Lo sợ về khủng hoảng năng lượng tại quê nhà, EU chậm trễ trong việc viện trợ cho Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) đang không đáp ứng kịp thời những lời hứa về việc cung cấp một gói viện trợ đáng kể cho Ukraine do những lo ngại về khủng hoảng tại chính quê nhà và bất đồng giữa các thành viên trong khối về việc phân chia trách nhiệm.

Theo Bloomberg, cách đây gần hai tháng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất khoản vay khẩn cấp 9 tỷ EUR cho Ukraine. Cho đến nay, EU mới chỉ thống nhất được gia đoạn đầu, tương đương với giải ngân được 1/9 mục tiêu đề ra.

EU đang phải đối mặt với những thách thứ mới đến từ nguy cơ Nga cắt hoàn toàn khí đốt và thắt chặt chính sách tiền tệ có nguy cơ đẩy cả khu vực vào cuộc suy thoái lần thứ hai trong hai năm.

Nhu cầu tài chính của Ukraine đang rất cấp thiết. Quốc gia bị tàn phá bởi xung đột đang phải đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách 5 tỷ USD mỗi tháng. 

Ngân hàng trung ương Ukraine vẫn là nguồn tài chính lớn nhất cho ngân sách của chính phủ. Cơ quan này ngày càng đưa ra nhiều cảnh báo về giới hạn khả năng cung cấp tiền mặt thông qua nợ chính phủ.

“Chúng tôi hy vọng có thể thuyết phục tất cả các đối tác rằng Ukraine thực sự cần những khoản tiền này và nhận được hỗ trợ tài chính vĩ mô vào cuối năm nay”, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết trong một tuyên bố.

Con số cam kết lớn, nhưng thực tế giải nhân thì thấp hơn nhiều. 

Ủy ban châu Âu cũng cam kết tài trợ phần lớn cho công cuộc tái thiết đất nước vào tháng 5, với chi phí có thể lên tới 750 tỷ USD, theo ước tính của chính phủ Ukraine.

Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng này có thể tạo nên một cuộc tranh luận thậm chí còn gay gắt hơn tại EU vì không có thỏa thuận nào về cách gây quỹ. Lời đề nghị Ủy ban khiến một số quốc gia thành viên lo sợ, cảnh giác với nỗ lực không lồ cần thiết để tái thiết Ukraine và các vấn đề tham nhũng tiềm ẩn.

Chính phủ châu Âu cũng bắt đầu lo lắng về việc người dân không còn ủng hộ Kiev trong những tháng tới, đặc biệt khi năng lượng trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn khi xung đột ngày càng kéo dài.

Khủng hoảng tại quê nhà

Khi các bộ trưởng tài chính EU thảo luận về viện trợ Ukraine tại cuộc họp 12/7, khoảng 1/3 trong số 27 quốc gia thành viên cảnh báo rằng sẽ cần có các biện pháp mới để hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương nhất trong khối đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhằm ngăn chặn tình trạng không hài lòng với Kiev.

Một quan chức cho biết, Ủy viên kinh tế EU Paolo Gentiloni nói với các bộ trưởng trong cuộc họp kín rằng chính phủ các nước cần đảm bảo có phản ứng kinh tế thích hợp đối với hậu quả của xung đột để tránh gây mệt mỏi cho người dân châu Âu.

Nhiều quốc gia EU đang đối mặt với lạm phát hai con số.

Ông Gentiloni nói với phóng viên hôm 14/7 rằng các chính phủ EU có "nhiệm vụ" giảm thiểu tác động của giá cả, đặc biệt là hóa đơn năng lượng đối với người nghèo.

Các bộ trưởng châu Âu đã đồng ý về khoản vay 1 tỷ EUR cho Ukraine như một đợt đầu tiên trong gói hỗ trợ tài chính vĩ mô lớn hơn.

Phần lớn gói tài chính, được các nhà lãnh đạo EU phê duyệt về nguyên tắc vào tháng 5, đã bị chặn trong nhiều tuần do sự khác biệt giữa Ủy ban và Đức về cách cấu trúc nguồn tài trợ.

Theo những người quen thuộc với tình hình các cuộc thảo luận, sự bế tắc khó có thể được giải quyết trước khi Brussels chuyển sang kỳ nghỉ hè. Để được thông qua, tất cả 27 quốc gia thành viên phải đồng ý với các điều khoản của gói viện trợ.

Điều khoản của Berlin

Ban đầu, Đức đã cố gắng thuyết phục Ủy ban cung cấp các khoản tài trợ thay vì cho vay để giảm bớt gánh nặng nợ của Ukraine. Berlin sau đó lại thương lượng với cơ quan điều hành EU về các điều khoản của các khoản vay.

Ủy ban đã yêu cầu các quốc gia thành viên cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay. Nhưng Đức muốn giảm bớt khối lượng trách nhiệm của mình, và lập luận rằng Berlin đã viện trợ không hoàn lại 1 tỷ EUR cho Ukraine thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Để bù đắp, Đức kêu gọi các quốc gia thành viên khác cung cấp các bảo đảm bổ sung.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner đã nói: “Không nên kêu gọi nước Đức hai lần”. Ông Lindner cho biết thêm rằng "tất cả mọi người nên được yêu cầu hành động trong phạm vi khả năng của mình".

Ngoài ra, khoản vay 1,5 tỷ EUR do Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) cung cấp cho Kiev cũng vẫn bị chặn lại bên trong bộ máy EU do Ủy ban đang kêu gọi khối lượng bảo lãnh cao hơn so với tiêu chuẩn của ngân hàng.

Một quan chức của Ủy ban cho biết EU cần đảm bảo rằng có thể chịu thiệt hại trong trường hợp Ukraine vỡ nợ. Những đám mây kinh tế của châu Âu có thể khiến cuộc tranh luận này trở nên khó khăn hơn trong những tháng tới. 

Một nhà ngoại giao EU cảnh báo, chi phí của quá trình chuyển đổi năng lượng, các biện pháp bình ổn giá cả cả, nhu cầu chi tiêu quân sự và hỗ trợ cho Ukraine đều cạnh tranh để giành được nguồn lực tài chính đang ngày một cạn kệt.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Nga ngừng dòng khí đốt đến châu Âu. “Rủi ro [mất nguồn khí đốt] không chỉ là một kịch bản giả định mà EU cần chuẩn bị”, ông Gentiloni nói. “Một cơn bão là có thể xảy ra. Nhưng chúng tôi thì chưa sẵn sàng”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lo-so-ve-khung-hoang-nang-luong-tai-que-nha-eu-cham-tre-trong-viec-vien-tro-cho-ukraine-202271692121663.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/