Kinh tế Đông Nam Á đối mặt với cú sốc kép: Lạm phát trong nước và suy thoái ở Mỹ

Các quốc gia ASEAN cần làm gì khi nền kinh tế vừa phục hồi sau hai năm đại dịch COVID đã phải đối mặt với hai tai ương cùng lúc, bao gồm nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và lạm phát trong nước tăng nhanh.

Nguy cơ suy thoái ở Mỹ

Theo SCMP, khi Đông Nam Á bắt đầu dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động kinh doanh và di chuyển từ năm ngoái, các ngân hàng trung ương trong khu vực dự kiến sẽ điều chỉnh lãi suất cơ bản sao cho phù hợp với kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Fed tăng lãi suất 25 bps (điểm cơ bản) trong tháng 3, thêm 50 bps trong tháng 5 và thêm 75 bps trong tháng 6/2022. Lãi suất quỹ liên bang của Mỹ hiện nay ở trong khoảng 1,5 - 1,75%. 

Hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất song song với các quyết định của Fed nhằm quản lý sự biến động của đồng nội tệ so với USD. Đồng bạc xanh thường tăng lên khi Fed nâng lãi suất và khiến các nước khác nhập khẩu lạm phát vì đồng nội tệ suy yếu so với USD.

Nhưng những kế hoạch tốt nhất được các nhà hoạch định tài chính đưa ra cuối cùng lại đổ bể do chiến dịch quân sự của Nga vào tháng 2, khiến lạm phát tăng nhanh ngoài dự kiến.

Ông Fung Siu, nhà kinh tế của The Economist Intelligence Unit cho biết: “Không ai mong đợi sự tăng vọt của giá dầu, không ai nhận ra Ukraine và Nga đóng góp tới 30% sản lượng lúa mì toàn cầu”.

“Sản xuất thức ăn chăn nuôi đặc biệt bị ảnh hưởng. Nguồn cung vốn dĩ đã khá hạn hẹp lại bị thắt chặt hơn nữa do xung đột”, ông nói.

Tác động kép của gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và giá dầu tăng cao đã góp phần làm cho mức lạm phát chạm mức đỉnh trong 40 năm tại Mỹ. Fed buộc phải nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào hôm 16/5 trong nỗ lực kiềm chế giá tiêu dùng.

Các quan chức Fed cho biết một đợt tăng 75 điểm cơ bản nữa có thể xảy ra. Cục Dự trữ Liên bang kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại đáng kể và dẫn đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái.

Lạm phát tại Mỹ đang ở đỉnh 40 năm.

“Fed hiểu rằng một khi lạm phát đã ăn sâu bám rễ, rất khó để loại bỏ nó ra khỏi nền kinh tế”, ông Fung nói. “Cách duy nhất để làm chậm lạm phát là giảm nhu cầu, tức là gây suy thoái kinh tế… Mỹ cần một cú sốc ngắn ngay bây giờ, để có thể trở lại đúng hướng trên đà tăng trưởng không lạm phát”.

Nhưng với việc hầu hết quốc gia ASEAN mới chỉ bắt đầu phục hồi kinh tế sau hai năm gián đoạn do đại dịch COVID. Liệu các quốc gia này có thể vừa giải quyết lạm phát trong nước, vừa đối phó với suy thoái của Mỹ?

Các ngân hàng trung ương "đánh phủ đầu" lạm phát

Theo ông Brian Tan, nhà kinh tế cao cấp của Barclays, ASEAN-5 (tức 5 nền kinh tế lớn nhất trong nhóm 10 thành viên) đã tăng lãi suất cơ bản hoặc thực hiện một số biện pháp khác nhằm kiềm chế lạm phát. 

(Trong bài viết tác giả xác định ASEAN-5 bao gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên theo cách tính GDP của IMF thì Việt Nam đã vượt qua Malaysia. Hiện nay còn có cách gọi ASEAN-6 bao gồm 6 nền kinh tế lớn nhất của nhóm, bao gồm cả Việt Nam).

Singapore, Philippines và Thái Lan đang chứng kiến mức lạm phát tương đối cao.

Singapore dẫn đầu nhóm với hai động thái thắt chặt chính sách liên tiếp vào tháng 1 và tháng 4. Malaysia và Philippines theo sau vào tháng 5, trong khi Thái Lan và Indonesia cho đến nay vẫn giữ nguyên lãi suất.

Trong khi có một số khác biệt về cách các ngân hàng trung ương của 5 quốc gia đang giải quyết lạm phát, ông Tan hy vọng tất cả các ngân hàng trung ương trong khu vực tăng lãi suất hoặc thắt chặt chính sách vào quý III năm nay.

Ông Tan cũng cho biết Barclays không kỳ vọng Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái, mặc dù thừa nhận rằng vẫn còn rủi ro, đặc biệt là khi nền kinh tế có xu hướng nghiêng về lạm phát cao hơn là tăng trưởng thấp.

“Bất cứ ai nhìn vào lịch sử sẽ nhận thấy rằng khi Mỹ giải quyết lạm phát cao, Fed và các ngân hàng trung ương sẽ gây ra suy thoái”, ông nói. “Liệu chúng ta có đủ động lực phục hồi ở Đông Nam Á để bù đắp hay không? Nếu suy thoái xảy ra trong năm nay thì trong tương lai gần ASEAN vẫn có thể chống đỡ bởi nền kinh tế đang phục hồi nhanh sau đại dịch COVID”.

“Nhưng nếu suy thoái xảy ra muộn hơn trong chu kỳ, có thể vào năm sau hoặc hai năm tới khi đà phục hồi đã mất dần, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp,” ông nói.

Ông David Mann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi của Viện Kinh tế Mastercard, cho biết các quốc gia trong ASEAN-5 sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nhau nếu suy thoái xảy ra.

Trong đó Singapore, Malaysia và Thái Lan có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc vào xuất khẩu. Philippines có thể sẽ bị tác động bởi du lịch và kiều hối, hai yếu tố đóng góp lớn vào GDP của nước này, trong khi Indonesia có khả năng chứng kiến ​​hoạt động kinh tế trong nước chậm lại nếu đồng Rupiah bị bán tháo.

Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng trung ương ASEAN "có dư địa chính sách để chuyển sang chống lạm phát, vì nhu cầu đang phục hồi lành mạnh sau khi nới lỏng các hạn chế COVID", ông Mann nói

Tuy nhiên, ngành du lịch Thái Lan phục hồi chậm do thiếu khách đến từ Trung Quốc và Nga, những thị trường khách du lịch hàng đầu và lớn thứ ba của nước này.

Về vấn đề thời gian, ông Tan cho biết các ngân hàng trung ương trong khu vực tốt nhất nên đưa ra các quyết định khó khăn ngay bây giờ thay vì sau này, khi mọi thứ có thể trở nên khó quản lý hơn.

“Các ngân hàng trung ương nên hành động và tạo dựng uy tín của ngay bây giờ, giảm lạm phát xuống mức bình thường và tránh tình huống phải thắt chặt ở mức khắc nghiệt hơn sau này”, ông nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kinh-te-asean-doi-mat-voi-tham-hoa-kep-lam-phat-trong-nuoc-va-suy-thoai-o-my-202261774518611.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/