Kinh tế xanh đồng hành cùng Tân Hiệp Phát

Mục tiêu của Tân Hiệp Phát là đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước. Chính vì sự thôi thúc đó, chúng tôi nhận thấy mình phải có một phần trách nhiệm trong kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ tại một sự kiện.

Chia sẻ với chúng tôi bên lề Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn", bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho hay, với động lực thôi thúc từ trách nhiệm một doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển của cộng đồng, các yếu tố về kinh tế xanh luôn được đặt trong sự phát triển của Tân Hiệp Phát.

Là một trong những doanh nghiệp đã áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn vào quá trình sản xuất, hiện tại Tân Hiệp Phát đang áp dụng mô hình 3R tức là Reduce – Reuse- Recycle (Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế). Trong giai đoạn đầu, Tân Hiệp Phát đã thực hiện cắt giảm tối đa để tạo nên hiệu quả. Việc này cũng giúp mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Trong giai đoạn 5 năm đầu 2013-2018, mô hình 3R đã giúp Tân Hiệp Phát đã giảm được hơn 50.000 tấn nhựa và giấy. Đến giai đoạn 2018-2022, lượng nhựa giảm cộng dồn lên tới hơn 70.000 tấn nhờ ứng dụng công nghệ chiết lạnh Aseptic. 

Đồng thời, từ năm 2021, Tân Hiệp Phát cũng bước vào giai đoạn tái chế, sử dụng nhựa PE,PP để sản xuất pallet. Mục tiêu đến năm 2027 của Tân Hiệp Phát là giảm hơn 112.000 tấn giấy và nhựa. Bà Phương nhìn nhận, đây là trách nhiệm của đơn vị sản xuất, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phải gắn liền với sự phát triển của cộng đồng, xã hội. 

“Rác thì rất khó để có hoá đơn đầu vào”

Thực hiện 3R đã gần một thập kỷ, THP ngày càng nhận thấy, kinh tế tuần hoàn hay kinh tế xanh là những mô hình tất yếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn luôn bủa vây khiến người đứng đầu của doanh nghiệp trăn trở. Một trong những “trăn trở” lớn nhất của doanh nghiệp là làm sao “tuần hoàn” nhưng vẫn phải giữ được giá trị “kinh tế”.

Bà Phương cho biết, sau 2 năm nghiên cứu, bên cạnh thực hiện tiết giảm và tái sử dụng, đội ngũ R&D của Tân Hiệp Phát đã tìm ra được cơ hội và triển khai sản xuất sản phẩm tái chế đầu tiên là pallet nhựa vào tháng 10/2021.

Mô hình này thực sự mang lại hiệu quả rất cao và đáng để nhân rộng, nhưng thực tế là Tân Hiệp Phát và các doanh nghiệp cùng lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn triển khai. Đơn cử như việc không có hoá đơn đầu vào đối với số nhựa thu gom được để đưa vào sản xuất tái chế.

Các loại vỏ chai, vỏ sản phẩm làm từ nhựa được coi là rác nên rất khó để có hoá đơn  đầu vào, đây là vấn đề hết thức cấp thiết đặt ra cho các doanh nghiệp, bà Phương nhìn nhận.

Bên cạnh đó, theo bà Phương, cần có thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hiện tại, những ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn rất ít ỏi, chung chung, chưa thực sự tạo động lực cho các doanh nghiệp. 

Mặc dù, các sản phẩm tuần hoàn hiện vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao song với Tân Hiệp Phát, trách nhiệm với cộng đồng là động lực ban đầu để bắt tay vào triển khai.

“Trong tương lai, tôi tin rằng những nỗ lực và cơ hội đang có cùng với những áp lực tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, cả người dân, doanh nghiệp sẽ chung tay trong việc lan rộng mô hình các kinh tế xanh”, bà Phương chia sẻ.

  Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát (Ảnh: Nhà Đầu Tư).

Kinh tế xanh luôn gắn liền với sự phát triển bền vững

Theo bà Phương, để kinh tế tuần hoàn thực sự đi vào cuộc sống cần có sự thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp ở tầm quốc gia chứ không chỉ một nhóm thiểu số.

Dẫn chứng câu chuyện về Thanh Vũ, nhà vô địch nữ tại cuộc thi SwissUltra 2022, một trong những cuộc đua khắc nghiệt nhất hành tinh, bà Phương cho biết, Thanh Vũ hiện đang là nhân viên đồng thời là đại sứ thương hiệu của Tân Hiệp Phát, đây là một cô gái có lối sống xanh, luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường. Đối với Thanh, việc con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên thì phải có trách nhiệm trong việc “trả lại” môi trường, bù đắp lại những gì mình đã sử dụng.

Theo bà Uyên Phương, những cá nhân với lối sống trách nhiệm với cộng đồng như vậy là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ thay đổi nhận thức. Đơn cử như việc phân loại rác thôi cũng đã đóng góp công sức vào bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bởi lẽ, phân loại rác thải là một trong những công đoạn rất tốn công sức và chi phí, sau khi phân loại những phần có thể tái chế như vỏ chai nhựa sẽ được làm nguyên liệu cho các nhà máy tái chế như nhà máy Number One tại Hậu Giang.

Ngoài việc lan toả lối sống xanh, bà Phương cũng nhấn mạnh, cần có chính sách đồng bộ, khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào kinh tế tuần hoàn.

“Những chính sách này cần áp dụng cụ thể và rõ ràng để doanh nghiệp đầu tư mạnh tay hơn nữa vào xây dựng các nhà máy, áp dụng công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn”, bà Phương nói.

Như việc đầu tư nhà máy tái chế Number One Hậu Giang, bên cạnh việc tái chế, xử lý vỏ chai nhựa thành những sản phẩn pallet sử dụng trong nội bộ công ty, Tân Hiệp Phát cũng nhìn thấy nhu cầu sản phẩm tái chế của thị trường và sẵn sàng chung tay cùng các doanh nghiệp khác để thực hiện đồng bộ mô hình này tại các nhà máy Number One Chu Lai, Hà Nam và Bình Dương. 

Chia sẻ về định hướng phát triển, bà Phương cho hay, đối với các nhân viên hay các đối tác của Tân Hiệp Phát, chúng tôi luôn yêu cầu thực hiện kinh tế xanh, đây là một phần trong tiêu chí đầu tư mới của các đối tác và quy định của các nhân viên. Nhờ việc thiết lập yêu cầu ngay từ đầu, các yếu tố về kinh tế xanh luôn được đặt trong sự phát triển của Tân Hiệp Phát. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kinh-te-xanh-dong-hanh-cung-tan-hiep-phat-202298122316752.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/