Loạt 'cơn gió ngược' gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Theo Tổng Giám đốc FiinRatings hoạt động mua lại trái phiếu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của doanh nghiệp và là “cơn gió ngược” lớn, gây hiệu ứng kép với các doanh nghiệp đặc biệt nhóm bất động sản.

Đánh giá về các kênh vốn và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 và triển vọng 2023 tại Toạ đàm Dự báo Kinh tế 2023 do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/12, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, không chỉ có những “cơn gió ngược” từ bên ngoài mà ngay cả bên trong cũng có những cơn gió “mùa đông bắc” thổi đến gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Ông Thuân cho biết, TPDN là nguồn vốn trung và dài hạn nhưng từ tháng 6/2022, hoạt động mua lại TPDN lại diễn ra mạnh mẽ do sức ép từ nhà đầu tư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Đây là “cơn gió ngược” lớn với các doanh nghiệp, gây hiệu ứng kép đặc biệt là nhóm bất động sản.

"Căn bệnh" của thị trường TPDN hiện tại

 Giá trị phát hành TPDN sụt giảm mạnh trong năm 2022. (Nguồn: FiinRatings).

Nguyên nhân một phần là do cơ cấu nhà đầu tư TPDN. Hiện tại, ngân hàng đứng đầu trong tỷ trọng sở hữu TPDN, sau đó là nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt nếu bỏ phần bank – bond ra thì nhà đầu tư cá nhân sở hữu trái phiếu nhiều nhất.

Do đó, khi xảy ra những bất cập trong điều hành thị trường như những vụ việc Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát, nhà đầu tư cá nhân ngay lập tức rơi vào hoảng loạn. Đây là lần đầu tư trong vòng 15 năm trở lại đây, yếu tố tâm lý tiêu cực gây hiệu ứng domino từ TPDN sang chứng khoán, bond fund,….

Tuy nhiên, “căn bệnh” nghiêm trọng nhất của thị trường TPDN ở thời điểm hiện tại nằm ở tổ chức phát hành đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết. Trong tổng số hơn 580 tổ chức phát hành chủ yếu là các doanh nghiệp chưa niêm yết, có chuyên gia gọi là đây là TPDN “dưới chuẩn”.

Các doanh nghiệp chưa niêm yết không phải doanh nghiệp nào cũng có chất lượng tín dụng tốt, theo thống kê của Uỷ ban chứng khoán đã có 96 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ.

Trong thời gian gần đây, hoạt động phát hành gần như đóng băng, trong khi mua lại trước hạn rất sôi động. Số dư TPDN hiện ước tính chỉ còn 1,2 triệu tỷ đồng. Để giải quyết vấn đề của thị trường trái phiếu, ở góc độ vĩ mô, chủ trương rất đúng nhưng khi triển khai thì còn một số vấn đề để khư trú và có liệu pháp cụ thể cho từng nhóm TPDN, đặc biệt là khôi phục lại niềm tin của thị trường.

Triển vọng các kênh vốn 2023

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, năm 2023, kênh tín dụng ngân hàng vẫn là kênh chủ yếu, dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn nhưng công tác triển khai nên được theo dõi cụ thể. Nếu tổng hạn mức tín dụng năm 2023 ở mức 14% thì tương đương tổng giá trị 1,7 triệu tỷ tăng ròng tín dụng toàn hệ thống. Đây là triển vọng cho các doanh nghiệp đáp ứng chuẩn tín dụng vì bên mua chính vẫn sẽ là ngân hàng.

Bên cạnh đó, năm 2023 cũng có triển vọng cho trái phiếu chào bán đại chúng. Hy vọng năm tới khối lượng phát hành có thể tăng gấp đôi, gấp ba bởi doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn phát hành TPDN đại chúng rất nhiều. Hiện Bộ Tài chính đã chỉ đạo HNX hoàn thành hệ thống giao dịch TPDN thứ cấp trước ngày 30/6/2023.

 Cơ cấu nhà đầu tư TPDN riêng lẻ trên thị trường thứ cấp. (Nguồn: FiinRatings).

Ông Thuân cho rằng, trong cơ cấu đầu tư TPDN hiện chủ yếu vẫn là người dân và ngân hàng, còn thiếu các định chế tài chính như quỹ hưu trí, bảo hiểm,… Khi có hệ thống giao dịch tập trung, hạn chế này sẽ được cải thiện phần nào.

Ngoài ra, triển vọng cho trái phiếu xanh, trái phiếu quốc tế cũng rất khả quan. FiinRatings cũng tham gia vào xếp hạng các TPDN có xanh hay không để các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn phát hành ra thị trường quốc tế. Ngay cả với một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xanh nhưng có kế hoạch chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang hướng xanh hơn cũng có thể huy động nguồn vốn từ TPDN để tiến hành chuyển đổi.

Với trái phiếu quốc tế, nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam, bất kể có những vấn đề của thị trường nội tại hay những cơn gió ngược. Nhưng trong điều kiện rủi ro cao thì lãi suất cũng phải cao, ông Thuân đánh giá, mức 14-15% các doanh nghiệp có thể chấp nhận được rất là với tỷ suất lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Với các kênh vốn khác, nhiều doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn tín dụng xuất nhập khẩu ECA thay vì vay ngân hàng hoặc tận dụng nguồn vốn lưu động… Hiện nay, việc nhiều doanh nghiệp đặc biệt là bất động sản nợ vốn lẫn nhau rất phổ biến, ông Thuân cho hay.

CEO FiinRatings đánh giá, điểm sáng của thị trường TPDN năm 2023 phụ thuộc nhiều vào khả năng triển khai của hoạt động của cơ quan quản lý. Đặc biệt là hoạt động của các tổ công tác mà Chính phủ mới thành lập để giải quyết khó khăn cho thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản,… bởi những vấn đề này không thể giải quyết đơn phương được.

Ngoài ra, nếu có hệ thống pháp lý bất động sản và nhà đầu tư có thể tham khảo ở đó thì rất tốt bởi minh bạch thông tin là yếu tố rất quan trọng đối với thị trường.

Ông Thuân cũng khuyến nghị, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần rà soát danh mục đầu tư mới, hạn chế dự án rủi ro, đòn bẩy cao, cũng như chuyển nhượng dự án, tài sản kém hiệu quả. Các doanh nghiệp nếu muốn tận dụng các kênh vốn TPDN thì không nên có những dự án quá rủi ro bởi nhà đầu tư hưởng lãi suất cố định nên họ sẽ không muốn đầu tư vào những dự án rủi ro quá cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần rà soát khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ hiện tại và chủ động minh bạch thông tin. Điều này không có nghĩa minh bạch mọi thứ mà cần minh bạch với các nhà đầu tư theo kênh phát hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng nên chủ động cải thiện hồ sơ tín dụng để có một chiến lược vốn dài hạn hơn.

Ông Thuân nhấn mạnh, “minh bạch thông tin rất quan trọng, hy vọng chất lượng tín dụng khi các doanh nghiệp tham gia thị trường vốn cần phân định rõ hơn và neo theo xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loat-con-gio-nguoc-gay-kho-khan-cho-doanh-nghiep-va-nen-kinh-te-2022122716383799.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/