Vốn hóa Quý Châu Mao Đài vượt qua Tencent: Trung Quốc coi trọng rượu hơn công nghệ?

Tại Trung Quốc, hãng rượu Quý Châu Mao Đài lại có giá trị thị trường lớn hơn cả gã khổng lồ công nghệ Tencent sau gần hai năm chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình siết chặt quản lý với ngành công nghệ.

Quý Châu Mao Đài là loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc. (Ảnh: Nelson Ching/Bloomberg).

Nghịch lý tại Trung Quốc

Mọi người sẽ nói gì về đổi mới sáng tạo của Mỹ và nền kinh tế dưới thời Tổng thống Joe Biden nếu công ty beer lớn nhất của Mỹ là Anheuser-Busch InBev có vốn hóa lớn hơn Apple?

Nhiều khả năng là sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp cả. Và suy nghĩ này cũng là một điều nực cười. Vốn hóa của Apple đang là 2.200 tỷ USD, gấp gần 28 lần so với 80 tỷ USD của AB InBev.

Nhưng đây lại chính xác là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Tháng trước, hãng rượu nổi tiếng của Trung Quốc, Quý Châu Mao Đài (Kweichou Moutai) đã vượt qua Tencent, trở thành công ty có giá trị cao nhất trên thị trường chứng khoán với vốn hóa hơn 300 tỷ USD.

Điều gì đã xảy ra? Tencent là một trong những doanh nghiệp công nghệ sáng tạo và thành công nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Công ty này đã phát triển ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội WeChat, nền tảng thanh toán trực tuyến WePay của hãng chỉ đứng sau Alipay đến từ Alibaba. Trong khi đó, Quý Châu Mao Đài lại chỉ là doanh nghiệp bán các loại đồ uống có cồn.

Giá cổ phiếu của Tencent đã trượt dài trong năm 2022.

Nguyên nhân của nghịch lý

Theo Financial Times, chính trị dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình là nguyên nhân khiến sự việc không tưởng này có thể xảy ra.

Quay lại hai năm trước, vào ngày 24/10/2020 tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đã chỉ trích các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước vì sự bảo thủ và lười biếng. Ông Ma cho rằng các ngân hàng có truyền thống bỏ bê các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Jack luôn hiểu rằng trong một thị trường được thống trị bởi các tập đoàn lớn và công ty nhà nước, công nghệ có thể là công cụ cân bằng tuyệt vời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Brian Wong, cựu Giám đốc cao cấp của Alibaba, viết trong một cuốn sách sắp xuất bản về công ty.

“Nhiệm vụ thực sự của ông là mang cơ hội ra ngoài giới tinh hoa [bằng cách] xây dựng một nền tảng giúp các doanh nhân bị lãng quên phát triển, cạnh tranh và lan tỏa thịnh vượng trên cơ sở công bằng hơn những gì mà Trung Quốc đã từng trải qua”, ông nói thêm.

Thật không may cho các cổ đông của Alibaba, điều ông Ma nói đã không phù hợp với chính sách của Trung Quốc. Những vị khách quan trọng tại diễn đàn bao gồm Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, kiến trúc sư của chiến dịch chống tham nhũng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng như một số nhà quản lý tài chính cấp cao.

Chỉ trong 15 ngày sau lời chỉ trích của Jack Ma, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) từ tập đoàn tài chính Ant Group của ông Ma đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc hủy bỏ.

Màn IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group có lẽ đã trở thành kỷ lục thế giới. Nhưng kể từ bài phát của Jack Ma, giá cổ phiếu của Alibaba đã sụt giảm hơn 75%. Trong khi vốn hóa của Tencent và Quý Châu Mao Đài đang ngang nhau và cùng đạt trên 300 tỷ USD, vốn hóa của Alibaba chỉ còn lại 198 tỷ USD.

 

Khuyến khích tinh thần đổi mới

Trong cuốn sách của mình, ông Wong tiết lộ về niềm đam mê và tài năng của ông chủ cũ. Vào những năm 2011, Alibaba đã vượt mặt hệ thống bưu chính của Trung Quốc. Vào “Ngày độc thân” 11/11, “[Bưu điện Trung Quốc] đã mất hàng tháng để hoàn thành việc giao các đơn hàng được đặt vào ngày hôm đó”.

Ông Ma quyết định sẽ phát triển một bộ phận giao hàng của Alibaba. Và kết quả là Cai Niao, có nghĩa là “tân binh” trong tiếng Trung Quốc xuất hiện và tạo ra cuộc cách mạng trong ngành logistics.

Sau sự xuất hiện của Cai Niao, một nhà máy ở Quảng Đông hiện có thể giao một chiếc điện thoại di động cho khách hàng cách đó 2.400 km trong ba ngày và với chi phí chỉ 2,08 USD. Ông Wong cho biết để vận chuyển “một gói hàng tương tự bằng dịch vụ UPS từ Boston đến Reno với khoảng cách gần tương đương sẽ có giá gấp 10 lần”.

Vào ngày 16/10/2022, ông Tập phát biểu trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng “chúng tôi sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, hành động nhanh hơn để giúp các công ty Trung Quốc đứng đầu thế giới và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”.

Tencent và các giám đốc điều hành của Alibaba có thể phản bác tuyên bố này bằng những trải nghiệm cay đắng trong hai năm qua. Còn vận may của Quý Châu Mao Đài cũng có thể sẽ sắp kết thúc.

Kể từ khi vượt qua Tencent với tư cách là công ty có giá trị nhất Trung Quốc, giá cổ phiếu giao dịch tại Thượng Hải của Quý Châu Mao Đài đã giảm khoảng 8%. Một phần của sự sụt giảm này là do tin đồn rằng ông Tập có thể cấm uống rượu tại các cơ quan Đảng và chính phủ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hang-ruou-trung-quoc-co-von-hoa-lon-hon-dai-gia-cong-nghe-tencent-20221018153634240.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/