến và đẩy mạnh trả nợ đơn hàng vào đầu năm nay và lạm phát tăng cũng phần nào tác động làm tăng giá tiêu thụ tôm. Bên cạnh đó, chi phí cước tàu tăng, góp phần làm tăng giá bán.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) đánh giá chi phí cước tàu tăng đã góp phần tăng “ảo” thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Tại thị trường Mỹ, những tháng đầu năm nhu cầu nhập khẩu tôm tăng mạnh, đồng thời đây là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Minh Phú trong năm 2021, khoảng 34% (số liệu năm 2021)

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại và nhiều quy định phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. Theo đó, quốc gia này đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-CoV-2 sau gần 2 năm thực thi. Đây cũng là tin tích cực đối với các nguồn cung cấp tôm cho Trung Quốc trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường EU trong năm nay phục hồi mạnh sau đại dịch. Các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này bất chấp chi phí vận tải tăng cao. Khối EU là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Minh Phú với tỷ trọng 11,4%.

Những tín hiệu xấu bắt đầu xuất hiện

Minh Phú đã có khởi đầu khá thuận lợi thế nhưng trong nửa còn lại của năm 2022, thị trường tôm được dự báo sẽ không còn “bằng phẳng”. 

Những tín hiệu xấu đã bắt đầu nhen nhóm từ tháng 6 khi đây là tháng đầu tiên trong năm ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tôm âm sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó. Cụ thể, trong tháng 6, giá trị xuất khẩu tôm giảm nhẹ 1% đạt gần 416 triệu USD.

  Kim ngạch xuất khẩu tôm bắt đầu giảm trong tháng 6. (Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu, VASEP; H.Mĩ tổng hợp) 

Nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, EU chững được coi là một trong những nguyên nhân khiến kết quả xuất khẩu tôm trong tháng 6 không được như mong đợi. Trong khi đó, đây lại là hai thị trường quan trọng của Minh Phú. 

Đặc biệt là thị trường Mỹ khi kim ngạch giảm tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 93 triệu USD.

VASEP lý giải lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân, họ sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Tôm cũng được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ của người dân có phần chững.

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nên tồn kho còn nhiều. Những ách tắc về hậu cần như chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ và thiếu container kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng dè dặt hơn.

Còn với thị trường EU mặc dù vẫn duy trì tăng trưởng dương trong tháng 6 (37%) nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong các tháng của quý 2 năm nay thấp hơn so với các tháng quý 1. 

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD. Nền kinh tế các nước châu Âu cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ căng thẳng Nga-Ukraine, chi phí xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng cao. 

Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU những tháng tiếp theo có thể chững và được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm.

Còn với Mỹ, giới chuyên gia cho rằng phải đến tháng 9, nhu cầu nhập hàng mới có thể phục hồi nhẹ trở lại, chủ yếu phục phụ nhu cầu của lễ hội cuối năm. 

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc  CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đã dự báo những khó khăn trong 6 tháng cuối năm: “Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm.

Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”.

Do đó, tổng giám đốc Minh Phú cho rằng năm nay lượng và giá trị xuất khẩu có thể thấp hơn so với kế hoạch nhưng lợi nhuận “chắc chắn năm nay sẽ đạt”.

Minh Phú đặt mục tiêu  năm 2022 với doanh thu gần 19.000 tỷ đồng (tương đương 817 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.266 tỷ đồng (tương đương 54,6 triệu USD).

Đặc biệt với thị trường Mỹ, ông Quang cho rằng năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn và Minh Phú chỉ có thể đạt hoặc mấp mé đạt mục tiêu sản lượng.

Ngoài ra, mới đây, ngân hàng Rabobank đưa ra dự báo ngành tôm trên khắp thế giới sẽ phải đối nhiều thách thức từ nay đến cuối năm do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi thu nhập giảm vì nhu cầu thị trường yếu.

Sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng thêm 35% trong năm 2022; tương đương tổng sản lượng của nước này trong năm 2021 (vốn đã ở ngưỡng kỷ lục) cộng thêm sản lượng của Thái Lan.

“Nếu nguồn cung tôm tiếp tục mở rộng như trong 6 tháng đầu năm hoặc nhu cầu vẫn giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chúng tôi cho rằng giá bán sẽ giảm xuống dưới giá thành nuôi tôm”, ông Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích của Rabobank nhận định.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam  trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 299,7 nghìn tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 117,9 nghìn tấn, tăng 2,5%.

Sẽ giảm tỷ trọng tại thị trường Mỹ

Mặc dù Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Minh Phú nhưng ông Quang cho biết sẽ dần giảm tỷ trọng vì chi phí bán hàng quá cao, đặc biệt là cước vận chuyển. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn cầu cảng tại Mỹ càng kéo dài thời gian xử lý đơn hàng. 

 H.Mĩ tổng hợp từ Minh Phú

“Nhiều khi khách có nhu cầu mua hàng để xuất đi luôn nhưng không có người đến lấy để giao cho khách”, ông Quang nói.

Trước đó, Minh Phú và đối tác chiến lược Nhật Bản là Mitsui có ý định hợp tác với Công ty Cổ phần Gemadept để xây dựng hệ thống cảng riêng tại Mỹ. Tuy nhiên, vì vấn đề an ninh nên phía Mỹ không chấp thuận.

Bên cạnh đó, chi phí và nguồn lực bỏ ra để theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường này quá lớn. Tổng giám đốc Minh Phú từng chia sẻ để theo đuổi đến cùng các vụ kiện, công ty tốn rất nhiều tiền để thuê luật sư giỏi, dồn nguồn lực để xử lý hồ sơ.

"Chúng tôi tập trung tất cả lực lượng cán bộ có khi dừng sản xuất luôn để tập trung vào báo cáo”, ông Quang nói.

Do đó, ông Quang tuyên bố tại cuộc họp thường niên với cổ đông năm 2022 rằng sẽ giảm tỷ trọng tại thị trường Mỹ.

“Thuế giảm có mấy phần trăm nhưng chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng tới nhiều lần. Khi kinh doanh, chúng ta cần làm vì lợi nhuận; do đó việc bán hàng sang Mỹ lợi nhuận không cao, pháp lý phức tạp thì  có nên bán hàng vào đó hay không? Tôi cứ hỏi hoài tại sao Ấn Độ và Ecuador bán tôm rất rẻ, bán lỗ thế mà vẫn đâm đầu vào Mỹ. Bán hàng sang Mỹ lúc đầu thấy lời đấy, thế nhưng tính toán chi phí vào cũng hết lời luôn, thậm chí còn lỗ. Thế nên, Minh Phú cần thay đổi chiến lược”, ông Quang chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loi-nhuan-cong-ty-me-minh-phu-tang-gap-doi-nhung-nua-cuoi-nam-co-con-thuan-loi-202286131154329.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/