Hơn 103 triệu liều vắc xin sẽ về Việt Nam từ nay đến cuối năm

Bên cạnh phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung nâng cao năng lực hệ thống, phát triển công nghiệp dược để trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022.

Hơn 103 triệu liều vắc xin sẽ về Việt Nam từ nay đến cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 11/9. (Ảnh: VGP).

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 11/9, Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua, tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương. Cụ thể, Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 27%, Long An giảm 3%. 

Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP HCM giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%, báo Chính phủ đưa tin.

Tình hình dịch tại TP HCM trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên hai tiêu chí là số mắc trong cộng đồng và số tử vong. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới, TP HCM sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong. Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong tiếp tục giảm.

Đến nay, trên cả nước, số ca khỏi bệnh là 338.000 (chiếm 59% số mắc). Tỷ lệ tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực; có 28 tỉnh chưa có ca tử vong.

Về vắc xin, hiện số lượng đã nhận là hơn 34 triệu liều, đã thực hiện tiêm được hơn 27 triệu liều. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có thêm khoảng 103,4 triệu liều vắc xin về Việt Nam. 

Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vắc xin cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Từng bước nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu trong thời gian tới, giảm thấp nhất số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu, nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thời gian giãn cách. 

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tránh hai khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch. Đây là bài học từ thực tiễn trong nước và ngoài nước.

“Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất 1 triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. 

Thủ tướng cũng yêu cầu thống nhất một ứng dụng trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Ông cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc trang bị ngay điện thoại bàn tại các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch các cấp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động hơn nữa trong chuẩn bị vắc xin cho năm tới và cho trẻ em. Xem xét, tính toán kỹ việc phân bổ vắc xin theo thứ tự ưu tiên, thực sự linh hoạt, phù hợp, khoa học, an toàn, hiệu quả. 

Bộ này cũng được giao hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vắc xin, xét nghiệm và điều trị. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng để trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022 và phát triển công nghiệp dược.

Cùng với đó, Bộ Y tế chủ trì, xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hon-103-trieu-lieu-vac-xin-se-ve-viet-nam-tu-nay-den-cuoi-nam-20210911160911031.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/