Không chịu nổi áp lực dư luận, McDonald's, Starbucks, CocaCola nói lời 'từ giã' nước Nga

Trước áp lực tẩy chay quá lớn đến từ dư luận, các thương hiệu đồ ăn nhanh và nước giải khát nổi tiếng của Mỹ đã buộc phải từ bỏ nước Nga.

Không chịu nổi áp lực dư luận, McDonald's, Starbucks, CocaCola nói lời 'từ giã' nước Nga - Ảnh 1.

Các hãng đồ uống, đồ ăn nhanh Mỹ buộc phải nói lời chia tay nước Nga. (Ảnh: CNBC).

PepsiCo, CocaCola, McDonald's và Starbucks hôm 8/3 đã thông báo tạm ngừng kinh doanh ở Nga, theo CNBC

Đây được xem là một quyết định biểu tưởng của 4 thương hiệu nổi tiếng đến từ Mỹ. Pepsi đã bán sản phẩm của họ ở Nga trong hơn 6 thập kỷ, ngay cả khi công ty dùng nước ngọt của họ để trao đổi với rượu vodka Stolichnaya và tàu chiến. Trong khi đó, chuỗi đồ ăn nhanh McDonald's thậm chí còn mở cửa hàng đầu tiên chỉ vài tháng sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Trong danh sách các công ty Mỹ rút khỏi Nga, tính đến chiều thứ Ba, CocaCola là một trong những cái tên nổi bật nhất trong danh sách. 

"Trái tim của chúng tôi dành cho những người đang phải chịu đựng những tác động vô lương tâm từ những sự kiện bi thảm này ở Ukraine," CocaCola nói trong một tuyên bố ngắn gọn vào chiều thứ Ba. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá tình hình trong tương lai", CocaCola cho biết. Nga là một trong số ít khu vực trên toàn thế giới nơi đối thủ Coca lép vế so với đối thủ truyền kiếp PepsiCo.

Áp lực phải từ bỏ nước Nga

Trong những ngày gần đây, Pepsi, Coke, McDonald's và Starbucks đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích và tẩy chay vì quyết định tiếp tục hoạt động ở Nga trong khi các công ty khác của Mỹ tuyên bố ngừng kinh doanh tại quốc gia này. 

Theo CNBC, Coca cho biết hoạt động kinh doanh của họ ở Ukraine và Nga đóng góp khoảng 1% đến 2% tổng doanh thu hoạt động ròng và doanh thu hợp nhất của họ vào năm 2021. 

Ở phía bên kia, Pepsi tạo ra khoảng 4% doanh thu hàng năm ở Nga. Hiện Pepsi vẫn chưa tạm dừng tất cả hoạt động kinh doanh ở xứ sở Bạch Dương. Công ty cho biết họ sẽ tiếp tục bán một số sản phẩm thiết yếu, như sữa bột, sữa và thức ăn cho trẻ em. Công ty chỉ tạm ngưng kinh doanh các sản phẩm đồ uống có gas, dừng các khoản đầu tư và tất cả các hoạt động quảng cáo, khuyến mại tại Nga.

"Là một công ty thực phẩm và đồ uống, chúng tôi phải tuân theo tôn chỉ nhân đạo trong hoạt động kinh doanh của mình", Giám đốc điều hành Pepsi, Ramon Laguarta cho biết. Theo tờ Wall Street Journal, Pepsi đang cân nhắc các lựa chọn khác nhau cho hoạt động kinh doanh ở Nga của mình, bảo gồm cả việc rút khỏi Nga do ảnh hưởng quá lớn đến từ các lệnh trừng phạt.

Trong nhiều ngày qua, chủ đề tẩy chay các công ty chậm rời khỏi Nga đã lan truyền trên mạng xã hội với các thông điệp như #BoycottPepsi và #BoycottCocaCola liên tục nằm trên top trending của Twitter kể từ cuối tuần trước.

McDonald's thông báo tất cả 850 nhà hàng ở Nga của họ sẽ tạm thời đóng cửa. Động thái này đến sau khi chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng im lặng trước chiến sự ở Ukraine và họ đã phải hứng chịu làn sóng tẩy chay rất lớn. 

Khoảng 84% địa điểm của McDonald's ở Nga thuộc sở hữu của công ty, trong khi phần còn lại do các nhà nhượng quyền điều hành. Sở hữu nhiều nhà hàng hơn đồng nghĩa với doanh thu lớn hơn cho công ty, nhưng rủi ro lớn hơn trong thời kỳ hỗn loạn hoặc suy thoái kinh tế. 

Trong khi đó, chuỗi đồ uống nổi tiếng Starbucks đã đi trước McDonald's khi tuyên bố sẽ đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh của Nga. Giám đốc điều hành Starbucks Kevin Johnson đã lên án các cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Trong hai công ty này, McDonald's có quy mô cửa hàng và doanh thu lớn hơn nhiều so với Starbucks. Cả Starbucks và McDonald's vẫn sẽ trả lương cho các nhân sự ở Nga.

Yum! Brands, công ty sở hữu thương hiệu Taco Bell, KFC và Pizza Hut và Restaurant Brands International, công ty sở hữu Domino's Pizza và Burger King cũng đang gặp khó ở Nga. Vào hôm 8/3, Yum! thông báo họ đang tạm dừng mở rộng cửa hàng ở Nga và gửi các khoản hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Hiện Yum! chưa có động thái ngừng kinh doanh tại Nga.

Danh sách rời bỏ Nga ngày càng dài

Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld của Đại học Yale đã bắt đầu biên soạn một danh sách các công ty rút lui và vẫn còn hoạt động ở Nga ngày sau khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến quân vào lãnh thổ Ukraine. Theo danh sách của Giáo sư Sonnenfeld, 280 các công ty đã tuyên bố rút khỏi Nga kể từ đó.

Tính đến ngày 8/3, 32 công ty lớn phù hợp với tiêu chí của Sonnenfeld vẫn hoạt động kinh doanh ở Nga, trong đó gồm Pepsi, Mondelez International, Deere & Company và Nestlé. 

Các công ty này cho rằng việc cắt đứt quan hệ với Nga sẽ gây ra tổn hại nhiều hơn đối với người dân Nga và không gây ra ảnh hưởng tới quyết định của Tổng thống Putin. Trong khi đó, Giáo sư Sonnenfeld cho rằng quyết định bắt đầu chiến tranh của ông Putin khiến các công ty không có nhiều lựa chọn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-chiu-noi-ap-luc-du-luan-mcdonalds-starbucks-cocacola-noi-loi-tu-gia-nuoc-nga-20220309144335386.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/