HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 xuống 7,6% do ngành du lịch chậm phục hồi

Về triển vọng năm 2021, các chuyên gia của HSBC tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết.

Trong báo cáo "Dự báo Kinh tế châu Á hàng quý - Sự phục hồi" vừa công bố, HSBC cho rằng bất chấp những thách thức chưa từng có, Việt Nam đã vượt qua đại dịch một cách mạnh mẽ.

Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam đã cố gắng để san bằng đường cong COVID-19 sớm hơn nhiều và duy trì tổng số ca nhiễm quanh mức 1.400 nhờ các nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn đại dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Sự phục hồi của Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng ngay cả khi làn sóng dịch bệnh lần hai quay lại và tồn tại ngắn ngủi vào cuối tháng 7/2020. Cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật thế mạnh của Việt Nam là nền kinh tế và cứ điểm sản xuất có khả năng chống chịu tốt. Điều này giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí ngôi sao sáng của khu vực, báo cáo nhận định.

Về triển vọng năm 2021, các chuyên gia của HSBC tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết. Tuy nhiên, HSBC hạ nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2021 từ 8,1% xuống còn 7,6% do ngành du lịch chậm phục hồi.

HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 xuống 7,6% do ngành du lịch chậm phục hồi - Ảnh 1.

HSBC dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2021. (Ảnh chụp màn hình: Báo cáo của HSBC).

Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC cũng dự báo lạm phát năm 2021 sẽ ở mức trung bình 3,3%, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù Việt Nam nổi lên mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19 so với các nước khác, nhưng theo HSBC, nền kinh tế cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khó khăn. Tuy nhiên, hỗ trợ tài khóa bị hạn chế do tỷ lệ nợ công trên GDP của Chính phủ là 65%.

HSBC dự báo thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,2% GDP vào năm 2020. Đến 2021, thâm hụt sẽ cải thiện ở mức 4,6% GDP, đưa nợ công xuống dưới 60% GDP.

Bởi khả năng chính sách tài khóa hạn chế, chính sách tiền tệ đã đảm nhận hầu hết nhiệm vụ nặng nề để thúc đẩy tăng trưởng năm qua. Do kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh trong những quý tới, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ cho đến quý I/2022, trước khi tăng lãi suất 0,25% vào quý III/2022.

Theo các chuyên gia của HSBC, mặc dù Việt Nam đã sẵn sàng để vượt lên so với các nước trong khu vực vào năm 2021 nhưng vẫn có những rủi ro đối với quá trình phục hồi kinh tế.

Trước hết, lĩnh vực du lịch vẫn còn nhiều trở ngại. Mặc dù điều tồi tệ nhất có thể đã qua sau quý 2/2020 nhưng các dịch vụ liên quan đến du lịch như chỗ ở và vận chuyển vẫn trong tình trạng ảm đạm. 

"Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi những hạn chế trong việc xuất nhập cảnh qua biên giới vẫn đang diễn ra mặc dù Việt Nam đã có một số thỏa thuận đi lại với các nước láng giềng", báo cáo nêu.

Chuyên gia HSBC nhấn mạnh, mặc dù làn sóng dịch lần thứ hai nhanh chóng được kiềm chế nhưng điều đó có thể khiến Chính phủ thận trọng hơn trong việc tái mở cửa biên giới và thu hút khách du lịch quốc tế. Do đó, sự phục hồi rõ nét trong ngành này khó có thể xảy ra trong thời gian tới, cho đến khi có vắc xin hiệu quả và một cách tiếp cận phối hợp toàn cầu về du lịch quốc tế.

Ngoài ra, thị trường lao động của Việt Nam vẫn là một thách thức. Mặc dù có một số cải thiện trong quý III/2020, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng, đi kèm là mức lương thấp hơn. Nếu vẫn tiếp tục, điều này có thể khiến chi tiêu tiêu dùng, vốn là trụ cột chính của tăng trưởng mất nhiều thời gian phục hồi hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hsbc-ha-du-bao-tang-truong-gdp-viet-nam-2021-xuong-76-do-nganh-du-lich-cham-phuc-hoi-20210106115204734.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/