Kinh tế trưởng SSI: Xác suất thị trường tạo đáy ngay trong tháng 11 tương đối khó, NĐT cần nhiều niềm tin hơn

Giá cổ phiếu liên tục giảm sâu, nhiều mã mất tới 90% giá trị so với vùng đỉnh. Với mức chiết khấu chung của thị trường là 50 – 60%, liệu giá đã thực sự rẻ?

 Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI. Nguồn: BMDT.

Chia sẻ trong chương trình “Bí mật đồng tiền” do VTV phát sóng, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của SSI cho rằng: “khi mà mua các thứ, rẻ là một chuyện nhưng mà nó có đáng giá đó hay không là chuyện khác. Do đó, nhiều khi nhìn cái giá trị thực tế kiểu như số tiền. Ví dụ bây giờ mọi người cứ hay nghĩ rằng là dưới 10.000 đồng là rẻ chẳng hạn.

Nhưng mà tôi nghĩ rằng là nó có đáng cho mình hay không. Các cổ phiếu mà người ta vẫn có triển vọng hồi, giá giảm do bán tháo hoặc vì những cái lý do mà không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, vẫn là được. Cái chính là mình nghĩ là nó có đáng đầu tư hay không còn giá thực tế có thể là con số rất thấp, nhưng mà không có nghĩa là đồ rẻ, đồ ế và đồ chất lượng kém cả”.

Với diễn biến kém sắc của chứng khoán Việt Nam, câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm đó là khi nào thị trường tạo đáy và dấu hiệu là vì.

Trong báo cáo tháng 11 của SSI Research, người dịch đặt tên là đường hầm có vẻ dài hơn. Kinh tế trưởng của SSI cho rằng xác suất thị trường có thể tạo đáy ngay trong tháng 11 tương đối khó. Bởi vì ngắn hạn có thể được nhưng trong dài hạn cần phải có các yếu tố vĩ mô ổn định một cách tốt hơn, nhất là thị trường, doanh nghiệp và thanh khoản.

Lý giải về hiện tượng dòng tiền đổ mạnh vào một số quỹ như Fubon FTSE Vietnam ETF, SSIAM VNFin Lead ETF, DCVFM VN Diamond ETF… ông Phạm Lưu Hưng nêu quan điểm, khi mà giá cổ phiếu xuống, cũng giống với nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức cũng tìm thấy mức giá tương đối hợp lý, có thể nói nôm na là họ cũng tham gia “bắt đáy”.

“Tôi nói thêm là giống hồi nhỏ có bài hát một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, nói chung là chúng ta phải cần khá là nhiều cánh én về chúng ta mới thấy mùa xuân ấm dần được. Cho nên câu chuyện là một quỹ, hai quỹ mua vào cũng cái điểm tốt. Nhưng mà tôi nghĩ rằng là cần có nhiều niềm tin hơn.

Để có nhiều niềm tin hơn trong thị trường cần phải có những diễn biến mới về vĩ mô cũng như về mặt thanh khoản thị trường để niềm tin quay trở lại một cách vững vàng”, Kinh tế trưởng SSI nói.

Phân tích thêm về nguyên nhân suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này, vị chuyên gia của SSI cho rằng chủ yếu đến từ việc tăng lãi suất. Lãi suất luông là kẻ thù của chứng khoán.

Thứ hai là, bên cạnh vấn đề lãi suất tăng của cả thế giới, đối với Việt Nam, các rủi ro liên quan đến thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo ra các vấn đề liên quan đến thanh khoản của thị trường tài chính. Khi có chuyện gì xảy ra ở thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu và thị trường khác. Hiện tượng bán giải chấp hàng loạt cổ phiếu là một ví dụ trong số đó.

Ngoài ra thị trường đi xuống còn liên quan đến kết quả kinh doanh bởi vì các doanh nghiệp qua mùa kinh doanh năm 2021 đầu năm 2022, cái triển vọng tăng trưởng nó tương đối rõ ràng. Nhưng ở thời điểm này có thể nhìn thấy khá nhiều doanh nghiệp bắt đầu đưa ra các kết quả kinh doanh khá xấu. Thường thị trường đi trước cho nên khi các diễn biến này đã phản ánh một phần vào giá từ trước đó khi NĐT nghĩ rằng là lợi nhuận đã đạt đỉnh, sau đó mức giá cổ phiếu giảm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kinh-te-truong-ssi-xac-suat-thi-truong-tao-day-ngay-trong-thang-11-tuong-doi-kho-ndt-can-nhieu-niem-tin-hon-20221114154820380.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/