Kinh Bắc lãi kỷ lục gần 1.900 tỷ, bao gồm 1.913 tỷ từ đánh giá lại tài sản đã mua trước ngày chốt sổ quý II

Kinh Bắc đã thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng vào sát ngày chốt sổ kế toán quý II và ghi nhận thu nhập hơn 1.900 tỷ đồng từ đánh giá lại tài sản. Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường, lãi thuần của Kinh Bắc giảm 72% chỉ còn 62 tỷ đồng trong quý II.

BCTC hợp nhất quý II/2022 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (: KBC) cho thấy doanh thu thuần trong quý của doanh nghiệp giảm 47% so với cùng kỳ về 395 tỷ đồng. Biên lãi gộp của doanh nghiệp cũng giảm từ 50% ở cùng kỳ về 40% trong quý II.

Song, Kinh Bắc có nhiều khoản doanh thu khác bù đắp, bao gồm khoảng 90 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay, 31 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh liên, liên kết. Đặc biệt, khoản thu nhập khác gần 1.913 tỷ đồng đã giúp Kinh Bắc lãi đột biến trong quý II với gần 1.900 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, Kinh Bắc đã ghi nhận 2.400 tỷ đồng từ thu nhập khác.

Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường, lãi thuần của Kinh Bắc giảm 72% chỉ còn 62 tỷ đồng trong quý II. 

 

Theo thuyết minh của doanh nghiệp, đây là “chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng”.

Trên thực tế, Sài Gòn Đà Nẵng (SDN) là doanh nghiệp có liên quan đến ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc.

Cụ thể, ông Tâm từng là Tổng Giám đốc Sài Gòn Đà Nẵng từ năm 2005, sau đó giữ chức Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp này đến giữa năm 2014. Hiện nay, Sài Gòn Đà Nẵng được giới thiệu là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SGI) - doanh nghiệp do ông Tâm làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2006.

Saigon Invest Group gồm nhóm những công ty hoạt động ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, du lịch, khách sạn, resort,... và điều hành 18 khu công nghiệp vào năm 2008. Một số công ty thuộc nhóm này như Kinh Bắc, Saigontel (Mã: SGT),... hiện cũng do ông Tâm làm Chủ tịch.

Giao dịch giữa Kinh Bắc và Sài Gòn Đà Nẵng được thực hiện vào sát ngày chốt sổ kế toán quý II, khi Kinh Bắc công bố quyết định của HĐQT thông qua việc nhận chuyển nhượng thêm 5,7 triệu cổ phiếu tại Sài Gòn Đà Nẵng, tăng tỷ lệ sở hữu từ 19,5% lên 48%. Giá chuyển nhượng được HĐQT giao Ban Tổng Giám đốc đàm phán, quyết định và thời gian hoàn thành trong ngày 30/6.

  (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2022 của Kinh Bắc). 

Sau giao dịch này, Sài Gòn Đà Nẵng được chuyển từ đơn vị được góp vốn sang công ty liên kết của Kinh Bắc, đồng thời Kinh Bắc được phép đánh giá lại tài sản đầu tư. Tại thời điểm 31/3, Kinh Bắc ghi nhận đầu tư 39 tỷ đồng vào đơn vị này.

Sài Gòn Đà Nẵng là chủ đầu tư loạt dự án: Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây (658 ha, Thừa Thiên Huế); Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (133 ha, Đà Nẵng); Khu công nghiệp Liên Chiểu (289 ha, Đà Nẵng); Khu đô thị Xanh Bàu Tràm Lakeside; Khu đô thị Xanh Dragon City Park;…

Ngoài ra, Sài Gòn Đà Nẵng còn sở hữu 8 triệu cổ phiếu WEB của Ngân hàng TMCP Phương Tây. Tài sản này được thế chấp tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Nam tại Đà Nẵng từ năm 2011.

Trước đó trong quý I, Kinh Bắc cũng ghi nhận khoản thu nhập khác đột biến gần 500 tỷ, được doanh nghiệp giải thích là chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua (CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Nhơn Hội) và giá phí hợp nhất kinh doanh. Nhờ giao dịch này mà Kinh Bắc lãi ròng gần 481 tỷ trong quý đầu năm.

Về kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, Kinh Bắc đạt gần 1.087 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.374 tỷ đồng lãi ròng, giảm 61% về doanh thu nhưng tăng 271% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

(Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2022 của Kinh Bắc).  

Trong năm nay, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. 

Tại báo cáo phân tích được công bố vào cuối tháng 3, BSC đưa ra hai kịch bản kết quả kinh doanh 2022 cho Kinh Bắc.

Đối với kịch bản 1, Kinh Bắc bán buôn thành công 50 ha KĐT Tràng Cát trong 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế (LNST) của doanh nghiệp có thể đạt lần lượt 15.719 tỷ đồng và 5.576 tỷ đồng, tương ứng tăng 265% và 484% so với kết quả 2021.

Ở kịch bản 2, Kinh Bắc chưa thể triển khai bán buôn 50 ha KĐT Tràng Cát trong năm 2022, doanh thu thuần và và LNST của doanh nghiệp có thể đạt lần lượt 7.719 tỷ đồng và 2.282 tỷ đồng, tăng 79% và 139% so với kết quả 2021.

Theo dự báo của BSC, kết quả kinh doanh của Kinh Bắc sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn 2022-2023 nhờ vào giá cho thuê duy trì ở mức cao và quỹ đất liên tục được mở rộng tại các vị trí thuận lợi. 

Song, BSC cũng lưu ý một số rủi ro đối với doanh nghiệp như các dự án mới chậm phê duyệt, triển khai và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án mới cao sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kinh-bac-lai-ky-luc-gan-1900-ty-trong-mot-quy-bao-gom-2400-ty-danh-gia-lai-tai-san-tu-ben-bi-mua-20228121741487.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/