Kinh doanh mĩ phẩm cho người già sẽ là xu hướng hấp dẫn trong tương lai

Những công ty mĩ phẩm trên thế giới đang có xu hướng chuyển dịch khách hàng mục tiêu sang những phụ nữ có độ tuổi lớn hơn.

Ở tuổi 99, bà Kikue Fukuhara có đầy đủ kiến thức về mĩ phẩm cho người già. Với 6 thập kỉ kinh nghiệm trong ngành, Fukuhara có thể đầy đủ những hiểu biết về kem dưỡng da, son môi và phấn. 

Hiện tại Fukuhara đang làm việc cho Pola Orbis Holdings, một trong những công ty mĩ phẩm lâu đời nhất Nhật Bản và mới đây đã được sách Guiness công nhận là hãng tư vấn mĩ phẩm lâu đời nhất thế giới.

1000x-1

Kikue Fukuhara ở tuổi 22 và thời điểm hiện tại bà vẫn trang điểm hàng ngày. Ảnh: Bloomberg

Chiến lược của bà rất đơn giản: Thử nghiệm mĩ phẩm trực tiếp trên da. Fukuhara  chia sẻ rằng bà trang điểm hàng ngày, bởi giữ gìn nhan sắc bản thân là vô cùng quan trọng.

Bán mĩ phẩm chăm sóc da cho các phụ nữ ở tuổi 50, 60 hay lớn hơn đang là cơ hội vàng cho các hãng mĩ phẩm. Thị trường các sản phẩm chống lão hóa đang trên đà tăng trưởng 50% lên 80 tỉ USD trong năm 2020, theo một báo cáo từ Research & Markets.

Cũng theo báo cáo, thập kỉ tới sẽ chứng kiến số lượng người lớn hơn 65 tuổi nhiều hơn những trẻ em dưới 5 tuổi. 

"Dân số già sẽ trở thành lĩnh vực trọng tâm của các công ty làm đẹp trên toàn cầu", Stephanie Gabriel, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Beautystreams đưa ra dự đoán.

Nhật Bản chính là thị trường thử nghiệm cho xu thế mĩ phẩm cho người già. Theo Viện Nghiên cứu An ninh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản, khoảng một nửa nữ giới người Nhật đã quá 50 tuổi và cho tới năm 2050, 60% dân số Nhật là nữ. 

Đây chính là lí do để các hãng mĩ phẩm như Pola Orbis, Shiseido Co. hay Kosé Corp sử dụng Kate Moss, một phụ nữ 45 tuổi, làm đại sứ thương hiệu. Đối tượng mục tiêu đang được chuyển dịch theo xu thế lớn tuổi hơn. 

1000x-1 (1)

Xu thế già hóa dân số đang diễn ra ở nhiều quốc gia. Ảnh: Bloomberg

Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường có dấu hiệu già hóa dân số. Theo tính toán, năm 2030 số người lớn hơn 60 tuổi tại đất nước đông dân nhất thế giới sẽ chiếm khoảng một phần tư.

"Người ta dần nhận ra rằng sự già hóa dân số đang diễn ra ở nhiều quốc gia khác chứ không phải chỉ riêng Nhật Bản", Gabriel chia sẻ. Không chỉ phục vụ trong nước, kim ngạch xuất khẩu mĩ phẩm của Nhật Bản cũng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2016-2018 lên 4,6 tỉ USD.

Thị trường mĩ phẩm cho người già ở Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi chính phủ bắt đầu cho phép bán những dòng mĩ phẩm chống nhăn da mà không cần qua tư vấn hay đơn từ các cơ quan có chuyên môn như các loại dược phẩm khác. Qui định này đã khiến người dân thêm tin tưởng vào mĩ phẩm ngoài thị trường.

Huyết thanh Wrinkle Shot của Pola là một trong những sản phẩm đầu tiên hưởng ưu đãi vào năm 2017 và ngay lập tức doanh thu của họ tăng lên 12%. 

Mĩ phẩm cho người già đôi khi phải đối mặt với những thách thức khá đặc thù. Dòng chữ hướng dẫn trên sản phẩm cần viết chữ to hơn, cách đóng gói cũng nên là dạng gói thay vì dạng ống (tiện lợi hơn khi cầm). 

Đặc biệt nhất, ở trong phần giới thiệu sản phẩm, tốt nhất là không nên sử dụng cụm "chống lão hóa". Thay vì che đi cái không tốt, hãy làm nổi bật lên cái tốt. Không chống lại cái xấu của tuổi già, mà hãy làm tôn lên vẻ đẹp của độ tuổi.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kinh-doanh-mi-pham-cho-nguoi-gia-se-la-xu-huong-hap-dan-trong-tuong-lai-20191205115629785.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/