Kế hoạch hàng năm phát triển kinh tế - xã hội là gì? Nội dung

Kế hoạch hàng năm phát triển kinh tế - xã hội là một loại kế hoạch phát triển.

Kế hoạch hàng năm phát triển kinh tế - xã hội là gì? Nội dung - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Marlborough.govt.nz)

Kế hoạch hàng năm phát triển kinh tế - xã hội

Khái niệm

Kế hoạch hàng năm phát triển kinh tế - xã hội hay kế hoạch hàng năm trong tiếng Anh gọi là: Annual Plan.

Kế hoạch hàng năm là bước cụ thể hóa kế hoạch 5 năm, là một công cụ điều hành các hoạt động mang tính tác nghiệp thường niên của nền kinh tế nhằm thực hiện được mục tiêu của kế hoạch 5 năm. 

Nội dung

Về cơ bản kế hoạch hàng năm có nội dung giống kế hoạch 5 năm nhưng ở mức cụ thể và chi tiết hơn. Cụ thể, nội dung của kế hoạch hàng năm bao gồm:

(i) Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm trước. Trong quá trình đánh giá, cần phải có sự so sánh và đặt kế hoạch hàng năm trong lộ trình thực hiện kế hoạch 5 năm để có những kết luận chính xác về thực trạng của nền kinh tế.

(ii) Phần kế hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Nó vừa là công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thực hiện các mục tiêu phát triển của năm đó trong nội dung của kế hoạch định hướng 5 năm. 

Đây chính là kế hoạch thực hiện của năm hiện hành trong kế hoạch 5 năm. Nó cũng bao gồm các nhiệm vụ chủ yếu của năm, các mục tiêu và các chỉ tiêu phấn đấu về phát triển kinh tế - xã hội cũng như các chính sách và giải pháp chủ yếu áp dụng trong năm kế hoạch.

(iii) Các nội dung mang tính tác nghiệp thường niên cần nhấn mạnh trong kế hoạch hàng năm, gồm có:

(1) Kế hoạch ngân sách bao gồm kế hoạch thu chi ngân sách, cân đối ngân sách hàng năm và xử lí bội chi ngân sách;

(2) Kế hoạch cung ứng tiền tệ: đây là một kế hoạch linh hoạt, nó chính là công cụ để điều hành cung ứng tiền tệ cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định ở mức độ chấp nhận được, đưa ra các giải pháp điều chỉnh lượng cung tiền trong lưu thông hàng năm;

(3) Kế hoạch xuất nhập khẩu và quản lí cán cân thanh toán quốc tế, kế hoạch nợ (vay và trả nợ) nước ngoài; 

(4) Kế hoạch giải quyết việc làm: xác định nhu cầu, khả năng cung ứng lực lượng lao động xã hội, các chỉ tiêu lao động, việc làm, khống chế thất nghiệp và chính sách giải quyết việc làm.

(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ke-hoach-hang-nam-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-la-gi-noi-dung-20200420214225258.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/