Không sớm đẩy nhanh thỏa thuận với EU, các nước ASEAN khác sẽ tụt lại phía sau Việt Nam và Singapore

Hiệp định thương mại song phương EU - Singapore và EVFTA có thể gây trở ngại đối với các nước ASEAN khác, gồm Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan nếu tốc độ đàm phán của họ vẫn tiếp tục ì ạch như hiện nay.

1

Ảnh: Nikkei Asian Review

Sau khi EU kí kết thành công hiệp định thương mại với Singapore và Việt Nam trong năm nay, các nền kinh tế lớn khác ở khu vực Đông Nam Á càng có thêm động lực để đẩy nhanh tiến độ hiệp định thương mại giữa họ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, quá trình đàm phán với EU chắc chắn sẽ vấp phải không ít khó khăn.

Các cuộc đàm phán riêng với Indonesia và Philippines đang diễn ra. Tuy nhiên, tiến trình  tại Indonesia lại bị cản trở bởi sự phản đối của Jakarta đối với kế hoạch cấm nhập khẩu dầu cọ của EU. 

Trong khi đó, các cuộc thảo luận thương mại EU - Philippines cũng chững lại vì lo ngại của châu Âu về cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi cũng như cáo buộc lạm dụng nhân quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán giữa EU với Malaysia và Thái Lan đã bị đình trệ trong nhiều năm qua. Ở Malaysia, lệnh cấm nhập khẩu dầu cọ cũng là một vấn đề gây tranh cãi.

Tuy nhiên, EU đang thúc đẩy tiến trình đàm phán. Bà Cecilia Malmstrom, ủy viên thương mại của khối này, lưu ý vào tháng 6 rằng thỏa thuận EVFTA với Việt Nam là một cột mốc quan trọng, có thể đẩy nhanh tốc độ đàm phán ở 4 quốc gia Đông Nam Á nói trên.

Vào năm ngoái, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Trung Quốc. Theo đó, thương mại song phương giữa hai bên đã đạt khoảng 263 tỉ USD.

Theo Nikkei Asian Review, EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Đông Nam Á, cụ thể khối này đã bơm 374 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ASEAN tính đến cuối năm 2017.

Hiệp định thương mại với Việt Nam và Singapore đóng vai trò quan trọng vì hai nước này chiếm hơn 45% tổng giá trị giao dịch thương mại EU - ASEAN trong năm ngoái.

Tuy nhiên, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan lại chiếm 50% tổng giá trị trên, theo phân tích dữ liệu thương mại của EU do Nikkei Asian Review thực hiện.

Các nhà phân tích nhận định, vì hiệp ước với Singapore và Việt Nam sẽ cắt giảm thuế đối với hầu hết hàng xuất khẩu từ hai nước này sang EU, 4 nước còn lại đang có nguy cơ bị tụt lại phía sau mà không có thỏa thuận nào.

Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại Thái Lan hồi tháng trước đã cảnh báo rằng các nhà cung ứng ô tô và lắp ráp linh kiện công nghệ ở nước này có thể chuyển hoạt động sang Việt Nam để tận dụng lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu mà không bị áp thuế.

Việt Nam ước tính hiệp định EVFTA có thể tăng khối lượng hàng hóa xuất sang EU lên 20% và nâng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 3% vào năm 2023. Vào năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu được 42,5 tỉ USD hàng hóa sang châu Âu.

"Nếu Thái Lan và EU không thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do với khung thời gian rõ ràng, nước này có thể đánh mất cơ hội nâng cấp ngành sản xuất theo hướng công nghệ mới", Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (Bangkok) cho hay trong một báo cáo hồi tháng 5.

Khác với Việt Nam, hiệp định thương mại EU - Singapore đặt ra ít lo ngại với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á hơn.

Tuy nhiên, hiệp định thương mại của EU với Việt Nam và Singapore có thể gây ra "tổn thương" cho các thành viên ASEAN khác nếu EU tăng đầu tư vào hai nước này và hạn chế rót vốn vào các quốc gia còn lại.

"Quan trọng là các nước ASEAN phải thảo luận với EU về vấn đề hiệp định thương mại để thu hẹp khoảng cách trên sân chơi", ông Suthiphand Chirathivat, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-som-day-nhanh-thoa-thuan-voi-eu-cac-nuoc-asean-khac-se-tut-lai-phia-sau-viet-nam-va-singapore-20190806002440423.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/