Hỗ trợ ngành đường nhưng không bảo hộ mù quáng

Bộ Công Thương cho biết sẽ hỗ trợ ngành đường nhưng không bảo hộ mù quáng. Để ngành đường có thể bứt phá, cạnh tranh sòng phẳng với khu vực cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, làm sao cho cả hai bên đều có lợi.

Vị "đắng" của mía

Nếu như giai đoạn 2008 - 2012, nông dân mua được xe hơi nhờ cây mía thì giai đoạn 2015 - 2019, họ điêu đứng bởi thiên tai, hạn hán khiến năng suất kém và giá thu mua giảm.

Thông tin từ hội thảo "Để mía không đắng" do báo Người lao động tổ chức cho hay nhiều năm nay người trồng mía liên tục nếm vị "đắng" khi giá bán giảm, chi phí sản xuất tăng kéo theo diện tích trồng mía ngày càng bị thu hẹp.

Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tác động kép của biến đổi khí hậu, miền Tây hạn mặn, miền Trung khô cạn khiến diện tích mía 3 niên vụ giảm liên tiếp, từ hơn 190.000 ha niên vụ 2018-2019 còn gần 129.000 ha niên vụ 2020-2021.

Ngành đường được hỗ trợ nhưng không bảo hộ mù quáng - Ảnh 1.

Thiên tai từng tàn phá vùng nguyên liệu mía ở các tỉnh Nam Trung Bộ. (Ảnh: TTXVN)

Diện tích mía đang giảm mạnh ở một số vùng nguyên liệu lớn. Điển hình như ở tỉnh Khánh Hòa, niên vụ 2020-2021, tỉnh quy hoạch 11.000 ha trồng mía nhưng do nắng hạn và vấn đề giá cả khiến diện tích sản xuất thực tế chỉ còn hơn 9.000 ha.

"Dù sản lượng 446.000 tấn được hai công ty sản xuất đường được bao tiêu 100% nhưng những năm gần đây nông dân không còn sức tái đầu tư vì giá mía xuống quá thấp. Bên cạnh đó, nắng nóng, mưa lũ cũng làm năng suất cây mía giảm mạnh, chỉ đạt 50-60 tấn/ha", đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa chia sẻ tại hội thảo.

Tại thủ phủ mía Phú Yên với hơn 29.000 ha, 20.000 hộ gia đình tham gia trồng mía, giá mía đường xuống thấp đã làm hiệu quả của cây mía không như trước.

Mặt khác, ông Bạch Văn Sơn, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết giá bán mía không ổn định, người trồng không có lãi hoặc lãi rất ít trong khi khâu thu hoạch thủ công chiếm đến 25% chi phí giá thành, phương tiện vận chuyển hạn chế nên tốn nhiều thời gian, công lao động.

Tại Hậu Giang, chỉ có một nhà máy Phụng Hiệp hoạt động nhưng chỉ sản xuất duy nhất mặt hàng đường, chưa sử dụng các phụ phẩm từ mía để chế biến để nâng cao giá trị.

Những tín hiệu lạc quan của ngành mía đường

Với ngành công nghiệp mía đường, áp lực từ Hiệp định ATIGA, nhập khẩu đường không hạn ngạch trong khu vực ASEAN đã khiến ngành đường Việt không thể cạnh tranh về giá với đường Thái Lan được hậu thuẫn, bán phá giá.

Cơn bĩ cực của ngành mía đường chỉ thực sự qua đi khi Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, nông dân yên tâm sản xuất. 

Tuy vậy những vấn đề như nhập lậu, đường Thái Lan lẩn tránh thuế bằng việc đi đường vòng qua các nước, đổ về Việt Nam vẫn còn tồn tại.

Ngành đường được hỗ trợ nhưng không bảo hộ mù quáng - Ảnh 2.

Nông dân trồng mía phấn khởi khi giá mía tăng. (Ảnh: Huyện Chiêm Hóa)

Ông Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết sau quyết định của Bộ Công Thương, vụ ép mía năm nay sôi động trở lại, giá mía nguyên liệu cao nhất lên đến 1,4 triệu/tấn.

Với mức giá này, nông dân có lãi và cây mía có thể cạnh tranh với các cây trồng khác, ngành đường có thể đạt mục tiêu 2 triệu tấn/năm.

"Nông dân hiện nay sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đường ASEAN. Chúng tôi tiếp cận nông nghiệp 4.0 qua điện thoại thông minh, máy tính", ông Võ Văn Út, người trồng mía tại tỉnh Phú Yên chia sẻ.

Tuy vậy, để ngành mía sớm phục hồi, người dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường đều mong muốn Bộ Công Thương sớm hoàn thành điều tra vụ lẩn tránh cho đường Thái Lan vòng qua Indonesia, Lào, Malaysia,… về Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, kiểm soát đường nhập lậu, đường lỏng, cần có chính sách "đặc biệt" cho sản phẩm đường Philippines.

Hỗ trợ ngành đường nhưng không bảo hộ mù quáng

Đánh giá về triển vọng của ngành đường trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhận định vòng thị trường của sản phẩm mía đường có dao động mạnh mẽ. 

Giá đường thế giới hiện nay đang có xu hướng hồi phục sau khoảng thời gian giảm sâu, lên tới 507 USD/tấn và sẽ tiếp tục biến thiên, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, nông dân.

Cục trưởng cho rằng trong 5-10 năm tới, ngành đường Việt Nam cạnh tranh sẽ có thể sòng phẳng với khu vực. Giải pháp đầu tiên và căn bản nhất là phải hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

Ngành đường được hỗ trợ nhưng không bảo hộ mù quáng - Ảnh 3.

Nguồn: Hiệp hội Đường Việt Nam.

Ngoài sự đổi mới của nông dân, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng doanh nghiệp cần chủ động hiệp thương với bà con nông dân để có giá mía hợp lý, phân chia lợi nhuận phù hợp để họ yên tâm sản xuất, phục hồi diện tích.

Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, đầu tư đổi mới về công nghệ để thích ứng trong bối cảnh mới.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ hỗ trợ ngành đường vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng không có nghĩa là bảo hộ mù quáng.

Nói về mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng: "Cần tách bạch ngành mía với ngành đường, không đánh đồng vì bản chất khác nhau, không nhất thiết phụ thuộc lẫn nhau".

Nông dân không làm mía có thể làm cái khác có hiệu quả hơn, để không quá phụ thuộc nhà máy đường. Nhưng, nhà máy không có mía chắc chắn phá sản, do đó các nhà máy phải coi nông dân là khách hàng, hợp tác trên tinh thần cao nhất để họ tiếp tục đồng hành với mình.

Do đó, doanh nghiệp cần đưa ra giá mua hợp lý cho người nông dân vì bình quân giá thu mua 1 triệu đường/tấn hiện nay chưa phải là cao. Người nông dân cũng phải nắm được giá đường để có căn cứ đàm phán giá với doanh nghiệp. 

"Ngoài ra, ngành đường cần trung thực với chính mình, tránh đổ lỗi cho đường nhập lậu, đổ lỗi cho hội nhập làm chúng ta khó khăn", Thứ trưởng Khánh nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ho-tro-nganh-duong-nhung-khong-bao-ho-mu-quang-20211110125849575.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/