Hạn ngạch (Quota) là gì? Các trường hợp được phép áp dụng hạn ngạch

Hạn ngạch (tiếng Anh: Quota) được hiểu là biện pháp quản lí của nhà nước qui định trực tiếp lượng hàng hoá được phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu nhằm thực hiện mục tiêu bảo hộ.

quota-logo-qquota-color-535x6403

Hình ảnh minh họa. Nguồn: quotainternationalfortcollins

Hạn ngạch (Quota)

Định nghĩa

Hạn ngạch trong tiếng anh gọi là Quota. Hạn ngạch là giới hạn tối đa về khối lượng (hoặc giá trị) hàng hóa được phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu trong một thời kì (thường là một năm).

Đặc điểm

- Tính pháp lí không cao, không minh bạch và dễ bị biến tướng

- Thời gian thông thường áp dụng hạn ngạch là một năm

Các thuật ngữ liên quan

Rào cản hành chính, pháp lí là các qui định hành chính, pháp lí được Chính phủ sử dụng nhằm kiểm soát (ngăn cản hoặc khống chế) hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, qua đó điều tiết thương mại quốc tế, bảo hộ sản xuất trong nước, hoặc gây áp lực đối với các đối thủ cạnh tranh

Các rào cản hành chính pháp lí thường sử dụng như: Cấm xuất khẩu hoặc cấm nhập khẩu, hạn ngạch, giấy phép xuất nhập khẩu.

Các trường hợp cho phép áp dụng hạn ngạch

Điều XI - CATT/1994 đã qui định các quốc gia không được sử dụng biện pháp hạn ngạch, vì các lí do: không minh bạch, dễ bị biến tướng, tạo cơ hội phát sinh các tiêu cực ...

Ví dụ: Hạn ngạch bị biến tướng dưới các tên gọi: Quản lí theo kế hoạch, quản lí theo chuyên ngành, quản lí có điều kiện...

Tuy nhiên, tại Điều XVIII - GATT/1994, Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) cho phép được áp dụng hạn ngạch trong các trường hợp đặc biệt sau:

- Nhằm hạn chế tạm thời, ngăn ngừa, khắc phục sự khan hiếm trầm trọng về lương thực, thực phẩm hay sản phẩm thiết yếu khác

Ví dụ: Hạn ngạch xuất khẩu gỗ, than, gạo…

- Nhằm bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán.

Khi sự thâm hụt nghiêm trọng về dự trữ tiền tệ, hoặc có số dự trữ quá ít, cần thiết phải nâng cao mức dự trữ lên một mức hợp lí.

- Các nước đang phát triển có thể áp dụng hạn ngạch trong chương trình trợ giúp của chính phủ về đẩy mạnh phát triển kinh tế, hoặc hạn chế để bảo vệ cho một số ngành công nghiệp.

Ngoài ra, hạn ngạch còn được áp dụng trong các trường hợp như:

- Bảo vệ đạo đức xã hội

- Bảo vệ sức khỏe con người

- Bảo vệ động vật quí hiếm

- Xuất nhập khẩu vàng bạc, tài sản quốc gia liên quan đến văn hóa nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, tài nguyên thiên nhiên khan hiếm.

Các điều kiện kèm theo

Khi sử dụng hạn ngạch, WTO yêu cầu các thành viên phải thực hiện các điều kiện kèm theo

- Hạn chế sản xuất hay tiêu dùng trong nước.

- Cam kết không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thành viên khác, đồng thời phải dần nới lỏng các biện pháp này khi kinh tế đã khôi phục, sau đó dỡ bỏ hoàn toàn nhằm thực hiện nguyên tắc chung của WTO.

- Do tính pháp lí không cao và thời gian thông thường chỉ một năm trở lại, nên khi áp dụng hạn ngạch, các quốc gia phải công bố thời gian cụ thể và những thay đổi nếu có.

Các loại hạn ngạch đặc biệt

Hạn ngạch thuế quan (Tariff Quota) là chế độ phân biệt về thuế quan theo lượng hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Có hai loại thuế suất, trong đó

- Thuế suất 0% hoặc thuế suất thấp cho khối lượng trong hạn ngạch (thuế quan ưu đãi).

- Thuế suất cao cho khối lượng vượt hạn ngạch.

Sự chênh lệch giữa hai mức thuế suất thường khá cao.

Hạn ngạch quốc tế là hạn ngạch sử dụng trong các hiệp hội ngành hàng để khống chế khối lượng hàng hóa xuất khẩu của các nước hội viên, nhằm giữ giá ổn định cao trên thị trường quốc tế, bảo vệ quyền lợi chung cho các thành viên thuộc hiệp hội.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/han-ngach-quota-la-gi-cac-truong-hop-duoc-phep-ap-dung-han-ngach-20190806172317015.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/