Làm việc tại nhà hay đến công ty: Bài toán phải giải dành cho các doanh nghiệp trở lại sau dịch

Làm việc tại nhà giúp người cảm thấy thoải mái, nhưng các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng điều này đôi khi lại không tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Tạp chí Time đã theo dõi đại dịch COVID-19 một cách khoa học. Giờ đây, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, đã đến lúc hiểu đúng về cách làm việc tại nhà.

Thực tế, Time nhận định rằng đối với nhiều công việc, đặc biệt là một số công việc hợp tác, đòi hỏi kỹ năng và có giá trị cao, làm việc tại nhà đơn giản là không hiệu quả. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa sự bất thường tạm thời và công việc trong giai đoạn bình thường mới.

Các doanh nghiệp cần làm gì khi hình thức làm việc tại nhà không phù hợp với tất cả ngành nghề? - Ảnh 1.

Làm việc tại nhà giúp nhiều người cảm thấy thoải mái. (Ảnh: Time).

Làm việc tại nhà đem đến sự linh hoạt...

Đại dịch không đồng nghĩa với việc các văn phòng sẽ mất giá trị như nhiều người vẫn nói, nhưng con người sẽ trở nên linh hoạt hơn. Nhiều nhân viên sẽ không muốn làm việc cả ngày ở văn phòng bởi làm việc tại nhà đem lại cho họ sự tự do và linh hoạt. 

Giải pháp cho tương lai là mô hình kết hợp: Chấp nhận rằng làm việc tại nhà không mang lại hiệu quả lâu dài cho hầu hết công việc, nhưng nó vẫn đem lại sự linh hoạt cho người lao động. 

Một cách để làm điều đó là phân bổ các khoảng thời gian, ví dụ như chia số ngày lên văn phòng và số ngày làm việc tại nhà trong một tuần. Giáo sư Tom Eisenmann của Trường Kinh doanh Harvard nhận định rằng làm việc từ xa sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống, vì vậy doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề duy trì nền văn hóa khi mọi người "sống rải rác khắp nơi trên thế giới".

Đây sẽ là câu trả lời cho lý do làm việc tại nhà lại trở thành xu hướng trong đại dịch, mặc dù ý tưởng này đã xuất hiện từ rất lâu. Năm 1970, cố Phó tổng biên tập tạp chí Fortune Alvin Toffler từng dự đoán tương lai của thế giới là làm việc tại nhà thay vì làm việc tại văn phòng và nhà máy.

Nửa thế kỷ sau, dự đoán của ông đã trở thành sự thật. Trước đại dịch, khoảng 20% công nhân làm tất cả hoặc hầu hết công việc của họ ở nhà, theo một phân tích từ Pew Research Center. Con số đó đã tăng lên hơn 70% trong thời kỳ đại dịch, theo một khảo sát từ gần 6.000 người trưởng thành tại Mỹ.

Với một số người, làm việc từ xa giúp họ cảm thấy hài lòng và tăng năng suất, đặc biệt đối với những người làm công việc kỹ thuật, không đòi hỏi phải làm việc theo nhóm quá nhiều. Stack Overflow, một trang web cộng đồng dành cho lập trình viên máy tính có trụ sở tại New York đã phát hiện ra rằng vào năm 2017, khoảng 53% trong số 64.000 nhà phát triển được khảo sát đã xếp hạng làm việc từ xa là một trong 5 lợi ích công việc được đánh giá cao nhất.

... nhưng không phù hợp với mọi ngành nghề

Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học khác cho chúng ta biết những người lao động cảm thấy hài lòng khi làm việc tại nhà chỉ chiếm thiểu số. Ngoài ra, việc những người này cảm thấy hài lòng không có nghĩa tất cả đều thấy như vậy. Chúng ta nên thận trọng khi áp dụng một sự thay đổi lớn cho nền kinh tế.

Trước khi đại dịch bùng phát, tạp chí Time đã có đánh giá sự hợp tác đa ngành trong môi trường làm việc tại nhà cho nghiên cứu văn bằng Tiến sĩ tại Đại học Imperial, London. Các cá nhân làm việc trong các dự án sáng tạo cho biết họ cảm thấy giống như một "công nhân" và ít giống như một thành viên trong một gia đình. "Đồng nghiệp không biết tôi dậy sớm như thế nào, cũng không biết tôi đã làm việc chăm chỉ ra sao", một người trong nhóm cho biết.

Các doanh nghiệp cần làm gì khi hình thức làm việc tại nhà không phù hợp với tất cả ngành nghề? - Ảnh 2.

Làm việc tại nhà không phù hợp với tất cả ngành nghề. (Ảnh: Ladders).

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn được đề cập đến là tác động từ hình thức làm việc tại nhà đối với các đội nhóm, hay rộng hơn là cả doanh nghiệp. Làm việc từ xa thường phá vỡ các cơ chế cho phép một nhóm làm việc cùng nhau một cách sáng tạo. 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng tác phẩm sáng tạo tốt nhất được làm ra khi một nhóm đang ở trong trạng thái tập trung vào một vấn đề duy nhất, được gọi là "quy trình nhóm". Làm việc từ xa khiến việc giải quyết trở nên khó khăn hơn. Theo nghiên cứu của Time, nhiều người được hỏi cho biết rất khó để đánh giá các vấn đề khi có người đột ngột thoát ra trong một buổi họp trực tuyến.

Hiện tại không có công nghệ kỹ thuật số nào có thể tạo ra "dòng chảy" từ xa một cách đáng tin cậy. Nếu công nghệ này tồn tại, tất cả mọi người đã chấp nhận nó.

Một vài bằng chứng khác cũng chỉ ra các vấn đề của hình thức làm việc từ xa. Ứng dụng Lucidspark có trụ sở tại Utah phát hiện ra rằng 75% trong số 1.000 người được hỏi cho biết thiếu sự cộng tác là điều họ phải chịu đựng nhiều nhất khi làm việc từ xa.

Các bộ phận nhân sự hiện đang phải trả giá cho sự độc lập và thiếu cộng tác này. Bộ Lao động Mỹ ước tính rằng tỷ lệ nghỉ việc hàng năm là 25,5% vào năm 2020. Đến năm 2021, đã có thêm hàng triệu nhân công khác xin từ chức.

Giải pháp cho mô hình làm việc sau dịch

Nếu người sử dụng lao động muốn các nhân viên gắn bó với doanh nghiệp, họ cần phải tìm cách duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà các nhân viên có khi làm việc ở nhà cũng như khi lên văn phòng.

Đó là lý do xuất hiện mô hình làm việc kết hợp, cho phép nhân viên có thể đến văn phòng tùy ý. Bằng cách kết hợp giờ làm việc linh hoạt với các khoảng thời gian bắt buộc phải đến văn phòng, những doanh nghiệp có thể đem lại sự tự do cho người lao động. 

Mô hình này cũng sẽ ngăn cản sự vươn lên của mô hình hai tầng, trong đó những người có mặt tại văn phòng sẽ có cơ hội thăng tiến nhiều hơn, trong khi những người thích làm việc tại nhà bị bỏ lại phía sau.

Rõ ràng, làm việc tại nhà không phù hợp với tất cả ngành nghề. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn có thể rút ra những bài học đã xuất hiện trong đại dịch vừa qua. Các nhân viên cũng muốn biến điều đó trở thành một phần bình thường mới ở các văn phòng sau đại dịch.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lam-viec-tai-nha-hay-den-cong-ty-bai-toan-phai-giai-danh-cho-cac-doanh-nghiep-tro-lai-sau-dich-20220221151216471.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/