Kỳ vọng vào đợt giảm lãi suất cho vay mới

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm thêm lãi suất ngay trong tháng 7/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Với mặt bằng lãi suất huy động thấp, cộng thêm thanh khoản vẫn dồi dào, giới chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có thêm đợt giảm lãi vay mới từ phía các ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Thanh khoản vẫn dồi dào

Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong một báo cáo gần đây cho thấy, trong tháng 6/2021, lãi suất huy động trung bình có diễn biến giảm nhẹ đối với cả 2 kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lần lượt giảm 0,02 điểm % và 0,03 điểm % xuống mức 4,82% và 5,61% vào cuối tháng 6.

Đối với nhóm ngân hàng cổ phần quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng xuống lần lượt 4,66%/năm và 5,5%/năm, về mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Đối với nhóm ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, lãi suất huy động của 2 kỳ hạn này cũng giảm về lần lượt còn 5,37%/năm và 5,98%/năm. Đây cũng là mức thấp nhất trong quý 2/2021. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với kỳ hạn 12 tháng, trung bình ở mức 5%/năm.

Thống kê của BVSC cũng cho thấy, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng phổ biến từ 3,7-6,05%/năm và kỳ hạn 12 tháng lãi suất huy động cao nhất là 6,9%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm đáng kể so với mặt bằng cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, vẫn có một số ngân hàng ghi nhận có mức tăng lãi suất huy động. Đáng kể, mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động thêm 0,2 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB)… cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

Dù lãi suất huy động có diễn biến trái chiều, nhưng nhìn chung so với cùng kỳ năm trước và cả trước khi có dịch COVID-19, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn được duy trì ở mức thấp.

Mặt khác, trong báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 53 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở. Các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 1/2021 đã bắt đầu được thực hiện giúp nguồn cung VND trên liên ngân hàng dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng giảm 17– 22 điểm cơ bản, chốt tuần ở mức 0,98%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,13% với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất liên ngân hàng dự báo sẽ duy trì ở mức thấp khi lượng tiền đồng từ bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục về nhiều hơn trong thời gian tới.

Việc thanh khoản dồi dào trong khi mặt bằng lãi suất huy động được neo ở mức thấp, cộng thêm lãi suất cho vay chưa có mức giảm tương ứng lãi suất huy động được xem là cơ sở để các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi vay trong thời gian tới.

Có dễ cho các ngân hàng giảm thêm lãi vay?

Mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với lời kêu gọi này, ngay trong tháng 7 sẽ có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 duy trì sản xuất kinh doanh.

Dự kiến, các ngân hàng sẽ tập trung giảm lãi suất cho vay vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên của Chính phủ như nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có thể giảm thêm lãi vay đối với các khách hàng VIP, có lịch sử giao dịch và có khả năng tài chính tốt với ngân hàng.

Tuy vậy, việc giảm lãi vay có diễn ra trên diện rộng và giảm nhiều hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và từng ngân hàng. Theo vị chuyên gia này, các ngân hàng muốn giảm lãi vay, thì phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động hoặc giảm biên lợi nhuận.

Biên lợi nhuận của các ngân hàng còn phụ thuộc vào chi phí hoạt động, bù đắp dự phòng rủi ro… Hiện Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp được hưởng lợi theo Thông tư 01 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020. Chính sách này cho phép ngân hàng trích lập dự phòng trên sổ sách theo nhóm nợ hiện tại chứ không phải nợ thực tế.

Thế nhưng, số liệu thống kê cho thấy, nửa đầu năm nay đã có hơn 70.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Con số này có thể sẽ gia tăng nhiều hơn trong thời gian tới khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp. 

Nợ xấu của các ngân hàng theo đó có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai, nếu các ngân hàng không đủ "gối đệm" xử lý nợ xấu. Vì vậy, nếu các ngân hàng giảm mạnh biên lợi nhuận thì nguy cơ thua lỗ trong tương lai là rất lớn.

Mặt khác, do đã duy trì ở mức thấp nên ở thời điểm này, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng rất khó giảm thêm. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động, hầu hết các ngân hàng cho vay nhiều hơn huy động. Rủi ro người dân tiếp tục rút tiền ra khỏi ngân hàng để đầu tư các lĩnh vực khác là đang hiện hữu.

Theo các chuyên gia của SSI, mặc dù mặt bằng lãi suất thấp được hỗ trợ bởi định hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh nhưng chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp sẽ tạo sức ép khiến lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ nửa cuối năm 2021.

Một điểm quan trọng nữa có thể chi phối đến mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng trong thời gian tới, đó là yếu tố lạm phát. Lạm phát phải giảm, các ngân hàng mới có thể giảm thêm lãi suất cho vay. 

Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm, khi nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, đẩy mặt bằng giá lương thực, thực phẩm lên mức cao mới. Chưa kể, giá dầu đã phục hồi mạnh so với cùng kỳ cũng là yếu tố có thể tác động làm tăng lạm phát.

Theo các chuyên gia, dù còn nhiều lý do chi phối, song với kết quả kinh doanh trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 được xem khả quan nhất so với các lĩnh vực khác, các ngân hàng buộc phải cân đối khả năng tài chính để giảm thêm lãi vay cho các doanh nghiệp, đồng hành, sẻ chia với các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 lan rộng. 

Đây cũng là yếu tố sống còn của chính các ngân hàng, bởi khi nhiều doanh nghiệp suy yếu, hoạt động của ngành ngân hàng cũng sẽ gặp nhiều bất trắc, nhất là rủi ro nợ xấu gia tăng.

"Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục phức tạp, các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì vậy, trong năm 2021, các ngân hàng cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ky-vong-vao-dot-giam-lai-suat-cho-vay-moi-20210712203036787.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/