Khuất tất thương vụ 165 tỷ đồng ở Sân golf Đại Lải: Bài 1 - Vụ mua bán 'qua mặt' UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Những dấu hiệu bất chấp luật pháp đang diễn ra ở Sân golf Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) suốt từ nhiều năm nay

Chuyển nhượng mờ ám

Theo tài liệu của NNVN, năm 2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao đất cho Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) thực hiện Dự án sân golf (gôn) và tổ hợp thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ mát và du lịch tại Hà Nội tại xã Ngọc Thanh (huyện Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Khuất tất thương vụ 165 tỷ đồng ở Sân golf Đại Lải: Bài 1 - Vụ mua bán qua mặt UBND tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh 1.

Thương vụ mờ ám 165 tỷ đồng ở sân gôn Đại Lải.

Theo quyết định này, diện tích đất được giao bao gồm 45 ha đất có thu tiền sử dụng đất, 193,5 đất giao cho thuê xây dựng cơ bản, 45 ha đất không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, căn cứ biên bản về việc giao đất chính thức cho Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) thì hiện trạng thực tế giao chỉ 266,1 ha, còn lại 32,7 ha đất vườn ươm và đất người dân chưa nhận bồi thường GPMB. Trong 10 năm (2007-2017), Sở Tài nguyên – Môi trường Vĩnh Phúc đều ký hợp đồng với diện tích đất cho thuê là 1.933.500m2. Dự án này từng gắn liền với ông Đoàn Văn An, cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GP Bank), người vốn chiếm 33,3% cổ phần sân gôn Đại Lải nhưng hiện đang vướng vòng lao lý trong một vụ án khác. Đây có thể là lý do Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) buộc phải bán dự án sân gôn?!.

Vụ mua bán diễn ra ngày 3/11/2016, tại văn phòng công chứng Phú An (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) và Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải  ký "Hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuê của nhà nước" với nội dung chuyển nhượng "tổ hợp sân gôn Ngôi Sao Đại Lải" nằm trong dự án "Đầu tư xây dựng sân gôn và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ mát và du lịch" trên diện tích đất 142,011 ha.

Căn cứ hợp đồng, bên chuyển nhượng bàn giao tổng tài sản gồm: 1 sân gôn 18 lỗ kèm theo hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động đầy đủ theo đúng hiện trạng đã đưa vào hoạt động từ năm 2011; 1 sân gôn 9 lỗ đang trong quá trình xây dựng; tổ hợp nhà điều hành, nhà để xe... Tổng giá trị tài sản chuyển nhượng là 165 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng Công ty Cổ phần sân gôn Đại Lải đã thanh toán cho Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) 2 đợt đầy đủ số tiền nêu trên.

Tuy nhiên, việc mua bán này chưa được các cơ quan, ban ngành liên quan, có thẩm quyền ở tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng mua bán, Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) đã có công văn kèm theo hồ sơ gửi các sở, ban, ngành có liên quan ở Vĩnh Phúc đề nghị điều chỉnh dự án, tuy nhiên không được những cơ quan này đồng ý phê duyệt.

Tại văn bản ngày 28/2/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Chí Giang có ý kiến: “Chưa đủ điều kiện để ban hành quyết định thu hồi diện tích đất tổ hợp sân gôn trong dự án đầu tư xây dựng sân gôn và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ mát Hà Nội của Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) theo đề xuất của Sở TN-MT tại Tờ trình ngày 8/2/2018”.

Ngày 2/5/2018, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cũng có văn bản khẳng định việc điều chỉnh tách toàn bộ hệ thống sân gôn ra khỏi hệ thống dự án căn cứ vào Hợp đồng giữa 2 doanh nghiệp là không có căn cứ pháp lý thực hiện. Bởi theo Luật Kinh doanh bất động sản, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản.

Theo Sở Xây dựng, thẩm quyền ở đây thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa có quyết định chấp thuận, đồng thời khẳng định, chưa đủ điều kiện thu hồi diện tích tổ hợp sân gôn ở trong thương vụ chuyển nhượng trên.

Chưa hết, vụ mua bán trên còn có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai bởi, tại thời điểm mua bán vẫn còn 26 ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, trong khi quy định của luật nêu rõ: Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bán tài sản gắn liền với đất thuê của nhà nước khi đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận.

Tương tự, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cũng có văn bản thể hiện: Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) không đáp ứng điều kiện chuyển nhượng dự án theo Luật Đầu tư 2014 với lý do phần diện tích Tổ hợp sân gôn Ngôi Sao Đại Lải sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm. Đồng thời lưu ý, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng và kinh doanh sân gôn là của Thủ tướng.

Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải bất chấp luật pháp

Mặc dù vụ chuyển nhượng có những dấu hiệu chưa rõ ràng, tuy nhiên, kể từ điểm nhận chuyển nhượng, quản lý, khai thác dự án,Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải liên tiếp có những hành vi vi phạm pháp luật, bất chấp những cảnh báo từ đối tác lẫn phía cơ quan chức năng.

Đầu tiên là việc doanh nghiệp này tự ý xây dựng 9 lỗ gôn mới không có giấy phép xây dựng, trong đó có 1 đường gôn không nằm trong quy hoạch được duyệt do nhà đầu tư chưa giải phóng được mặt bằng.

Khuất tất thương vụ 165 tỷ đồng ở Sân golf Đại Lải: Bài 1 - Vụ mua bán qua mặt UBND tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh 2.

Dự án xây dựng khách sạn trái phép của Công ty Cổ phần sân gôn Đại Lải


Theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sân gôn Ngôi Sao Đại Lải được phê duyệt 27 lỗ, trong đó có 18 lỗ đã hoàn thành từ năm 2009, còn lại 9 lỗ đang điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải vẫn bất chấp quy định pháp luật, tự ý xây dựng 9 lỗ gôn mới này.

Về vấn đề này, ông Lưu Tiến Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh khẳng định: Việc chủ đầu tư thực hiện 9 hố gôn mới là chưa đúng với quy hoạch được duyệt do vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Đồng thời, ông Đàm Tố Văn, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cũng khẳng định: Quá trình đầu tư xây dựng 9 hố gôn mới chưa có giấy phép xây dựng.

Trong biên bản làm việc đầu năm 2019, ông Lâm Minh Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) khẳng định: Đã trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thanh và Hoàng Trọng Trung phía Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải và yêu cầu không được thi công các hạng mục công trình khi chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, nhưng nhưng các ông này phản hồi là đã có giấy phép xây dựng và tiếp tục thi công?

Cũng liên quan đến việc mở rộng 9 hố gôn, người dân xã Ngọc Thanh liên tục có ý kiến về việc ô nhiễm nguồn nước và việc phun hóa chất gây ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư. Đặc biệt là việc chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng khi chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM). UBND xã Ngọc Thanh đã đề nghị Sân gôn Đại Lải ngừng hoạt động đối với dự án mở rộng này cho đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về vấn đề này, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng ngày 29/1/2019, đại diện Sân gôn Đại Lải thừa nhận: Báo cáo ĐTM của dự án mở rộng sân gôn 9 hố chưa được lập và trình phê duyệt theo quy định là do việc bàn giao giữa Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải và Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) chưa được rõ ràng và thống nhất.

Các cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc xác định, việc mở rộng dự án sân gôn 9 lỗ là do Sân gôn Đại Lải thực hiện. Đề nghị dừng dự án do chưa có giấy phép xây dựng và các hồ sơ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khuất tất thương vụ 165 tỷ đồng ở Sân golf Đại Lải: Bài 1 - Vụ mua bán qua mặt UBND tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh 3.

Xây dựng ngổn ngang ngay sát hồ Đại Lải.


Một biểu hiện bất chấp luật pháp khác là Dự án xây dựng khách sạn Đại Lải Golf do Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích sàn gần 4.000m2, cao 3 tầng với 18 phòng đôi, 12 phòng đơn, 4 phòng VIP,  khởi công từ năm 2017. Đến thời điểm hiện tại, theo quan sát, hạ tầng dự án đã cơ bản hoàn thành, phần xây dựng đã gần xong. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của NNVN, dự án này hoàn toàn không có giấy phép xây dựng và chưa đúng với quy hoạch được phê duyệt.

Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải hiện do ông Tạ Anh Chiến làm Tổng giám đốc, ông Chu Văn Lý làm Chủ tịch HĐQT. Ngoài việc chiếm cổ phần khá lớn ở sân gôn Đại Lải, ông Chu Văn Lý là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5 (Hà Giang), cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần đầu tư Tây Hồ Upa (Hà Nội)...

Ngày 6/4/2019, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án để tiến hành điều tra tội danh “Trốn thuế” tại Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải. Để phục vụ điều tra, công an yêu cầu Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải cung cấp toàn bộ hệ thống sổ sách kế toán năm 2018 của công ty; cổ thu ngân, sổ giao dịch tiền mặt kèm theo báo cáo doanh thu hàng ngày của bộ phận lễ tân gửi bộ phận kế toán từ 1/1/2018 đến nay; bảng tổng hợp kết xuất từ dữ liệu phần mềm quản lý sân gôn....

Kiện ra tòa

Ngày 25/1/2019, TAND TP Phúc Yên ra thông báo thụ lý vụ án Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) kiện Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải. Nội dung nguyên đơn yêu cầu giải quyết gồm: Tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng ngày 3/11/2016. Bên bán trả lại bên mua hơn 128,797 tỷ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khuat-tat-thuong-vu-165-ty-dong-o-san-golf-dai-lai-bai-1-vu-mua-ban-qua-mat-ubnd-tinh-vinh-phuc-20190416230643866.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/