Khi nào Việt Nam có vắc xin COVID-19?

4 nhà sản xuất vắc xin trong nước gồm VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN đều cho kết quả khả quan, dự kiện cuối năm thử nghiệm lâm sàng.

Việt Nam đang ở giai đoạn nào trong cuộc đua vắc xin COVID-19? - Ảnh 1.

4 nhà sản xuất vắc xin trong nước gồm VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN đều cho kết quả khả quan, dự kiện cuối năm thử nghiệm lâm sàng. (Ảnh minh họa: Reuters).

Thông tin từ hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng kí, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có 4 nhà sản xuất  trong nước gồm VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN.

Các nhà sản xuất đều đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19 bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm thử nghiệm lâm sàng.

Với Viện Vắc Xin Và Sinh Phẩm Y Tế - IVAC, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn chứng nhờ vào việc sử dụng công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi, IVAC đã sản xuất được vắc xin cúm, nay đang ứng dụng công nghệ này để sản xuất vắc xin COVID-19.

"Chúng tôi thấy cách làm này có tính khả quan, sẽ sớm đưa vắc xin này vào thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tê chia sẻ.

Với trường hợp của Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 - VABIOTECH, công ty này đã phối hợp với trường Đại học Oxford của Anh, tiến hành nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật, có kết quả hết sức khả quan, đáp ứng miễn dịch tốt.

Theo Sức khỏe & Đời sống, TS. Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch VABIOTECH cho hay, dự án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 của ông và các đồng sự đã có kết quả, "vắc xin dự tuyển có tính sinh miễn dịch khá cao."

Cũng theo đại diện VABIOTECH, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc xin cho Việt Nam, nhất là các vắc xin đại dịch. 

Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng virus COVID-19 mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần "lắp ráp" phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc-xin mới, phía VABIOTECH chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua cả thế giới đang căng mình chống dịch COVID-19. Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới vượt mốc 21 triệu ca mắc COVID-19. Đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có nước nào ngăn chặn thành công. Còn Việt Nam sáng nay ghi nhận tổng cộng 911 ca mắc COVID-19.

"Có nhiều ý kiến khác nhưng nếu không có vắc xin thì khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu, toàn nhân loại"- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Việt Nam đang ở giai đoạn nào trong cuộc đua vắc xin COVID-19? - Ảnh 2.

Việt Nam đang dự thảo đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép đăng kí sử dụng vắc xin COVID-19 để năm 2021 có thể có vắc xin (Ảnh: Bộ Y tế).

Việt Nam hiện vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, cách li xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch COVID-19.

Tuy còn nhiều điều về virus SARS-CoV-2 mà chúng ta vẫn cần tiếp tục tìm hiểu, nhưng giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắc xin phòng COVID-19, quyền Bộ trưởng chia sẻ.

TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Việt Nam đã có hệ thống quản lí chất lượng vắc xin (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Đồng thời là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc xin.

Thông tin tại hội thảo, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ thuộc Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang dự thảo đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép đăng kí sử dụng vắc xin COVID-19 để năm 2021 có thể có vắc xin.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất rút ngắn thời gian các qui trình: Nghiên cứu sản xuất, Kiểm định, Thử nghiệm lâm sàng, Cấp phép lưu hành, Theo dõi sử dụng vắc xin. 

"Tuy nhiên, dù rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng của vắc xin, có tác dụng phòng nhiễm virus COVID-19 dựa trên những bằng chứng khoa học, tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học"- TS Quang khẳng định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khi-nao-viet-nam-co-vac-xin-covid-19-20200814105700459.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/