Lehman Brothers phá sản: Những bài học xương máu bị ngó lơ

10 năm sau khi Lehman Brothers phá sản, hệ thống tài chính vẫn còn rất “mong manh dễ vỡ”

lehman brothers pha san nhung bai hoc xuong mau bi ngo lo 10 năm sau ngày Lehman Brothers phá sản: Nhìn lại hai bài học đắt giá cho nhà đầu tư
lehman brothers pha san nhung bai hoc xuong mau bi ngo lo

Ngày này 10 năm về trước, giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn đang diễn tiến tồi tệ mỗi ngày, chính phủ Mỹ đã làm một việc mà nhiều người có nằm mơ cũng không nghĩ tới: cho phép một ngân hàng đầu tư khổng lồ - Lehman Brothers – nộp đơn phá sản. Chỉ trong vài ngày, những hệ quả khủng khiếp của vụ phá sản khiến cho tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ phải điêu đứng, dòng tiền ồ ạt tháo chạy khỏi các quỹ thị trường tiền tệ và gây ra một cơn co thắt tín dụng khiến cho hàng triệu người mất việc làm.

Sau đó, chính phủ Mỹ đã phải bơm hàng nghìn tỷ USD để vực dậy hệ thống tài chính và chi hàng trăm tỷ USD để kích thích tài khóa. Nhờ thế mà thảm họa kinh tế tồi tệ nhất nhất từ thời kỳ Đại khủng hoảng 1929 mới không biến thành thảm họa kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.

Thế nhưng những hậu quả của vụ sụp đổ kinh hoàng 10 năm về trước vẫn còn tới tận ngày nay.

Chỉ riêng ở nước Mỹ, khoảng 1.400 tỷ USD sản lượng kinh tế đã mất đi và mãi mãi không bao giờ lấy lại được – một mất mát mà đa phần là người nghèo phải gánh chịu.

Chi phí hỗ trợ nền kinh tế đã khiến cho nhiều quốc gia phát triển phải gánh những khối nợ lớn chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, đồng thời cũng làm cạn kiệt nguồn lực của các ngân hàng trung ương để chống đỡ trước cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Chủ nghĩa dân túy đang thống trị các nước phát triển và đưa Donald Trump lên chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Sở dĩ chủ nghĩa này có thể trỗi dậy mạnh mẽ là do trong cuộc khủng hoảng 2008 chính phủ các nước không có lựa chọn nào khác ngoài giải cứu các ngân hàng lớn, từ đó đánh mất niềm tin của dân chúng vào hệ thống chính trị.

Với những thiệt hại khủng khiếp như vậy, lẽ ra những bài học từ vụ phá sản phải được khắc sâu vào tâm trí của các nhà chính trị khắp nơi. Nhưng điều đáng kinh ngạc là chúng ta đã quên những bài học này quá nhanh và hệ thống tài chính vẫn còn hết sức rủi ro.

Những bài học của cuộc khủng hoảng 2008 đã quá rõ ràng. Các ngân hàng khi đó nợ quá nhiều mà vốn chủ sở hữu lại quá ít nên đã không thể chống chịu được các khoản thua lỗ ập đến. Các cơ quan quản lý nhà nước thì bị che mắt: hệ thống tài chính quá phức tạp tới mức các nhà quản lý không nhận ra được rằng rủi ro đang tích tụ và không biết ai có quan hệ với ai.

Và cho dù các cơ quan quản lý có nhìn thấy tất cả những điều này thì họ cũng không thể dễ dàng cắt nhỏ một định chế tài chính lớn với hoạt động toàn cầu. Vụ phá sản của Lehman Brothers đã cho chúng ta thấy rõ hai lựa chọn đáng sợ mà các cơ quan quản lý đối mặt: Dùng tiền thuế của dân để giải cứu các ngân hàng hoặc để ngân hàng phá sản - chấp nhận khả năng Ngày tận thế có thể xảy đến với hệ thống tài chính.

Sau cuộc khủng hoảng, các nhà làm luật và nhà quản lý đã rất nỗ lực để đảm bảo hệ thống tài chính sẽ được chuẩn bị tốt hơn thông qua việc soạn thảo và áp dụng hàng nghìn trang luật lệ và quy định mới.

Trong một số trường hợp, những thay đổi này lại trở nên phiền phức một cách không cần thiết và nói chung là chưa đáp ứng được kỳ vọng. Các cuộc kiểm tra sức chịu đựng (stress-tests) đã cải thiện đáng kể chất lượng quản trị rủi ro của các ngân hàng nhưng những kịch bản được sử dụng tỏ ra quá “nhẹ nhàng” so với một cuộc khủng hoảng thật.

Các quy định và chế độ báo báo mới về chứng khoán phái sinh đã làm sáng tỏ nhiều góc khuất của hệ thống tài chính nhưng vẫn chưa cung cấp một bức tranh tổng thể theo thời gian thực để giúp các cơ quan quản lý nhìn thấy những nguy hiểm và có biện pháp đối phó cần thiết.

Một số ngân hàng thuộc loại lớn nhất trên thế giới vẫn chưa thể cung cấp dữ liệu đầy đủ, kịp thời và chính xác về những rủi ro của chính ngân hàng mình. Các cơ quan quản lý đã phát triển một cơ chế để tiếp quản một định chế tài chính lớn gặp khó khăn nhưng cơ chế này chưa từng được thử nghiệm và nhiều khả năng không phát huy tác dụng trong một cuộc khủng hoảng toàn hệ thống.

Nhìn chung, hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay có quá nhiều điểm tiêu cực tương đồng với giai đoạn 2007.

Những nhân tố rủi ro khổng lồ vẫn đang tập trung tại một số ít định chế tài chính yếu kém. Không thiếu những đề xuất để thay đổi một cách căn bản toàn bộ hệ thống, cái đang thiếu là ý chí chính trị. Đáng ngại hơn là việc cả thế giới như đang “ngựa quen đường cũ”, đi lại vào vết xe đổ của cuộc khủng hoảng trước.

Ở Châu Âu, các ngân hàng đã thành công trong việc phản đối các quy định về tăng cường tỷ lệ an toàn vốn. Ở Mỹ, Quốc hội và chính quyền Tổng thống Trump đã gỡ bỏ một số phần của luật cải cách tài chính Dodd-Frank 2010, qua đó làm suy yếu đi những lớp rào chắn cho hệ thống cũng như làm sói mòn năng lực của những tổ chức được lập ra để bảo vệ người dân và tạo một hệ thống cảnh báo sớm,

Quy mô vốn chủ sở hữu tại các ngân hàng lớn nhất thế giới có lẽ là thước đo chính xác nhất về tình hình hiện tại. Trái với suy nghĩ của nhiều người, vốn chủ sở hữu không phải là một quỹ dự phòng cho những ngày “giông bão”. Nó là số tiền mà các cổ đông đóng góp vào doanh nghiệp – số tiền mà các ngân hàng có thể dùng để cho vay hoặc đầu tư. Khác với các khoản nợ, vốn chủ sở hữu có đặc tính tự động hấp thụ các khoản thua lỗ và qua đó khiến toàn bộ hệ thống khỏe mạnh hơn.

Những nhà quản lý lo ngại về tình hình ổn định tài chính thường muốn các ngân hàng có nhiều vốn chủ sở hữu hơn. Ngược lại, lãnh đạo các ngân hàng thường muốn dùng ít vốn chủ và nhiều nợ vay hơn – tức là tỷ lệ đòn bẩy cao hơn – vì trong thời kỳ làm ăn thuận lợi, đòn bẩy cao giúp mang lại lợi nhuận cao hơn.

Yêu cầu về vốn

Những năm đầu thế kỷ 20, trước khi có bảo hiểm tiền gửi và các hỗ trợ khác từ người dân, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của các ngân hàng thường vào khoảng 20%.

Ngày nay, tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông bình quân có trọng số tại 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ chỉ là 7,7%. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với thời điểm 2007 ngay trước khủng hoảng nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ 8,3% vào tháng 12/2015 khi động lực cải cách tài chính sau khủng hoảng bắt đầu “giảm nhiệt”.

lehman brothers pha san nhung bai hoc xuong mau bi ngo lo

Tổng vốn chủ hữu hình tại 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trên tổng tài sản hữu hình. Nguồn: Bloomberg.

Các ngân hàng gồm: JP Morgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Citigroup, Goldman Sachs Group và Morgan Stanley.

Nếu so sánh với các tiêu chuẩn hợp lý, chừng đó vốn chủ sở hữu rõ ràng là không đủ. Trong những ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng, tổng giá trị các khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán và cho vay được ước tính lên tới khoảng 10%.

Để giảm thiểu nguy cơ cần giải cứu, các ngân hàng lẽ ra phải có ít nhất là gấp đôi số vốn chủ này. Đây cũng là mức vốn mà các nhà kinh tế học tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Minneapolis khuyến nghị hồi năm ngoái. Các chuyên gia ước tính nếu cứ giữ nguyên yêu cầu về vốn như hiện nay, xác suất chính phủ phải giải cứu hệ thống ngân hàng trong 100 năm tới là 67%.

Không sớm thì muộn, một cuộc khủng hoảng khác sẽ ập tới. Những khoản đầu tư được cho là an toàn sẽ trở thành rủi ro và sức chịu đựng của hệ thống sẽ bị thử thách một lần nữa. Một hệ thống tài chính khỏe mạnh phải được xây dựng dựa trên nền tảng là một khối vốn chủ đủ lớn. Các ngân hàng không có lý do gì để không tuân thủ - và giờ đây chính là lúc thích hợp nhất. Ở Mỹ, lợi nhuận các ngân hàng đang ở gần mức cao kỷ lục của năm 2007, giúp các ngân hàng có thể dễ dàng bổ sung vốn chủ sở hữu.

Cuộc khủng hoảng 2008 nên đem lại một hệ thống tài chính an toàn hơn. Bây giờ vẫn là chưa quá muộn để đạt mục tiêu này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lehman-brothers-pha-san-nhung-bai-hoc-xuong-mau-bi-ngo-lo-85064.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/