Kẻ lừa đảo giả danh Walmart, thổi giá tiền mã hóa lên 25%

Nhà đầu tư litecoin đã bị lừa vố đau bởi tin giả rằng Walmart sẽ chấp nhận đồng tiền mã hóa này trong các giao dịch mua sắm trực tuyến.

Kẻ lừa đảo giả danh Walmart, thổi giá tiền mã hóa lên 25% - Ảnh 1.

(Ảnh: iStockPhoto, Getty Images).

Khoảng 9h tối 13/9, giá litecoin bật tăng 25% rồi lại rơi thẳng đứng vào sau khi xuất hiện một thông cáo báo chí giả mạo viết rằng Walmart sẽ bắt đầu chấp nhận đồng tiền này để thanh toán cho các đơn hàng trực tuyến. Tờ CNN nhận định đây có vẻ là một kế hoạch pump and dump (bơm thổi giá rồi nhanh chóng xả hàng) cực kỳ thành công.

Nhà đầu tư có đầy đủ lý do để tin rằng tin về sự hợp tác giữa Walmart và litecoin là thực: Thông báo này xuất hiện trên dịch vụ phân phối thông cáo báo chí toàn cầu GlobeNewswire và được chia sẻ trên tài khoản Twitter chính thức của litecoin.

Nội dung trong thông cáo báo chí cũng có vẻ chuẩn chỉnh, trích dẫn lời của CEO Walmart Doug McMillon. Thậm chí một vài hãng tin lớn như CNBC cũng đăng bài về quyết định của Walmart. Gần đây, gã khổng lồ bán lẻ đã đăng tin tuyển dụng vị trí chuyên gia tiền mã hóa làm việc tại trụ sở chính.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Walmart đã khẳng định thông báo công ty chấp nhận litecoin là giả. Litecoin nhanh chóng xóa tweet mình đã đăng. Một giờ sau khi thông báo xuất hiện, litecoin giảm từ hơn 220 xuống 178 USD – gần bằng với giá được giao dịch trước khi tin giả được tung ra.

Kẻ lừa đảo giả danh Walmart, thổi giá tiền mã hóa lên 25% - Ảnh 2.

Giá litecoin hôm nay trong 24 giờ qua. (Ảnh: Coindesk).

Hiện vẫn chưa rõ kẻ lừa đảo là ai, nhưng âm mưu này có vẻ là chiêu thức pump and dump:  Kẻ chủ mưu mua tài sản để thổi giá, thường là cùng với tin giả, rồi bán ra ngay khi giá bắt đầu tăng cao.

GlobeNewswire đã gỡ bỏ phút thông cáo báo chí ngay sau khi CNN liên hệ và đưa ra bản đính chính, kêu gọi các nhà đầu tư và giới truyền thông phớt lờ thông cáo cũ.

Người phát ngôn của Intrado, công ty mẹ của GlobeNewswire, giải thích rằng "một tài khoản người dùng lừa đảo" đã được tạo ra để đăng thông cáo báo chỉ giả. Công ty đã tăng cường các biện pháp xác thực và cam kết sẽ điều tra kỹ càng về việc vì sao hệ thống của họ bị đánh lừa.

Nếu nhìn qua, thông cáo báo chỉ giả có vẻ đáng tin, nhưng vẫn có một số dấu hiệu nhận biết. Thông cáo này đính trang web không có thật "walmart-corp.com" làm địa chỉ email cho giám đốc marketing của Walmart và tên viết tắt cho chức vụ của ông McMillon. Đây cũng là thông cáo đầu tiên và duy nhất từ Walmart đăng trên GlobeNewswire.

Litecoin cũng là lựa chọn kỳ lạ đối với Walmart. Tuy là một trong những đồng tiền mã hóa lâu đời nhất trên thị trường, litecoin không nằm trong top 10 đồng tiền lớn nhất, và cũng thường không thuộc nhóm được giao dịch nhiều nhất, trừ tối ngày 13/9.

Các âm mưu pump and dump thường diễn ra trong các thị trường không quản lý chặt chẽ, ví dụ như tiền mã hóa và cổ phiếu penny. Tại các thị trường này, các nhà quản lý và nhà đầu tư không có nhiều thông tin và ít khả năng để loại trừ hoạt động phạm pháp. Tuy hiếm nhưng thông cáo báo chí giả từ một công ty tầm cỡ Walmart không phải là sự kiện chưa từng xảy ra. 

Tiền mã hóa đã trải qua vài tháng đầy hỗn loạn. Bitcoin lập đỉnh lịch sử gần 65.000 USD vào tháng 4 để rồi rớt xuống 28.800 USD vào tháng 6 sau khi Trung Quốc tăng cường trấn áp tiền mã hóa. Hiện giá bitcoin vào khoảng 45.000 USD.

Sự kiểm soát về tiền mã hóa cũng đang được thắt chặt. Tháng trước, Thượng viện Mỹ đã bổ sung điều khoản vào dự luật cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD nhằm tăng cường các quy định về tiền mã hóa và có thể mở rộng số lượng người dùng tiền mã hóa phải báo cáo cho Sở thuế vụ. Dự luật đang chờ được Hạ viện thông qua trước khi gửi đến bàn của Tổng thống Joe Biden.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ke-lua-dao-gia-danh-walmart-thoi-gia-tien-ma-hoa-len-25-20210914080741747.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/