Highlands Coffee, Phở 24 đổi thay ra sao sau khi về tay công ty Philippines?

Highlands Coffee và Phở 24 sau khi về tay Tập đoàn Jollibee của Phillippines tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh và cạnh tranh với các hãng khác trên thị trường cùng phân khúc.

Highlands Coffee và Phở 24 đều là những thương hiệu Việt Nam có độ nhận diện thương hiệu lớn. Sau một thời gian gia nhập thị trường, cả hai đều "về chung một nhà" với Jollibee - một công ty tới từ Phillippines.

Cho tới nay, Highlands Coffee và Phở 24 đều đã có những hướng đi riêng của mình, dần có dấu hiệu phục hồi sau cú sốc từ đại dịch COVID-19.

Phở 24 liên tiếp mở hơn chục cơ sở mới trong 3 tháng

Highlands Coffee, Phở 24 giờ ra sao sau khi bán mình cho công ty Philippines? - Ảnh 1.

Một cửa hàng Phở 24 khai trương tại TP HCM hôm 6/2. (Ảnh: Phở 24).

Thương hiệu Phở 24 được sáng lập bởi ông Lý Quí Trung, một thành viên sáng lập Tập đoàn Nam An Group chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp, với số vốn 1 tỷ đồng. Cửa hàng đầu tiên chào thị trường vào tháng 6/2003, tọa lạc trên đường Nguyễn Thiệp, quận 1, TP HCM.

Sau khi ra mắt công chúng, thương hiệu này đã tạo ra sức hút mới khi món phở được phục vụ tại nhà hàng sang trọng, có điều hòa cho khách hàng. Một thời gian sau, hệ thống liên tiếp mở rộng ra khắp TP HCM và các thành phố sầm uất như Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang... và cả ở nước ngoài như Indonesia, Nhật Bản theo hình thức nhượng quyền.

Trong cuốn tự truyện của mình có tên "Bầu trời không chỉ có màu xanh", ông Lý Quí Trung chia sẻ sau gần 10 năm mở rộng chuỗi, đã có lúc tổng số cửa hàng cả trong và ngoài nước đã vượt qua con số 70. "Coi như trung bình mỗi năm chúng tôi mở thêm khoảng 6-7 cửa hàng mới", nhà sáng lập viết.

Highlands Coffee, Phở 24 giờ ra sao sau khi bán mình cho công ty Philippines? - Ảnh 2.

Hình ảnh món phở bò cùng nước hầm xương được giới thiệu trên trang web của Phở 24. (Ảnh: Phở 24).

Tuy vậy, những bất cập trong khâu quản lý hệ thống nhượng quyền như sự không đồng bộ về chất lượng giữa các cơ sở nhượng quyền, những lỗ hổng lớn trong đội ngũ nhân sự... và đặc biệt là thiếu vốn đã khiến ông Trung phải đưa ra quyết định cực kỳ khó khăn.

Ở giai đoạn Phở 24 cần vốn đầu tư mới để nâng cấp toàn bộ hệ thống cửa hàng hiện hữu, cơ cấu lại mô hình kinh doanh, đổi mới thương hiệu và quảng cáo, thì quỹ đầu tư VinaCapital phải thoái vốn, bản thân ông Lý Quí Trung muốn "tự lực cánh sinh", tránh vay vốn ngân hàng khi kinh doanh.

Điều này đã dẫn đến kết cục Phở 24 phải chắp bút ký giấy chuyển nhượng cho CTCP Việt Thái Quốc Tế (VTI), đơn vị sở hữu thương hiệu Highlands Coffee, với giá 20 triệu USD vào tháng 11/2011.

"Người đứng đầu của công ty này cũng là một người Việt và có lòng tin mãnh liệt vào món phở và thương hiệu Phở 24. Tôi hy vọng rằng với kinh nghiệm kinh doanh chuỗi sẵn có, cộng thêm lực lượng chuyên gia quốc tế hùng hậu và một nguồn vốn dồi dào mà họ đã huy động được, Phở 24 sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường mà tôi đã đặt những viên gạch đầu tiên", ông Trung viết trong cuốn tự truyện.

Khi cửa hàng thứ 64 ra mắt thị trường vào giữa tháng 12/2012, ông Thái Phi Điệp (David Thái), Chủ tịch VTI, đã tuyên bố mở rộng quy mô lên 1.000 cửa hàng và khai trương tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang... theo báo Vietnamnet đưa tin.

Thế nhưng chỉ ít lâu sau, VTI đã bán 50% cổ phần Phở 24 cho Tập đoàn Jollibee của Philippines với giá 25 triệu USD. Cho tới hết tháng 12/2019, Phở 24 chỉ còn lại hơn 20 cửa hàng trong nước.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, hiện tại CTCP Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Phở Hai Mươi Bốn là đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống Phở 24, trong đó ông David Thái là tổng giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật của đơn vị này.

Trong năm 2019, Phở 24 ghi nhận doanh thu 119 tỷ đồng, tăng 48% so với năm trước đó. Mặt khác, công ty cũng liên tiếp báo lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2016-2019. Cụ thể, năm 2016, công ty báo lỗ 17 tỷ đồng, trong ba năm tiếp theo, số lỗ ngày càng tăng thêm, lần lượt là 20 tỷ đồng năm 2017, 30 tỷ đồng năm 2018 và tới năm 2019 là 33 tỷ đồng.

Highlands Coffee, Phở 24 giờ ra sao sau khi bán mình cho công ty Philippines? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của CTCP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phở Hai Mươi Bốn (Phở 24). (Bảng biểu: Tường Vy).

Tuy vậy, kể từ tháng 9 năm ngoái cho tới nay, Phở 24 liên tục khai trương 15 cơ sở ở TP HCM tại các vị trí đẹp ở trung tâm thành phố, khu chung cư và trung tâm thương mại. Trên trang web của Phở 24, các địa chỉ cửa hàng Phở 24 hiện tồn tại 36 điểm, chủ yếu ở TP HCM và một ở Bình Dương.

Ngoài ra, Phở 24 còn ba địa điểm khác là sân bay Nội Bài (Hà Nội) khai trương năm 2018, sân bay Quốc Nội Đà Nẵng (Đà Nẵng) khai trương năm 2017 và địa chỉ 165 Lê Hồng Phong, phường 8, TP Vũng Tàu mới mở cửa đón khách năm ngoái. Như vậy, tính tới hết tháng 3 này, Phở 24 hiện có 39 cơ sở kinh doanh.

Highlands Coffee trở thành chuỗi cà phê có doanh thu cao nhất thị trường Việt

Highlands Coffee, Phở 24 giờ ra sao sau khi bán mình cho công ty Philippines? - Ảnh 2.

Biển hiệu Highlands Coffee ở Cột Cờ Hà Nội. (Ảnh: Thư Hiền).

Nổi tiếng với ly cà phê đậm chất Việt và không gian thưởng thức đồ uống kiểu Mỹ, Highlands Coffee cũng gắn liền với cái tên David Thái với giấc mơ thành lập một chuỗi cà phê hiện đại, đồng thời tận dụng lợi thế văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt Nam và là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.

Trước khi Highlands Coffee chính thức có hai cửa hàng đầu tiên tại TP HCM và Hà Nội năm 2002, ông David Thái thành lập Tập đoàn Việt Thái quốc tế (VTI) và cho ra đời thương hiệu Highlands Coffee từ năm 1999. Trước khi bắt đầu kinh doanh chuỗi, sản phẩm đầu tiên của thương hiệu này là các gói cà phê được bán tại Thủ đô.

Highlands Coffee, Phở 24 giờ ra sao sau khi bán mình cho công ty Philippines? - Ảnh 5.

Cà phê và Freeze của Highland Coffee. (Ảnh: Thư Hiền).

Cho tới năm 2012, Tập đoàn Jollibee của Philippines đã chi 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh ở Hong Kong của tập đoàn VTI do ông David Thái sở hữu, theo báo cáo hàng năm của Jollibee Foods. Khi đó, Highlands Coffee đã có khoảng 50 cửa hàng.

Mặt khác, Jollibee đồng ý cho VTI vay thêm 35 triệu USD với lãi suất 5%, thanh toán trong năm 2016, để VTI có thể dùng cho đầu tư tương lai.

Ở thời điểm đó, Highlands Coffee không gặp khó khăn gì về tài chính nhưng vẫn phải chia sẻ quyền lực với đối tác do áp lực cạnh tranh với "ông lớn" Starbucks (Mỹ) du nhập vào thị trường Việt với tham vọng tận dụng tâm lý sính ngoại của khách hàng nội địa.

Theo thông tin chúng tôi có được, CTCP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên là đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng đồ uống Highlands Coffee tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2019, Highlands Coffee ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Highlands Coffee, Phở 24 giờ ra sao sau khi bán mình cho công ty Philippines? - Ảnh 6.

Kết quả kinh doanh của CTCP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên (Highlands Coffee). (Bảng biểu: Tường Vy).

Cụ thể, trong năm 2019, Highlands Coffee ghi nhận doanh thu 2.199 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2018 (đạt 1.628 tỷ đồng), năm 2017 công ty đạt 1.237 tỷ đồng doanh thu, 2016 là 840 tỷ đồng.

Trong năm 2019, chuỗi cà phê báo lãi 55 tỷ đồng, giảm 44,6% so với năm 2018 (99,4 tỷ đồng). Tuy vậy, công ty liên tục báo lãi trong 4 năm liên liếp, theo đó lợi nhuận sau thuế cộng dồn các năm 2016-2019 đạt 301 tỷ đồng.

Trong năm 2020, các chuỗi cửa hàng đồ uống chịu tác động lớn do dịch COVID-19, hàng loạt cơ sở Highlands Coffee phải đóng cửa hoặc giãn cách xã hội. Tuy vậy, hệ thống vẫn phục vụ mang đi và triển khai đặt đồ uống qua các ứng dụng như Nowfood, Grabfood...

Đồng thời, hệ thống khai trương thêm 3 cửa hàng tại TP HCM và Hải Phòng vào cuối tháng 6. Hiện nay, chuỗi cửa hàng cà phê này đang có hơn 350 cơ sở trên khắp cả nước.

Theo số liệu năm 2019, Highlands Coffee đang là chuỗi cà phê có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam. Tiếp ngay sau đó là Starbucks (783 tỷ đồng) hay The Coffee House (863 tỷ đồng).

Nói về các đơn vị đồng quản lý Highlands Coffee, Tập đoàn VTI của ông David Thái gián tiếp sở hữu thương hiệu cà phê này cùng các thương hiệu khác như Phở 24, Hard Rock Café thông qua CTCP SF Vũng Tàu (sở hữu 100% vốn CTCP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên). 

Trong khi đó, sau khi mua lại 49% bộ phận kinh doanh của VTI tại Việt Nam, vào tháng 5/2017, Jollibee Group thông qua một công ty con của Việt Nam là SuperFoods nâng tỷ lệ sở hữu tại SF Vũng Tàu lên 60%.

Theo công bố gần đây từ tờ Bloomberg, Jollibee Foods Corp, đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng lớn nhất Philippines, đồng thời là công ty mẹ của chuỗi Highlands Coffee, đã ghi nhận khoản lỗ đầu tiên trong vòng 30 năm trở lại, trị giá 11,5 tỷ peso (~236 triệu USD), chủ yếu là do tình hình kinh doanh tại các thị trường nước ngoài ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đứng trước thách thức và khó khăn, Jollibee hiện đang có kế hoạch tái cơ cấu và dự kiến trong năm nay mở thêm 450 nhà hàng trên khắp thế giới, đồng thời tìm kiếm các thương vụ M&A có thể đầu tư bằng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn trong quỹ tiền 57,5 tỷ peso (~1,2 tỷ USD) của Jollibee Foods.

Dự kiến, khoảng 80% cửa hàng mới trong năm 2021 của Jollibee Foods nằm ở các thị trường như Trung Quốc, Bắc Mỹ và Đông Nam Á.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/highlands-coffee-pho-24-doi-thay-ra-sao-sau-khi-ve-tay-cong-ty-philippines-2021031812031413.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/