Lập kế hoạch tài chính mua nhà thông minh trong mùa dịch

Trong mùa dịch này, bạn có thể tận dụng cơ hội giá thành bất động sản thấp để lập kế hoạch tài chính mua nhà thông minh.

Sở hữu một ngôi nhà của riêng mình là giấc mơ với nhiều người, đặc biệt là những người đã có gia đình hoặc sống nhiều năm trong những căn phòng ở thuê tại những thành phố lớn đông đúc. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, bạn phải làm thế nào để tiết kiệm thông minh cho kế hoạch mua nhà của mình?

Trên thực tế, quá trình chuẩn bị mua nhà bao gồm nhiều bước, và một trong những phần quan trọng nhất là xác định ngân sách thực tế. Thiết lập ngân sách không khó, nhưng bạn phải mất một thời gian để thu thập thông tin cần thiết và sau đó tìm ra cách tiết kiệm tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tế của bạn. 

Dưới đây là 5 bước để tiết kiệm thông minh nhất cho dự định mua nhà.

1. Xác định rõ khoản thu nhập của bạn

Biết rõ về thu nhập cố định và các nguồn thu nhập khác (nếu có) là phương pháp giúp bạn nhìn nhận chính xác rằng bạn có khả năng chi trả như thế nào. Rõ ràng, thu nhập hàng tháng là phần dễ xác định nhất của câu đố ngân sách. Cho dù các khoản tiền tiền khác mà bạn kiếm thêm được trong lúc rảnh rỗi hoặc bán hàng online, làm thêm, v.v. có nhỏ như thế nào, chúng đều xứng đáng được đưa vào ngân sách.

Lập kế hoạch tài chính mua nhà thông minh trong mùa dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: marycouzens.com).

2. Tính toán tổng chi phí hàng tháng

Để tiết kiệm thông minh cho kế hoạch mua nhà, sau khi tính tổng thu nhập mỗi tháng, bạn cần tiếp tục xem xét mỗi tháng bạn và gia đình chi tiêu hết bao nhiêu. Đây có thể là nhiệm vụ khó khăn nhất vì nó buộc bạn phải có cái nhìn trung thực về khả năng tài chính của mình. 

Chi phí gia đình nhiều nhất thường là tiền thuê nhà, các tiện ích (điện, nước, mạng, đi lại) và thực phẩm. Bạn cũng đừng quên bao gồm các chi phí y tế, quần áo và giải trí vào phần chi phí chung hàng tháng.

Cách đơn giản để tính toán và kiểm soát chính xác số tiền chi tiêu là sử dụng tệp Excel hoặc các ứng dụng quản lý chi tiêu có sẵn cho di động.

3. Quyết định ngân sách mua nhà

Sau khi xem xét thu nhập và chi phí cố định, bạn có thể biết tương đối chính xác khả năng chi trả của mình và quyết định ngân sách mua nhà. Có thể là 1 tỷ, 2 tỷ hay nhiều hơn thế. Ngân sách cũng đồng thời giúp bạn quyết định loại nhà muốn mua và có thể mua – chung cư, chung cư cao cấp, nhà riêng hay biệt thự? Đừng quên tính toán chi phí nội thất, bảo trì và sửa chữa cũng như các khoản phí dịch vụ hoặc tiền dành cho các tiện ích.

Quyết định ngân sách mua nhà cũng sẽ giúp bạn có động lực để kiếm tiền và tiết kiệm nhiều hơn để thực hiện được mục tiêu cuối cùng.

4. Gửi tiết kiệm và tìm kiếm các gói mua nhà phù hợp

Bước tiếp theo là bạn hãy bắt đầu gửi tiền tiết kiệm theo tháng và tìm hiểu chương trình mua nhà ở phù hợp. Bạn có thể đồng thời vừa gửi tiền trong ngân hàng, vừa dành một khoản nhỏ hơn để đầu tư, nếu bạn có khả năng kinh doanh hoặc am hiểu về đầu tư tài chính, chứng khoán. 

Ngoài ra, cũng đừng quên chia số tiền tiết kiệm của bạn ra một khoản khác, dành riêng cho nguy cơ rủi ro và các trường hợp khẩn cấp như tai nạn hoặc ốm đau.

5. Cân bằng giữa các khoản chi tiêu cố định và tiền gửi tiết kiệm

Sau tất cả, bạn có thể phát hiện ra sự mất cân đối giữa thu nhập và chi tiêu, nhưng nếu thực sự muốn mua nhà, bạn buộc phải giải quyết những vấn đề đó và điều chỉnh thói quen chi tiêu. 

Tiền thuê nhà và ăn uống của bạn là chi phí cố định nhưng mua sắm đồ hiệu hoặc các hoạt động giải trí là những khoản bạn có thể cắt giảm. Lợi thế của việc tiết kiệm thông minh cho kế hoạch mua nhà là bạn sẽ rút ngắn được thời gian và sớm có được tổ ấm mơ ước của chính mình.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lap-ke-hoach-tai-chinh-mua-nha-thong-minh-trong-mua-dich-20200318011452835.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/