'Làm NOXH được lợi nhuận 10% nhưng lại bắt bỏ 20% diện tích để cho thuê là bất hợp lý'

Đại diện Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng cho rằng, làm nhà ở xã hội được lợi nhuận 10% nhưng lại bắt bỏ 20% diện tích sàn để cho thuê theo giá kinh doanh thương mại là bất hợp lý, quá lãng phí và làm khó doanh nghiệp. Thay vào đó chỉ nên dành khoảng 3-5%.

Hiện nay, việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn nhiều bất cập,… 

Trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Xây dựng bổ sung thêm nội dung như: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội,...

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị "Góp ý sửa đổi dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản" diễn ra mới đây, đại diện một số doanh nghiệp đang triển khai các dự án nhà ở xã hội đã đề xuất nhiều kiến nghị.

 Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn. (Ảnh: ZingNews).

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) cho biết, hiện có nhiều thay đổi về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi).

"Điều đó là tốt nhưng tôi nghĩ còn có thể tốt hơn nữa và những ý kiến gì quan trọng chúng ta nên trình lên quốc hội lần này luôn. Một trong những điều các doanh nghiệp bất động sản cần lưu ý là liên quan đến doanh thu, chi phí. Thế nào là chi phí hợp lệ, bao nhiêu % là phù hợp? Chúng ta nên chi tiết trong quy định. Tôi nghĩ những cái nào cần rõ thì nên quy định trong luật, còn văn bản, thủ tục thì để chính phủ quy định sau", ông Quân nói.

Đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị nên quy định nhà ở xã hội nên bao gồm cả nhà ở công nhân. Theo đó, trong 11 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo dự thảo, công nhân cũng được mua trong những trường hợp này.

Bên cạnh đó, trong luật hiện nay cũng không quy định rõ về nhà ở công nhân trong khi đây là loại hình lưu trú rất đặc biệt. Nếu chính sách, chế độ đều giống nhau thì có nên để nhà ở công nhân cho 11 đối tượng này đều được mua, chứ không phải chỉ cho mỗi công nhân mua,...

Do đó, ông Quân kiến nghị bỏ quy định nếu công nhân muốn mua nhà thì phải thường trú ở đó một năm mới được mua. Một nhà máy phải mở ra thì công nhân họ mới về. Họ đã đăng ký lưu trú thì có quyền thuê, mua mà không cần phải đợi tới một năm.

Đồng thời, nên khuyến khích các chủ đầu tư được đưa vào giá thành khu công nghiệp. Giả sử tòa nhà đó 50 tỷ thì họ được quyền đưa vào hết. Công nhân gần như được miễn phí hoặc ở với chi phí rẻ, nếu không thì thời gian hoàn vốn không thể nào trong 20 năm.

“Nếu không thì thời gian hoàn vốn không thể nào trong 20 năm được. Tôi nghĩ cần có chính sách đặc biệt hơn để chủ đầu tư bỏ tiền vốn đầu tư và được bỏ 100% vào”, vị này nói.

Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân cũng cho rằng quy hoạch của địa phương cũng cần được rõ ràng hơn, từ đó đảm bảo đất xây nhà ở xã hội 100% là đất sạch.

Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng. (Ảnh: Reatimes).

Đồng quan điểm, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng cho rằng, quy định nên gọi chung là nhà ở xã hội không nên phân là nhà ở công nhân. Bỏ hoặc ghi rõ ràng không nên ghi mập mờ. Hiện nay các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100.

"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng từ địa phương tới trung ương nhưng tới nay chưa được giải quyết", ông Toàn nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai theo vị này đó là nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội được lợi nhuận 10% nhưng lại bắt bỏ 20% diện tích sàn nhà ở tại dự án để cho thuê theo giá kinh doanh thương mại là bất hợp lý, quá lãng phí và làm khó cho doanh nghiệp. Ông đề nghị nên sửa đổi điều kiện này chỉ khoảng 3-5%.

Liên quan đến thủ tục mua bán nhà ở xã hội, ông Toàn kiến nghị nên cho doanh nghiệp ký hợp đồng và gửi danh sách hợp đồng lên Sở Xây dựng hậu kiểm tra, thay vì gửi trước và chờ đồng ý mới được bán.

“Hiện nay, tôi được biết là đang có khoảng 1.800 hồ sơ thì kiểm tra đến bao giờ mới xong. Doanh nghiệp của chúng tôi sẽ chậm thu hồi vốn, có khi đến 2-3 năm cũng không xong, tôi đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm”, vị này nói.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải làm thủ tục để xin được miễn thuế đất xây nhà ở xã hội cũng gây mất nhiều thời gian, ông Toàn dẫn chứng có những hồ sơ gửi đến hai năm cũng chưa nhận được phản hồi. Vì vậy đại diện Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng đưa ra kiến nghị nên trực tiếp miễn tiền tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, bỏ quy định phải làm hàng loạt thủ tục hành chính.

Một vấn đề quan trọng khác chính là nên quy định bỏ 20% quỹ đất cho nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội. Ông Toản cho biết, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án. 

Chủ tịch Tập đoàn này cũng kiến nghị đẩy nhanh quy trình phê duyệt nhà ở xã hội vì thực tế có những trường hợp nhiều năm không xong, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi nhiều người có nhu cầu tìm chỗ ở thì vẫn không mua được nhà,...

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lam-noxh-duoc-loi-nhuan-10-nhung-lai-bat-bo-20-dien-tich-de-cho-thue-la-bat-hop-ly-202292983045941.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/