Hơn 300.000 tỷ đồng tiền ngân sách 'đóng băng' tại các ngân hàng quốc doanh

Tính chung tại Vietcombank, BIDV và VietinBank, Kho bạc Nhà nước gửi gần 306.000 tỷ đồng tiền gửi tính đến cuối tháng 9, trong đó chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.

Lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) có xu hướng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay với quy mô tập trung tại ba ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV và VietinBank. Riêng Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III.

Số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng cho thấy tính đến ngày 30/9, tổng lượng tiền gửi của KBNN tăng mạnh hơn 255.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 484% so với cuối năm 2021.

Cụ thể, KBNN gửi tiền nhiều nhất tại BIDV với hơn 122.279 tỷ đồng, tăng hơn 110.000 tỷ so với cuối năm ngoái. Tương tự số dư tiền gửi của KBNN tại Vietcombank cũng tăng gấp chục lần so với cuối năm 2021, lên hơn 86.244 tỷ đồng. Tại VietinBank, con số này cũng tăng gấp ba lần, đạt 97.463 tỷ đồng.

Tính chung tại ba nhà băng nói trên, KBNN gửi gần 306.000 tỷ đồng tiền gửi tính đến cuối tháng 9, trong đó chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn với mức lãi suất cao hơn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn.

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III nhưng theo số liệu tính tới cuối tháng 6/2022, tiền gửi của KBNN tại Agribank đạt hơn 766 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm trước.

 

 Ngoài các "ông lớn" quốc doanh, Kho bạc Nhà nước cũng gửi tiền tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) khác như Saigonbank với hơn 1.600 tỷ đồng, MB, LienVietPostBank, VPBank,... 

Trong những năm trước đây, số dư tiền gửi của KBNN có thời điểm lên tới hơn nửa triệu tỷ tại các NHTM. Đây là nguồn tiền lớn này đóng vai trò quan trọng trong cân đối nguồn vốn huy động và cho vay của các ngân hàng.

Với ba "ông lớn" Vietcombank, BIDV và VietinBank, việc nắm giữ nhiều nguồn tiền trên vừa là lợi thế trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn huy động; vừa gắn liền với vai trò bình ổn lãi suất thị trường, hỗ trợ, chia sẻ và thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho vay cho khách hàng.

Mới đây, nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế, Vietcombank cũng "đi đầu" thông báo giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản vay VND cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian từ 1/11/2022 đến hết 31/12/2022. 

Trước đó, Agribank cũng thông báo giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất cho vay đang áp dụng với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, lĩnh vực từ 1/12 đến 31/12/2022. 

Hơn 300.000 tỷ đồng vốn ngân sách "ứ đọng" tại NHNN

Số tiền lớn của kho bạc tồn tại các NHTM cho thấy hoạt động giải ngân nguồn vốn đầu tư công đang gặp trở ngại. 

Tại báo cáo gửi Quốc hội trong tháng 10, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong những năm gần đây, các khoản giải ngân từ ngân sách vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân ngân quỹ Nhà nước hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.

Chia sẻ tại talk show Đối thoại chuyên đề: “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô" vào cuối tháng 11, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, ước tính có khoảng 900.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đang “đóng băng” ở ngân hàng trung ương. Số tiềnmà Bộ Tài chính quản lý này gần như bị hút khỏi lưu thông và nằm bất động.

Chuyên gia đưa ra hai giải pháp trước mắt để cải thiện thanh khoản cho thị trường, đó là NHNN phải tính toán bơm đủ tiền để đảm bảo được GDP danh nghĩa hoặc Bộ Tài chính phải bơm vốn đầu tư công ra lưu thông.  

"Cách nhanh nhất là với 300.000 tỷ đang gửi ở 4 ngân hàng quốc doanh thì để cho họ cho vay ra thị trường như một kênh tín dụng thông thường. Ngân sách cũng có thể tạm ứng trước cho các dự án đầu tư công đã có nhà đầu tư trúng thầu để họ triển khai dự án", theo TS. Lê Xuân Nghĩa.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Trong số đó vốn trong nước đạt 60,25% (cùng kỳ năm 2021 đạt 69,19%), vốn nước ngoài đạt 27,99% (cùng kỳ năm 2021 đạt 21,51%).

Tuy nhiên vẫn còn 27 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% như TP HCM đạt 25%, Hà Giang đạt 31,4%, Cao Bằng đạt 32,6%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hon-300000-ty-dong-tien-ngan-sach-dong-bang-tai-cac-ngan-hang-quoc-doanh-2022125163629779.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/