Lãi suất huy động giảm nhẹ, kì vọng ổn định lãi vay

Ngay những ngày đầu năm mới Canh Tý, đã có hơn 10 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động để cơ cấu lại kì hạn. Điều đó đã làm dấy lên kì vọng lãi suất cho vay sẽ ổn định trong năm nay.

Lãi suất huy động giảm nhẹ, kì vọng ổn định lãi vay - Ảnh 1.

Tiền gửi tiết kiệm dân cư có tốc độ tăng khá trong những ngày đầu năm

Kỳ vọng đó không phải là không có cơ sở khi mà hiện thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, áp lực huy động không quá lớn nên trong 2 tuần đầu của tháng 2/2020, đà giảm lãi suất đã bắt đầu biểu hiện rõ rệt ở cả kỳ ngắn hạn 3 tháng và 6 tháng.

Cụ thể, tuần đầu của tháng 2, Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn từ 1 - 5 tháng xuống mức là 4,25-4,75%/năm, kỳ hạn 6 tháng được giảm về mức 6,2-6,7%/năm. 

Trong khi đó, ACB cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt xuống mức 6,3-6,6%, 6,4-6,7% và 6,8-7,1%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất mà nhà băng này áp dụng trong tháng 1. 

Các NHTM khác như SHB, Sacombank giảm nhẹ 0,1 - 0,2%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng. Trong khi Eximbank và VBBank đồng loạt giảm 0,1-0,4 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, mặc dù tháng trước Tết Nguyên đán là tháng cao điểm đối với hoạt động điều chỉnh lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi và giữ chân khách hàng, tuy nhiên trong năm nay xu hướng ổn định lãi suất huy động được thể hiện khá rõ nét trên toàn hệ thống.

Theo đó, trong suốt tháng 1, khảo sát từ 18 NHTM cho thấy, ở kỳ hạn 3 tháng do bị điều chỉnh bởi giới hạn trần lãi suất 5%/năm của NHNN nên lãi suất tại các ngân hàng không có sự chênh lệch đáng kể. 

Các NHTM có quy mô lớn như Vietcombank, BIDV,  Agribank, VietinBank, Techcombank… có lãi suất dưới 5%/năm, các ngân hàng nhỏ hơn đều có lãi suất là 5%/năm, bằng với mức trần quy định.

Trong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng có mức độ chênh lệch lớn nhất giữa các ngân hàng. Trong khi tại các NHTM lớn, lãi suất huy động 6 tháng bình quân chỉ là 5,3%/năm trong tháng 1/2020; thì tại các NHTM quy mô nhỏ, lãi suất biến thiên trong khoảng 5,5-7,9%/năm.

Theo nhận định của giới phân tích, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động có chiều hướng giảm nhẹ ở một số ngân hàng, nhưng sức hút từ các chương trình khuyến mại tiết kiệm đầu năm vẫn khiến lượng tiền mặt đổ về hệ thống ngân hàng khá lớn.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn trong tháng 1/2020 ước tăng 0,4% so với cuối năm 2019 và tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP.HCM tháng 1 tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 43% tăng 0,3%. 

Điều này, cho thấy kênh tiết kiệm vẫn đang thu hút mạnh nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, đặc biệt là số lượng lớn người dân có tiền nhỏ lẻ. 

Cùng với diễn biến lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm trong các tuần vừa qua cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất tốt và cơ hội để giảm lãi suất cho vay ở một số kỳ hạn có rất nhiều dư địa.

Thực tế, cho đến thời điểm hiện nay, nhiều NHTM đã tiến hành giảm lãi suất cho vay ở một số kỳ hạn để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo chỉ đạo của NHNN. 

Đơn cử, đầu tuần, Vietcombank đã áp dụng giảm 1% lãi suất cho khách hàng vay vốn bằng VND và giảm 0,5-0,7% đối với khách vay ngoại tệ. 

Các NHTM khác như VPBank, Kienlongbank… hiện cũng cam kết giảm 1-3% đối với các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực vận tải, du lịch, xuất khẩu nông sản... bị ảnh hưởng do dịch nCoV.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ nguồn vốn rộng hơn cho cộng đồng DN trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn do dịch bệnh, hiện nay nhiều NHTM cũng đã thiết kế thêm các gói vay ưu đãi với lãi suất khá thấp. 

Chẳng hạn, VietinBank đưa ra chương trình cho vay với một số lĩnh vực với lãi suất 6,8%/năm, bên cạnh mức 6%/năm dành cho lĩnh vực ưu tiên. Agribank cũng ưu đãi cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với lãi suất khoảng 6%/năm…

Trong khi đó các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như ABBank, Eximbank,… hiện cũng đã công bố các gói vay hỗ trợ DN với hạn mức từ 2.000- 4.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,9% - 9,7%, kèm theo nhiều ưu đãi tài chính và chi phí dịch vụ.

Như vậy, có thể thấy trong các tháng đầu năm 2020, mặc dù diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đã có ảnh hưởng tiêu cực đến nhịp độ tăng trưởng của một số lĩnh vực trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở góc độ cung ứng nguồn vốn tín dụng, diễn biến lãi suất của hệ thống NHTM đã được thể hiện khá tích cực ở cả chiều huy động và cho vay.

 Với đà giảm lãi suất hiện tại, cộng với hàng loạt những sản phẩm tín dụng hỗ trợ DN vừa được các NHTM tung ra thị trường mới đây, trong nửa cuối quý 1 và quý 2/2020, cộng đồng DN và các tổ chức kinh tế hoàn toàn có thể kỳ vọng một mặt bằng lãi suất hợp lý đến từ sự đồng hành của hệ thống TCTD.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lai-suat-huy-dong-giam-nhe-ki-vong-on-dinh-lai-vay-20200212134145095.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/