Lo ngại xu hướng sụt giảm nguồn vốn FDI chất lượng

Trái với những dự đoán cho rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến khi dòng vốn nước ngoài dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tám tháng qua chẳng những không tăng mà còn giảm mạnh.

Đáng lo nhất là sự sụt giảm này chủ yếu lại diễn ra ở những nước được đánh giá là có nguồn đầu tư chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bất ngờ giảm mạnh

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong tám tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 13,1 tỉ đô la Mỹ, giảm tới 31% so với con số của cùng kỳ năm 2018. 

Trong đó, nguồn vốn FDI đăng ký mới đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ và đăng ký bổ sung thêm từ các dự án đang hoạt động là 3,9 tỉ đô la Mỹ, lần lượt giảm 32% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lo ngại xu hướng sụt giảm nguồn vốn FDI chất lượng - Ảnh 1.

Các địa phương đang tập trung vào chất lượng thu hút đầu tư để đáp ứng được yêu cầu, định hướng thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, công nghệ cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong số các ngành thu hút nhiều FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây, sự sụt giảm mạnh ở ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ, sản xuất và phân phối điện. Chỉ lĩnh vực chế biến và chế tạo, xây dựng là tiếp tục tăng trưởng so với năm 2018.

Đây được xem là diễn biến khá bất ngờ, bởi rất nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Thực tế đã không diễn ra như vậy và có lẽ rất nhiều người đang muốn hiểu xem nguyên nhân là gì? Và liệu đây có phải là một xu hướng hay chỉ là diễn biến trong ngắn hạn?

Có đáng lo ngại?

Số liệu cho thấy đang có những diễn biến đáng quan ngại trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi nguồn vốn FDI từ Trung Quốc tăng tới 188%, thì con số này từ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản lại đang giảm lần lượt 41 và 70% so với cùng kỳ của năm 2018. 

Nguồn vốn FDI từ Singapore và Thái Lan cũng lần lượt sụt giảm tới 42 và 44% so với cùng kỳ năm trước.

Như chúng ta đã biết, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là các thị trường truyền thống và đang dẫn đầu trong việc cung cấp nguồn vốn FDI từ các năm trước đến nay. 

Cụ thể, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư tới 65 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, con số này của các doanh nghiệp Nhật Bản và Singapore lần lượt là 58 và 49 tỉ đô la Mỹ. 

Trong khi đó, nguồn vốn FDI lũy kế của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện mới chỉ ở mức 15 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 7 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Số liệu trên rõ ràng đã khiến cho những quan ngại ban đầu trở thành lo lắng. Nguồn vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore thường là từ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, chế biến và chế tạo. 

Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam muốn phát triển để có cơ hội nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước thông qua việc chuyển giao công nghệ. 

Còn dòng vốn đến từ Trung Quốc chưa có những đặc tính rõ ràng về lĩnh vực và mục tiêu. Hơn nữa, ngay cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì công nghệ của họ cũng là một dấu hỏi lớn. Rất nhiều dự án đến từ Trung Quốc đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường.

Tuy nhiên, tất cả những số liệu và diễn biến ở trên mới chỉ cho chúng ta thấy được dưới góc độ của nguồn vốn đăng ký. 

Trong khi đó, nguồn vốn FDI giải ngân thực tế trong tám tháng đầu năm 2019 vào Việt Nam vẫn đạt mức 12 tỉ đô la, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến này có thể chỉ là tạm thời

Để có những đánh giá cụ thể hơn về xu hướng thì chúng ta cần đi tìm nguyên nhân của nó. Việc các doanh nghiệp của Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong những tháng gần đây cũng không quá khó để giải thích. 

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể còn kéo dài, thậm chí có quan điểm cho rằng có thể là tới 10 năm. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chủ động chuyển sang đầu tư tại các nước khác để tránh bị tác động tiêu cực. Không chỉ Việt Nam, dòng vốn từ Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng mạnh tại Thái Lan và Indonesia.

Trong khi đó, kinh tế tại Hàn Quốc đang có những tín hiệu tiêu cực trong thời gian gần đây. Tăng trưởng GDP trong quí 1-2019 của quốc gia này giảm 0,4% và quí 2 chỉ tăng 1%.

 Đây được xem là những con số thấp nhất trong số 34 quốc gia có nền kinh tế phát triển trong nhóm OECD. Diễn biến này đã khiến cho đồng won của Hàn Quốc mất giá tới 6,3% so với đô la Mỹ tính từ đầu năm 2019 đến nay. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp hạn chế đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến và chế tạo của Hàn Quốc cũng đang bị tác động tiêu cực bởi lệnh hạn chế xuất khẩu linh kiện điện tử công nghệ cao từ Nhật Bản.

Trong khi đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng. Thậm chí nguồn vốn FDI của Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài còn tăng tới trên 100% trong quí 1-2019 khi các doanh nghiệp ô tô và điện tử của nước này mở rộng sản xuất tại Mỹ và châu Âu.

Diễn biến trên cho thấy việc giảm vốn đầu tư vào Việt Nam chưa trở thành một xu hướng. Hơn nữa, việc hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất sẽ khiến cho các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới nổi. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đến từ các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. 

Chính vì vậy mà việc đẩy mạnh đầu tư phát triển vào cơ sở hạ tầng là một trong nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, dự án đường cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm được đáng kể chi phí vận chuyển và lưu kho (logistics).

Lo ngại xu hướng sụt giảm nguồn vốn FDI chất lượng - Ảnh 2.

Lo ngại xu hướng sụt giảm nguồn vốn FDI chất lượng - Ảnh 3.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lo-ngai-xu-huong-sut-giam-nguon-von-fdi-chat-luong-20190929114016958.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/