Khát vọng vươn xa của những 'nữ hoàng' xứ sở miền Tây

Điểm chung của những "nữ hoàng" ngành thực phẩm này là đều xuất thân từ vùng đất màu mỡ Đồng bằng Sông Cửu Long và cùng có chung khát vọng đưa những sản vật quê hương thành những sản phẩm giá trị ở một tầm cao mới.

Khát vọng vươn tầm thế giới của "nữ hoàng cá tra"

Là cái tên xuất hiện đầu tiên trong danh sách 25 Nữ Doanh nhân Quyền lực Châu Á năm 2020 của Forbes Asia nhằm tôn vinh những người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh kinh doanh của châu Á, bà Trương Thị Lệ Khanh là người phụ nữ đã để lại dấu ấn đậm nét trong ngành chế biến thuỷ sản Việt Nam.

Trên thương trường, bà Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh là "nữ hoàng" cá tra. Theo Forbes, CTCP Vĩnh Hoàn được bà thành lập và lãnh đạo hơn 23 năm qua đã phát triển thành công ty thủy sản lớn nhất theo giá trị vốn hóa thị trường tại Việt Nam. Công ty đạt lợi nhuận ròng 50 triệu USD trên doanh thu 340 triệu USD trong năm 2019.

Bà Khanh sinh năm 1961, là con út trong một gia đình có bốn anh chị em của vùng đất An Giang. Sau khi tốt nghiệp, bà Khanh làm việc tại công ty xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp thương mại. Bà còn đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt khác nhau từ kế toán đến trợ lí và phó giám đốc… 

Đến ngày 27/12/1997, bà chính thức thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoàn tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. 

Nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh cho biết: "Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi”.

Công ty này có hoạt động chính là xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa. Ban đầu phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp). 

Nhờ việc am hiểu các hoạt động ngoại thương và có mối quan hệ từ trước, bà Khanh sớm tìm được chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Đến năm 2003 ngành xuất khẩu cá tra bùng nổ cũng là lúc lần đầu tiên Vĩnh Hoàn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước.

Đến năm 2007, Vĩnh Hoàn chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE: VHC). Hiện tại, Bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỉ lệ 43,16%. 

Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch quanh mức 40.000 đồng/cp hiện nay, tổng giá trị tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn lên đến hơn 3.000 tỉ đồng và là người giàu thứ 17 trên sàn chứng khoán.

Vĩnh Hoàn hiện là một trong những công ty cá tra lớn nhất ở thị trường nội địa, phát triển năng động nhất. Năm 2019, Vĩnh Hoàn là công ty hoạt động tốt  trong ngành thủy sản của đất nước với 50 triệu USD lợi nhuận ròng trên doanh thu 340 triệu USD.

Đặc biệt Vĩnh Hoàn ghi nhận sự thành công vượt trội của mảng kinh doanh collagen với lợi nhuận sau thuế vượt qua con số kế hoạch 180 tỉ đồng và doanh số tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước, đạt hơn 550 tỉ đồng.

Chia sẻ với Forbes, bà Khanh cho rằng sự suy thoái toàn cầu của ngành F&B sẽ khiến doanh thu giảm 20% trong năm nay vì hầu hết doanh thu là quốc tế. Để tìm kiếm sự phát triển mới, đại diện Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu mở rộng tại địa phương và thông qua các mối quan hệ đối tác ở Châu Âu.

Ngoài ra trước tình hình dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản, "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh kì vọng vào "át chủ bài" Collagen và gelatin (C&G).

Đây là những sản phẩm có hàm lượng kĩ thuật cao chế biến từ da cá, phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm là yếu tố được cho là sẽ kìm hãm đà suy giảm lợi nhuận của Vĩnh Hoàn.

Trong quí I/2020 ghi nhận doanh số mảng C&G của VHC tăng 31%, trong đó dịch COVID-19 phần lớn ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của mảng C&G sang Trung Quốc. 

Tuy nhiên, bà Trương Thị Lệ Khanh vẫn kì vọng cả doanh thu và lợi nhuận từ mảng này sẽ tăng 50% trong năm nay, so với mức đóng góp lần lượt 8% doanh thu và 20% lợi nhuận ròng vào năm 2019.

Không chỉ vậy, Vĩnh Hoàn cũng đặt kế hoạch chi tiêu vốn xây dựng cơ bản khoảng 580 tỉ đồng để mở rộng công suất mảng C&G, công suất kho lạnh mới, khu vực nuôi trồng mới và dây chuyền sản xuất dầu cá mới với tổng công suất khoảng 100 tấn/ngày.

Khát vọng của những 'nữ hoàng' xứ sở miền Tây - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn nhận định việc mở rộng hình thức bán hàng trực tiếp cho các siêu thị và chuỗi nhà hàng trong năm 2020 có thể mang đến lợi nhuận ngay lập tức và góp phần cải thiện giá bán.

"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh từng chia sẻ "phải vượt qua khó khăn chứ không phải ngồi than vãn". 

Với sự cẩn trọng của mình, bà Khanh mong muốn đưa Vĩnh Hoàn trở thành một công ty đa quốc gia với tham vọng "không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn phải làm sao đó để Vĩnh Hoàn có thể bán hàng trực tiếp cho siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia".

"Nữ hoàng hột vịt" và hành trình trứng sạch 

Bà Phạm Thị Huân, tên thường gọi Ba Huân, là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân, công ty chăn nuôi và chế biến thịt, trứng gia cầm hàng đầu tại Việt Nam.

Khởi nghiệp từ năm 16 tuổi bằng việc thu gom và phân phối trứng gia cầm tại các tỉnh miền Tây, đến năm 1985, bà Huân chính thức mở vựa trứng riêng và hình thành thương hiệu trứng Ba Huân tại Chợ Lớn (TP HCM).

Sau nhiều năm giúp đỡ hộ nông dân vùng đồng bằng sông Mê Kông chuyển dịch từ trồng trọt sang nuôi vịt lấy trứng bán, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nữ nông dân, năm 2016, bà Ba Huân vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” của FAO (Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho những thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Bà cũng là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn. Với cả cuộc đời gắn với trứng gà, trứng vịt. Bà Huân được mệnh danh là “nữ hoàng hột vịt”, người mang công nghệ trứng sạch đầu tiên về Việt Nam, người định giá thị trường trứng sạch mỗi ngày ở Nam Bộ cùng chuỗi liên kết sạch từ trang trại tới bàn ăn với hơn 1.000 đại lí và điểm phân phối trứng sạch, chiếm hơn 50% thị phần trứng sạch TP HCM. Tại thị trường Hà Nội, Ba Huân đã chiếm được 10% kênh hiện đại.

Theo bà Huân, lặn lội cùng bà con có trứng sạch, vất vả nhất là năm 2003, khủng hoảng dịch cúm gia cầm đe dọa sự sống còn của ngành trứng. Hàng loạt hộ gia đình nông dân sau một đêm thức dậy bỗng chốc trắng tay. Hàng xe trứng của gia đình phải tự tay mang đi hủy, lỗ vốn hơn 6 tỉ đồng.

Nhưng cũng chính từ khó khăn đó đã đưa tên tuổi của Ba Huân đến một vị trí nhất định trong ngành hàng và trong lòng người tiêu dùng cả nước.

Trước biến cố đó, bà Ba Huân đi khắp các nước châu Âu, châu Á và cuối cùng dừng chân tại Tập đoàn Moba Hà Lan, nơi có thiết bị xử lí trứng hàng đầu thế giới bằng hệ thống thiết bị tự động hóa, xử lí trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 trứng/giờ.

Với dây chuyền hiện đại này, trứng được rửa 2 lần, sấy khô rồi chiếu tia UV để diệt khuẩn, sau đó chuyển sang công đoạn soi để loại các trứng hư, nứt và phủ lên một lớp dầu, nhằm ngăn vi khuẩn từ bên ngoài. Sau đó, trứng được chuyển đến khâu phân loại bằng cân định lượng trước khi in tên thương hiệu và đóng hộp.

Với cách làm qui chuẩn và bài bản, trứng gia cầm Ba Huân nhanh chóng "ghi điểm" trong mắt người tiêu dùng. Doanh nghiệp bắt đầu hoạt động ổn định và phát triển nhanh chóng. Ba Huân cũng đã đưa ngành kinh doanh manh mún thành kinh doanh quy mô.

Từ năm 2018 đến nay, Công ty Ba Huân chuyển hướng phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng gắn liền với sức khỏe, liên tục ra mắt thị trường những sản phẩm mới có bổ sung thành phần omega 3, DHA, vitamin E. 

Đầu năm 2019, bà Ba Huân kí hợp đồng với tập đoàn ISE của Nhật để cung cấp trứng gà tươi ăn liền (không cần qua chế biến) cho chuỗi siêu thị, cửa hàng Nhật tại Việt Nam.

Khi việc hợp tác đang trên đà thuận lợi thì dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều cửa hàng Nhật tại TP HCM phải đóng cửa theo lệnh giãn cách và tiếp tục đóng cửa vì doanh thu thấp dẫn đến doanh thu mảng khách hàng này sụt giảm. Mặc dù vậy, Ba Huân vẫn tiếp tục duy trì sản xuất dòng trứng dinh dưỡng với thương hiệu công ty.

Hiện CTCP Ba Huân đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng cho chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trên cả nước trong việc công nghiệp hóa các sản phẩm gia cầm. Không những thế, sản phẩm trứng của công ty còn được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong, Malaysia, Singapore. 

Ba Huân đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn bao gồm: Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng công nghệ cao qui mô 18 ha, với tổng đàn 1 triệu con; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Tân Uyên - Bình Dương; Nhà máy xử lí trứng gia cầm qui mô 2 ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại Bình Chánh-TP HCM.

Ngoài ra, còn có nhà máy xử lí trứng gà công nghệ cao qui mô 2 ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng, công suất xử lí 65.000 trứng/giờ tại Phúc Hòa - TP Hà Nội; Nhà máy chế biến thực phẩm qui mô 5 ha, tổng công suất 50 tấn/ngày tại Đức Hòa - Long An; Trang trại chăn nuôi gà lấy thịt công nghệ cao qui mô 30 ha, tổng đàn 3 triệu con tại Long An.

Khát vọng của những 'nữ hoàng' xứ sở miền Tây - Ảnh 4.

"Nữ hoàng mía đường" với tham vọng đường organic

Là người sáng lập và xây dựng “đế chế mía đường” của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), với 40 năm kinh nghiệm và đặc biệt là niềm đam mê với cây mía, bà Huỳnh Bích Ngọc được xem là "nữ hoàng" của ngành mía đường Việt Nam.

Bà Ngọc sinh năm 1962 tại Bến Tre. Năm 1979, vợ chồng bà thành lập cơ sở Thành Công sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường, đến năm 1991 thì bà Ngọc chính thức quản lí cơ sở và Thành Thành Công ra đời. Tại thời điểm đó, Thành Thành Công được xem là một trong hai cơ sở kinh doanh cồn có qui mô lớn nhất ở TP HCM. 

Ở tuổi 58, bà hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - Mã: SBT).

Dưới sự điều hành của bà Ngọc, trong những năm qua, TTC Sugar liên tục tăng mạnh trong qui mô, thị phần, đồng thời, danh mục sản phẩm của TTC Sugar cũng ngày càng chất lượng và đa dạng với hơn 50 sản phẩm đường đáp ứng linh hoạt nhu cầu khách hàng. 

Cùng với đó, thị trường xuất khẩu của công ty đã vươn tới 25 quốc gia trên thế giới, đáng chú ý là các sản phẩm đường với biên lợi nhuận cao như đường organic đã có mặt tại các nước có yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu, Mỹ, Singapore…

Những 'nữ hoàng' trong ngành thực phẩm Việt - Ảnh 3.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (Ảnh: TTC)

Trong phân khúc đường organic TTC Sugar đã đầu tư vùng nguyên liệu mía tại Lào, đầu tư nhà máy theo qui trình tự nhiên, không sử dụng hóa chất từ khâu chuẩn bị đất trồng, giống mía, kĩ thuật canh tác, phương pháp bón phân, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh, tưới tiêu, thu hoạch đến khâu sản xuất. Tất cả đều được thực hiện trong điều kiện đảm bảo và cách li theo đúng chuẩn. 

Đặc biệt, đất trồng không sử dụng các loại thuốc hóa học trong vòng 3 năm trở lên, có ranh giới, khoảng cách xác định và vùng đệm (hàng rào, hàng cây xanh…) để làm bờ chắn ngăn chặn sự phát tán của các chất độc hại ở các vùng lân cận vào ruộng mía.

Chủ tịch TTC Sugar cho biết, để cung cấp sản phẩm đường organic cho thị trường trong nước, góp phần làm phong phú sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, công ty đã chuẩn bị kĩ lưỡng, có những bước đi chủ động vào mảng đường organic trong suốt nhiều năm qua, từ việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại vào qui trình trồng trọt, tinh luyện khép kín với tầm nhìn “từ nông trường đến bàn ăn”.

Để mở rộng thị trường nước ngoài, TTC Sugar đã xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược ở địa phương, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ nhanh chóng tham gia chuỗi giá trị sản xuất, thương mại khu vực và thế giới. 

TTC Sugar đã kí kết hợp tác chiến lược với ED&F Man Sugar (Anh) về bao tiêu sản phẩm đường organic sản xuất tại Lào trong 5 năm kể từ năm 2018.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản phẩm đạt chuẩn organic phải tuân thủ đủ tiêu chí “3 không” gồm không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không biến đổi gen. 

Với việc sản xuất đường organic, TTC Sugar tạo ra những sản phẩm hấp dẫn người tiêu dùng về tính chuyên biệt, đặc biệt là thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường quốc tế đang bị chiếm lĩnh bởi các “ông vua” mía đường như Brazil, Thái Lan, Ấn Độ.

Đây được xem là bước đi chiến lược của TTC Sugar để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam trên thị trường quốc tế và ngay trên sân nhà.

Ngoài ra với chiến lược dài hạn là đa dạng hóa chuỗi giá trị cây mía, giảm thiểu rủi ro nguồn thu khi giá đường thế giới có biến động, TTC Sugar còn khai thác 5 sản phẩm cạnh đường - sau đường bao gồm nước uống tinh khiết chiết xuất từ hương mía Miaqua, bã mía, điện sinh khối, mật rỉ và phân vi sinh.

Khát vọng của những 'nữ hoàng' xứ sở miền Tây - Ảnh 6.

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khat-vong-vuon-xa-cua-nhung-nu-hoang-xu-so-mien-tay-20201013120417235.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/