Hạn hán đang làm tổn thương các nền kinh tế lớn nhất thế giới

Hạn hán nghiêm trọng trên khắp Bắc bán cầu, trải dài từ các trang trại ở California (Mỹ) đến các tuyến đường thuỷ ở châu Âu và Trung Quốc, đang tiếp tục làm rối loạn chuỗi cung ứng và kéo giá lương thực cũng như năng lượng lên cao.

Hạn hán tồi tệ nhất hàng trăm năm

Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, hàng loạt khu vực trên khắp cả nước đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài lâu nhất kể từ năm 1961. Doanh nghiệp chế tạo tại nhiều nơi phải ngừng hoạt động do thiếu thuỷ điện.

Cùng lúc, hạn hán đang hoành hành tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức và Italy. Nhà khoa học khí hậu Andrea Toreti tại Trung tâm Nghiên cứu chung của Uỷ ban châu Âu (EU) đánh giá đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua.

Tương tự, Wall Street Journal dẫn một nghiên cứu của Đại học California cho thấy, tại miền tây nước Mỹ, trận hạn hán bắt đầu cách đây hai thập kỷ có vẻ là đợt hạn nghiêm trọng nhất trong 1.200 năm.

Một bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy lòng sông Gia Lăng đang khô cạn. Gia Lăng là một nhánh chính của sông Dương Tử ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock).

Các nhà khoa học cho biết các đợt hạn hán năm nay một phần liên quan tới La Niña. Đây là một hiện tượng khí hậu theo chu kỳ, khiến các khu vực ở châu Âu, Mỹ và châu Á có ít mưa hơn.

Họ nói sự nóng lên toàn cầu đã làm tăng mức độ gây thiệt hại của La Niña. Ông Isla Simpson, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ, cho biết bầu khí quyển ấm hơn hút nhiều độ ẩm từ mặt đất hơn, qua đó làm tăng nguy cơ hạn hán.

La Niña thường kéo dài từ 9 tới 12 tháng, nhưng đây đã là năm thứ hai của đợt La Niña hiện tại. Các nhà khoa học tại Cục Quản lý Khí quyền và Đại dương Quốc gia Mỹ dự kiến ít nhất là tháng 2 năm sau thì đợt La Niña này mới kết thúc.

Đối với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, hạn hán trong mùa hè này đã gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề như sản xuất điện, nông nghiệp, chế tạo và du lịch. Điều đó càng làm khuếch đại những căng thẳng hiện có của nền kinh tế toàn cầu như gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng - thực phẩm tăng cao.

Nhìn xa hơn, tác động của đợt hạn hán và nắng nóng kéo dài hiện nay đối với các lĩnh vực như du lịch, sản xuất và nông nghiệp có thể trở thành lực cản lâu dài đối với xếp hạng tín nhiệm của chính phủ các nước Nam Âu, theo Moody’s Investors Service.

 

Kinh tế oằn mình dưới nắng hạn

Ở châu Âu, các con sông lớn như Rhine của Đức và Po của Italy đóng vai trò là huyết mạch cho hoạt động thương mại. Mức nước trên sống đều đang ở mức thấp lịch sử, khiến các nhà sản xuất phải cắt giảm các lô hàng vận chuyển qua sông.

Chưa kể, mực nước sông đi xuống cũng làm giảm sản lượng thuỷ điện trên khắp lục địa già. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến một lựa chọn thay thế quan trọng cho khí đốt tự nhiên, trong bối cảnh Nga đang siết nguồn cung khí đốt sang châu Âu.

Hạn hán đã buộc Pháp phải giảm sản lượng tại nhiều nhà máy điện hạt nhân vì nước sông để làm nguội các lò phản ứng đang quá ấm, Wall Street Journal ghi nhận.

Một con đập khô hạn ở Tây Ban Nha đã vô tình làm lộ ra những "cột đá Stonehenge" có lịch sử hơn 7.000 năm. (Ảnh: Pleonr). 

Đức - nước châu Âu tiêu thụ nhiều khí đốt của Nga nhất, dự kiến sẽ đốt nhiều than đá hơn để sản xuất điện, nhưng nước sông Rhine quá thấp khiến tàu thuyền khó vận chuyển mặt hàng này.

Ông Andrew Kenningham - kinh tế trưởng về thị trường châu Âu tại công ty tư vấn Capital Economics, đánh giá: “Tình hình đang gây hại cho Đức hơn bất cứ nơi nào khác”.

Ngoài ra, tuyết rơi ít hơn ở thượng lưu (tại dãy Alps của Thuỵ Sỹ) và lượng mưa giảm ở hạ lưu đã kéo tụt lưu lượng nước sông ở đồng bằng sông Rhine tại Hà Lan.

Nước biển từ đó xâm nhập vào hệ thống đập của Hà Lan, làm chậm hoạt động giao thông vận tải trên sông và thấm vào các hồ chứa được sử dụng để trữ nước uống và nước cho nông nghiệp.

Một trang trại khô cằn gần sông Salton, California. California là khu vực nông nghiệp lớn nhất tại Mỹ. (Ảnh: Getty Images). 

Ở Mỹ, băng tan ít hơn ở vùng núi Sierra Nevada (bang California) đã làm giảm mạnh nguồn cung cấp nước trong khu vực - “trái tim” của ngành nông nghiệp nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các quan chức tại quận Westlands Water ở Thung lung Trung tâm - vùng nông nghiệp quan trọng nhất của bang, cho biết khoảng một phần ba trong khoảng 600.000 mẫu đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang trong năm nay vì thiếu nước.

Mực nước sông Colorado đã sụt giảm nhiều đến mức Cục Khai hoang Mỹ hồi giữa tháng 8 đã tuyên bố tình trạng thiếu nước năm thứ hai liên tiếp. Các khu vực như Arizona, Nevada và Mexico do đó bị cắt nước bắt buộc năm thứ hai liên tiếp.

Tại quận Yuma (bang Arizona) - vùng sản xuất chính cho rau diếp, rau cải xanh và các loại rau khác, nông dân dự đoán doanh thu từ lĩnh vực nông nghiệp sẽ bị thiệt hại 10%. Năm trước, doanh thu từ ngành này là khoảng 3,4 tỷ USD.

Mực nước sông Trường Giang xuống thấp khiến các pho tượng phật được cho là đã 600 năm tuổi lộ diện. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Ở miền trung và tây nam Trung Quốc, các nhà chức trách đã tuyên bố hạn hán ở 6 khu vực cấp tỉnh. Các địa phương này chiếm khoảng 25% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc vào năm ngoái.

Tỉnh Tứ Xuyên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lượng mưa thấp hơn, vì tỉnh này phụ thuộc rất nhiều vào thuỷ điện. Nhiệt độ tăng cao khiến nhu cầu sử dụng điều hoá không khí bùng nổ, có nguy cơ gây quá tải cho lưới điện.

Hôm 14/8, chính quyền địa phương đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp cao nhất trong bối cảnh nguồn cung điện eo hẹp. Nhiều nhà máy buộc phải tạm đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất cho đến ngày 18/8 nhằm để dành nguồn điện phục vụ dân sinh.

Các hạn chế trên đã ảnh hưởng đến một số nhà sản xuất toàn cầu như Foxconn, Volkswagen và Toyota Motor; cũng như các nhà sản xuất lithium, phân bón và thiết bị quang điện.

Tesla đã yêu cầu chính quyền Thượng Hải giúp đảm bảo các nhà cung ứng của họ có đủ nguồn điện để sản xuất. Hãng xe điện này cho biết 16 trong số các nhà máy đối tác đã không thể hoạt động hết công suất.

Mực nước dọc theo một số đoạn của sông Dương Tử - con sông dài nhất và đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành thuỷ điện, vận tải và nông nghiệp của Trung Quốc, đã tụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử, Bộ Tài nguyên Nước cho hay.

Tại Hán Khẩu thuộc thành phố Vũ Hán, mực nước giữa tuần trước của con sông là khoảng 4,7 m - thấp hơn một nửa so với mức trung bình trong lịch sử, theo Cục An toàn Hàng hải sông Dương Tử.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/han-han-dang-lam-ton-thuong-cac-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-2022822155510175.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/