Kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy, đang phục hồi theo hình chữ V

Thủ tướng cho biết nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quí II và đang phục hồi theo hình chữ V. Cùng với đó, tăng trưởng trong quí III đã góp phần cho tăng trưởng cả năm.

Ngày 2/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kì tháng 9.

Kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy, đang phục hồi theo hình chữ V - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quang Hiếu/VGP).

Đây là phiên họp quan trọng trong bối cảnh nước ta đã đi qua 2/3 thời gian của năm 2020, để bàn giải pháp thúc đẩy kinh tế xã hội ba tháng còn lại của năm.

Kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy, đang phục hồi theo hình chữ V

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho rằng, đầu tiên là dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát, tạo điều kiện sớm khôi phục kinh tế. Bên cạnh đó, kết quả các chỉ số kinh tế của Việt Nam khá tích cực.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN và là số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng GDP dương. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy.

Thủ tướng cho biết, thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quí II và đang phục hồi theo hình chữ V. Cùng với đó, tăng trưởng trong quí III đã góp phần cho tăng trưởng cả năm.

Về các chỉ số kinh tế, Thủ tướng cho biết, tình hình xuất khẩu khả quan, tăng 4,2%; thặng dư thương mại cao kỉ lục với 17 tỉ USD, là mức cao nhất trong 4 năm qua.

Đặc biệt khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng, tăng hơn 20%; có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỉ USD.

Kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy, đang phục hồi theo hình chữ V - Ảnh 2.

Kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy, đang phục hồi theo hình chữ V. (Ảnh minh họa: Dân trí).

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được cải thiện, tốc độ tăng vốn thực hiện từ Ngân hàng Nhà nước trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện 9 tháng đầu năm đạt trên 300.000 tỉ đồng, đã giải ngân trên 60% kế hoạch năm.

Tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng

Dù các báo cáo quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ khả quan, Thủ tướng lưu ý, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước.

Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn trong khi khả năng hấp thụ còn yếu có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính. 

"Chúng ta cần tiếp tục lưu tâm vấn đề này", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. 

Về phía cầu, tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm 2019, cho thấy người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng. 

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng "chúng ta phải có biện pháp để kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn".

Tín dụng tăng trưởng còn thấp. Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng.

Mở cửa phải có kiểm soát

Về triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy, đang phục hồi theo hình chữ V - Ảnh 3.

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: Quang Hiếu/VGP).

Về việc mở lại các đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5 - 3%. 

Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng.

Thay đổi điều kiện doanh nghiệp hưởng gói hỗ trợ đợt 2

Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 trị giá 16.000 tỉ đồng và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa.

Về điều kiện hưởng gói hỗ trợ, Thủ tướng cho biết: "Thứ nhất, trước đây chúng ta đặt ra điều kiện doanh nghiệp phải không có doanh thu, không có nguồn thu để trả lương, nếu đặt ra tiêu chí đó thì doanh nghiệp đã dừng hoạt động. 

Do đó, Chính phủ cũng thống nhất trao đổi với các ngành, đối với doanh nghiệp có nguồn thu giảm 20% so với quí IV của năm 2019 và quí liền kề thì được vay.

Về điều kiện thứ hai, tinh thần sửa đổi lần này là người đứng đầu doanh nghiệp đứng ra vay và chịu trách nhiệm về việc đó. Nếu thất thoát, mất mát thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kinh-te-viet-nam-da-di-qua-day-dang-phuc-hoi-theo-hinh-chu-v-20201002175414577.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/