'Lịch sử sẽ lặp lại' - niềm tin mù quáng khiến nhà đầu tư hụt bước

Lịch sử của thị trường chứng khoán không bao giờ lặp lại y như cũ, nhưng nhà đầu tư lại thường coi quá khứ là quả cầu tiên tri.

'Lịch sử sẽ lặp lại' - niềm tin mù quáng khiến nhà đầu tư hụt bước - Ảnh 1.

Con ngỗng nhìn về phía sau để tiến lên phía trước sẽ bị hụt chân. (Hình minh họa: Alex Nabaum/ Wall Street Journal).

Vào thứ Hai ngày 19/7, thị trường tài chính đồng loạt nhấn nút "phát lại".

Khi nỗi sợ rằng chủng Delta của COVID-19 có thể tàn phá nền kinh tế lan rộng, chứng khoán Mỹ mất hơn 2%. Giá dầu thô sụt 7,5%, mức giảm trong ngày mạnh nhất trong gần một năm.

Cổ phiếu hàng không, dầu khí, hãng tàu du lịch, khách sạn và trung tâm mua sắm bị bán tháo ồ ạt, giống như những gì xảy ra hồi tháng 2 và tháng 3/2020. Cổ phiếu của nhà bán lẻ trực tuyến, dược, công nghệ và y tế cá nhân đi lên hoặc giữ giá. Năm ngoái, những ngành này cũng khá vững vàng trong đại dịch.

Thành tích trong quá khứ bỗng nhiên có vẻ như là đảm bảo cho kết quả tương lai. Nhưng nhà đầu tư nên nhớ rằng điều này không đúng.

Diễn biến phiên giao dịch 19/7 có nhiều điểm tương đồng với cuộc hoảng sợ vì đại dịch năm ngoái. Có đến 8 trong số 20 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 lần này nằm trong nhóm cổ phiếu rớt giá nặng nề nhất lần trước, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.  

United Airlines mất 5,5% trong ngày 19/7. Còn trong giai đoạn từ 19/2 đến 23/3/2020, hãng hàng không này lao dốc 67%. Công ty khí đốt tự nhiên Oneok sụt 5,8% trong phiên đầu tuần trước và 74,5% trong vụ sụp đổ vì COVID-19 năm ngoái. Tương tự, Norwegian Cruise Line rớt 5,5% phiên 19/7 và 81,4% trong đợt suy sụp vì đại dịch 2020.

'Lịch sử sẽ lặp lại' - niềm tin mù quáng khiến nhà đầu tư hụt bước - Ảnh 2.

*19/2-23/3/2020.

Một số mã tăng mạnh nhất: Hãng dược Regeneron Pharmaceutical nhích 0,3% trong phiên đầu tuần trước sau khi lội ngược dòng đi lên 13,7% trong vụ sụp đổ thị trường 2020, công ty chất tẩy Clorox tăng 0,8% vào ngày 19/7 và 3,2% trong đợt náo loạn năm ngoái, nhà bán lẻ Kroger bật tăng 4,3% phiên 19/7 và 5,2% vào giai đoạn suy sụp 2020.

Sau đó, bắt đầu từ ngày 20/7, nỗi lo về COVID-19 bị dẹp sang một bên trước báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp và thị trường đảo chiều. Rất nhiều cổ phiếu đi lên phiên hôm trước đã quay đầu đi xuống, còn những cổ phiếu vấp ngã thì vùng lên. Giờ đây, trên thực tế, thị trường đang kỳ vọng cuộc phù hồi hậu tháng 3/2020 lặp lại lần nữa.

Việc lặp lại hành động trong quá khứ để phản ứng với tương lai là thói quen khó bỏ: Chúng ta sống trong thế giới mà kỹ năng và sự vượt trội thường tồn tại lâu dài và giá cả thường là tín hiệu tốt về chất lượng.

Các vận động viên giỏi giang có chuỗi thành công đáng nể dường như liên tục ghi được điểm, hôm nay món ăn trong nhà hàng yêu thích của bạn chắc hẳn cũng ngon như tháng trước, ô tô đắt tiền thường lái thích hơn là ô tô rẻ.

Những hiện tượng kiểu này cũng xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Các cổ phiếu mà gần đây giá và lợi nhuận đang đi lên có xu hướng tiếp tục thành công, còn những cổ phiếu "lẹt đẹt" thì thường tiếp tục xuống dốc.

Nhưng thị trường chứng khoán là một hệ thống phức tạp, năng động, không tuân theo quy luật của nhà hàng hay xe cộ. Đầu tư là hoạt động cạnh tranh đến mức lịch sử hiếm khi có thể lặp lại dài lâu.

Nếu bất kỳ mẫu hình quá khứ nào lặp lại một cách đáng tin cậy, nó sẽ bị nhiều người lợi dụng đến mức không còn đúng nữa. Thực vậy, khi mẫu hình "kẻ thắng tiếp tục thắng" bị đảo ngược, nhà đầu tư có thể lỗ nặng.

Thói quen coi quá khứ là tấm gương phản chiếu tương lai của con người gần như không thể sửa chữa. Nhà đầu tư thích những lời giải thích có vẻ ăn khớp về các động thái của thị trường, chẳng hạn như những gì mà các phương tiện truyền thông đưa tin. Ngay khi thị trường ngừng đi lên, những lời giải thích đó - dù thất thường đến đâu - có xu hướng làm ra vẻ xu hướng "đi xuống" mới sẽ kéo dài. 

Giáo sư Tài chính Meir Statman của Đại học Santa Clara đã phân tích các khảo sát hàng tháng về nhà đầu tư nhỏ lẻ trong hơn một thập kỷ. Trung bình, tỷ lệ những người kỳ vọng chứng khoán đi lên trong 6 tháng tiếp theo tăng 1 điểm % tương ứng với mỗi 1 điểm % chỉ số S&P leo lên trong tháng trước. Cứ như thể nhà đầu tư tin rằng tương lai trong trung hạn được định hình bởi quá khứ ngắn hạn.

Nỗ lực giúp mọi người ngừng thói quen dựa dẫm vào quá khứ có thể phản tác dụng.

Đừng làm theo người khác

Trong nghiên cứu mới được đăng tải bởi Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm, hai nhà nghiên cứu hành vi là Weiss-Cohen và Philip Newall đã kiểm tra những tuyên bố từ chối trách nhiệm về hiệu suất đầu tư trong quá khứ đối với 1.600 người ở Mỹ.

Khoảng 1.000 người trong số đó có kinh nghiệm đầu tư. Trong 60 vòng của cuộc thử nghiệm, người tham gia chọn giữa "Quỹ A" và "Quỹ B". Mỗi lần, họ được cho xem phí và lãi lỗ của từng quỹ tháng trước. Những khoản lợi nhuận đó thay đổi một cách ngẫu nhiên, nhưng trung bình, Quỹ A sẽ hoạt động tốt hơn theo thời gian, vì phí của nó thấp hơn hẳn.

Đáng chú ý, khi nhiều nhà đầu tư đọc tuyên bố từ chối trách nhiệm của quỹ rằng "hiệu suất trong quá khứ không đảm bảo kết quả trong tương lai", họ chọn quỹ có mức phí cao hơn thường xuyên hơn.

Ông Weiss-Cohen, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: "Rất nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm dường như tin rằng lời cảnh báo không áp dụng đối với họ. Có vẻ họ nghĩ rằng: "Tôi có thể thành công vì tôi thông minh hơn cái cảnh báo này"".

Câu nói "không đảm bảo kết quả trong tương lai" có thể khiến nhà đầu tư kết luận – một cách sai lầm – rằng hiệu suất trong quá khứ dù sao vẫn là một chỉ số đáng tin, ông Newall giải thích.

Trong khi đó, phí thấp là chỉ báo tương lai tốt hơn nhiều là lợi nhuận qua khứ.

Các nhà nghiên cứu cho thấy điều ngăn cản nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận quá khứ là lời cảnh báo: "Một số người đầu tư dựa trên hiệu suất trong quá khứ, nhưng các quỹ có phí thấp có kết quả tương lai cao nhất".

Cách viết như trên thúc đẩy nhà đầu tư tạo ra sự so sánh giữa họ và những người khác. Chẳng ai muốn đầu tư như "một số người" tầm thường nào đó. Mọi người đều muốn mình xuất sắc hơn kẻ khác, ông Newall lý giải.

Vậy, khi bạn theo dõi thị trường phí công theo đuổi lợi nhuận trong quá khứ, hãy nhớ rằng: Một số người đầu tư như vậy, nhưng bạn không cần làm theo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lich-su-se-lap-lai-niem-tin-mu-quang-khien-nha-dau-tu-hut-buoc-20210726135627751.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/