Khuynh hướng phát triển môi trường bền vững trong thiết kế đô thị là gì?

Theo khuynh hướng phát triển môi trường bền vững, đô thị là thực thể gắn bó của hệ môi trường sinh thái, gồm các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

Logistics-đô-thị-bền-vững-–-chiến-lược-từ-UPS-GreenBiz-Phần-2

Hình minh hoạ (Nguồn: vsci)

Khuynh hướng phát triển môi trường bền vững trong thiết kế đô thị

Khái niệm

Giai đoạn các thập kỉ cuối thế kỉ XX, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, khoa học công nghệ, đô thị hoá và nhiều yếu tố khác đang làm cho tài nguyên thiên nhiên bị cạn kệt, môi trường, sinh thái bị suy thoái, huỷ hoại.

Khiến mọi quốc gia phải xem xét, điều chỉnh lại các chính sách phát triển, trong đó có qui hoạch xây dựng đô thị, theo hướng thiết kế môi trường đô thị bền vững.

Những nguyên tắc quan điểm thiết kế môi trường đã được nhần mạnh tại Hội nghị Habitat II ( Istambul năm 1996), những qui định về thiết kế môi trường bền vững tại Mỹ năm 1993, nguyên tắc Hanover (Đức) năm 1993 và nhiều nghiên cứu khác trên thế giới.

Theo quan điểm của xu hướng này, đô thị là thực thể gắn bó của hệ môi trường sinh thái, gồm các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, môi trường (hệ sinh thái, điều kiện đất đai, địa hính, khí hậu,..); 

Tài nguyên kinh tế, xã hội, văn hoá, vật thể và phi vật thể (công nghiệp, dịch vụ, nhà ở, hạ tầng, vệ sinh môi trường, truyền thống văn hoá, lịch sử,...). 

Thiết kế đô thị là tạo lập hệ sinh thái đô thị thông qua tổ chức không gian vật thể trên cơ sở giải quyết mọi mâu thuẫn, tác động tiêu cực giữa phát triển và môi trường, trong việc sử dụng các tài nguyên, nhằm phát triển ổn định và bảo đảm môi trường bền vững; 

- Đô thị phải có vị trí, chức năng phù hợp với sự phát triển chung của cả nước, vùng và khu vực; phát triển cân đối với tiềm năng của hệ tài nguyên sinh thái, tài nguyên kinh tế - xã hội; 

- Cơ cấu chức năng, không gian đô thị phải bảo đảm sự cân bằng, mối quan hệ hài hoà giữa các yếu tố nhân tạo với cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm gìn giữ, phục hồi tài nguyên môi trường, sinh thái; 

- Coi trọng tính đa dạng, giữ gìn bản sắc, truyền thống, kết hợp hài hoà giữa cải tạo và xây dựng mới; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển, giảm thiểu tác động của con người lên môi trường sinh thái và ngược lại,...

Nguyên tắc thiết kế môi trường còn được áp dụng đối với thiết kế công trình kiến trúc. Là bộ phận hữu cơ của cảnh quan, môi trường, một tiểu hệ sinh thái, công trình được thiết kế theo nguyên tắc cân bằng sinh thái sẽ hạn chế tác động đến môi trường, khai thác tài nguyên hợp lí và góp phần bảo đảm phát triển đô thị bền vững.

(Tài liệu tham khảo: Thiết kế Đô thị, TS.KTS. Lê Trọng Bình, 2006, Đại học Kiến trúc Hà Nội)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khuynh-huong-phat-trien-moi-truong-ben-vung-trong-thiet-ke-do-thi-la-gi-20191209165025821.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/