Khu kinh tế Vân Phong: Thiếu qui hoạch phân khu chức năng, thu hút đầu tư gặp khó

KKT Vân Phong đã thu hút 158 dự án đầu tư với tổng vốn đăng kí khoảng 4,1 tỉ USD nhưng qui hoạch hiện nay vẫn chưa phát huy hết lợi thế của KKT, nhiều khu vực tiềm năng chưa có qui hoạch xây dựng chi tiết đã làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.

Lệch pha Bắc - Nam Vân Phong

Theo Điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 17/3/2014, KKT Vân Phong sẽ là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Khu kinh tế Vân Phong chờ diện mạo mới - Ảnh 1.

Một góc khu kinh tế Vân Phong. (Ảnh: HVS)

Trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, khu công nghiệp lộc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác.

KKT Vân Phong cũng được định hướng phát triển là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.

Theo đó, ngày 11/7/2016 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 080NQ/TU xác định mục tiêu cụ thể để phát triển khu kinh tế Vân Phong.

Cụ thể, xây dựng khu vục Bắc Vân Phong trở thành Đặc khu kinh tế Bắc Vân phong là trung tâm dịch vụ - du lịch lớn, hiện đại của khu vực và quốc tế với các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội.

Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng đã đồng ý tạm dừng lập qui hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong. Thời gian tạm dừng được xác định là tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Với khu vực Nam Vân Phong, nơi đây được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển. Nam Vân Phong sẽ là khu vực tập trung thu hút các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như lọc dầu, công nghiệp điện, đóng tàu, cảng biển, du lịch vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ cùng với các dự án khu đô thị, du lịch – dịch vụ.

Theo Ban Quản lí (BQL) KKT Vân Phong, đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút khoảng 158 dự án đầu tư (129 dự án trong nước và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng kí khoảng 4,1 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 1,15 tỉ USD đạt 29% vốn đăng kí.

Trong đó có 61 dự án đã đi vào hoạt động và 67 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng.

Các dự án đi vào hoạt động trên địa bàn KKT Vân Phong (2016 – 2019) đã đạt doanh thu khoảng 1,711 tỉ USD, bình quân 427,75 triệu USD/năm. Theo đó, nộp ngân sách tỉnh 20.950 tỉ đồng, bình quân 5.238 tỉ đồng/năm. Song song đó giải quyết việc làm cho 6.251 lao động (có khoảng 150 lao động người nước ngoài).

Khu kinh tế Vân Phong chờ diện mạo mới - Ảnh 2.

Cảng Nam Vân Phong vừa đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực phía Nam của KKT Vân Phong. (Ảnh: Khải An)

Tuy nhiên, nguồn thu tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Vân Phong, đối với khu vực Bắc Vân Phong, từ năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa không xem xét, thu hút mới các dự án.

Khu Nam Vân Phong số dự án thu hút đầu tư là 94 dự án (52 dự án đi vào hoạt động, 42 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai xây dựng) với tổng vốn đầu tư khoảng 78.680 tỉ đồng (3,57 tỉ USD) vốn thực hiện khoảng 23.753,8 tỉ đồng (1,08 tỉ USD).

Điển hình là nhà máy tàu biển Hyundai – Việt Nam (250 triệu USD), Khi xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỉ USD), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (985 tỉ đồng), Khu công nghiệp Ninh Thủy (295 tỉ đồng)…

Thiếu qui hoạch phân khu 

BQL KKT Vân Phong cho biết, để triển khai thu hút đầu tư các dự án theo danh mục, qua rà soát, Ban nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện.

Một số khu chức năng quan trọng đã được nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa thể triển khai vì chưa được bố trí vốn tổ chức lập qui hoạch 1/2.000.

Khu kinh tế Vân Phong chờ diện mạo mới - Ảnh 3.

Nhiều khu vực tại Bắc Vân Phong chưa có qui hoạch 1/2.000. (Ảnh: Khải An).

Cụ thể khu vực phát triển công nghiệp và cảng 250 ha, khu vực phát triển đô thị và công nghiệp qui mô nhỏ 915 ha; Trung tâm công nghiệp và cảng chuyên dùng 900ha… Riêng khu vực qui hoạch Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (350ha), Thủ tướng đã có chủ trương dừng thực hiện.

Trong khi đó, tại Khu vực Bắc Vân Phong do có chủ trương xây dựng đặc khu nên chưa triển khai lập qui hoạch các khu chức năng để nghiên cứu điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp.

Mặt khác theo định hướng Điều chỉnh qui hoạch chung đã được duyệt, có một số khu chức năng và đất chưa sử dụng cần điều chỉnh và bổ sung các dung qui hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế để kêu gọi đầu tư.

Cụ thể như khu phi thuế quan theo qui hoạch được duyệt có qui mô khoảng 920ha, nếu không tính diện tích qui hoạch Cảng trung chuyển quốc tế đến năm 2030 là 290ha thì diện tích còn lại khoảng 630ha. Khu vực này có diện tích tự nhiên khoảng 950 ha, theo đó diện tích còn lại khoảng 320 ha chưa có định hướng qui hoạch.

Ngoài ra các cơ sở và trung tâm công nghiệp ngoài Khu phi thuế quan như khu vực sản xuất công nghiệp tập trung tại Dốc Đá Trắng qui mô 300 ha; Khu phát triển công nghiệp tại Hòn Khói qui mô 250 ha và số phân khu chức năng khác cần được định hướng thành khu công nghiệp và điều chỉnh lại qui mô để thuận lợi cho kêu gọi đầu tư.

Khu kinh tế Vân Phong chờ diện mạo mới - Ảnh 4.

Qui hoạch hiện nay của khu vực Bắc Vân Phong chưa phát huy hết lợi thế của KKT. (Ảnh: Khải An)

Ban Quản lí KKT Vân Phong cũng cho biết, Khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang (Bắc Vân Phong) có diện tích tự nhiên khu vực này khoảng 1.200 ha trong khi định hướng qui hoạch khu vực này cho các khu dịch vụ du lịch và đô thị du lịch sinh thái biển khoảng 572 ha, phần còn lại được định hướng là cây xanh sinh thái và mặt nước cần được điều chỉnh cho phù hợp để khai thác hiệu quả quĩ đất.

Bên cạnh cạnh đó các khu đô thị chức năng tại Khu vực Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã qui mô rộng 900ha trong khi diện tích tự nhiên đến 2050ha, phần còn lại chưa định hướng qui hoạch…

Ban Quản lí KKT Vân Phong nhận định, qui hoạch hiện nay vẫn chưa phát huy hết lợi thế của KKT, nhiều khu vực tiềm năng chưa có qui hoạch xây dựng chi tiết. Điều này làm ảnh hướng không nhỏ việc thu hút đầu tư vào các dự án KKT.

Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, Ban Quản lý KKT Vân Phong kiến nghị sớm có chủ trương cho phép lập qui hoạch mới hoặc điều chỉnh qui hoạch phân khu đối với các khu chức năng chưa có hoặc đã có nhưng không phù hợp qui hoạch chung.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khu-kinh-te-van-phong-thieu-qui-hoach-phan-khu-chuc-nang-thu-hut-dau-tu-gap-kho-20200815081009334.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/