Grab sa thải nhân sự, đóng cửa một dịch vụ ở Indonesia

Theo Grab, dịch vụ này đã chứng kiến sự tăng trưởng không nhất quán trong 4 năm hoạt động tại Indonesia, dẫn tới việc siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore buộc phải đưa ra quyết định đóng cửa.

Gã khổng lồ công nghệ của khu vực Đông Nam Á là Grab chuẩn bị đóng cửa hoạt động kinh doanh bếp ăn đám mây tại thị trường Indonesia, GrabKitchen, từ ngày 19/12, theo Tech in Asia.

Trong một tuyên bố của Grab được Tech in Asia tổng hợp, công ty có trụ sở tại Singapore cho biết GrabKitchen đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng không nhất quán trong suốt 4 năm hoạt động, bao gồm cả việc chuyển sang mô hình kinh doanh dựa trên tài sản.

“Tình hình kinh doanh của GrabKitchen buộc chúng tôi phải đưa ra một quyết định khó khăn, đó là đóng cửa hoạt động của mảng dịch vụ này ở thị trường Indonesia”, Mayang Schreiber, Giám đốc truyền thông của Grab Indonesia cho biết.

 Grab đóng cửa GrabKitchen tại Indonesia. (Ảnh: Grab).

Công ty cũng cho biết việc đóng cửa GrabKitchen sẽ ảnh hưởng đến khoảng 10 - 20 nhân viên Grab. Một số người trong số họ đã được đề nghị chuyển sang các bộ phận khác, trong khi những người khác bị sa thải, công ty thông bá.

Những người bị ảnh hưởng bởi việc sa thải từ đợt đóng cửa dịch vụ GrabKitchen tại Indonesia sẽ nhận được khoản tiền bồi thường và thực hiện các nghĩa vụ theo đúng quy định về luật lao động của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.

Các nhân viên này cũng sẽ nhận được một khoản bồi thường thêm, gia hạn bảo hiểm y tế, giải ngân quỹ nhân viên linh hoạt, giải ngân số ngày nghỉ phép còn lại, hỗ trợ tư vấn và được tham gia các chương trình đào tạo.

Tính đến năm 2020, GrabKitchen đã có mặt tại 48 điểm trên khắp Indonesia. Grab trước đó cho biết họ không có kế hoạch thực hiện việc sa thải hàng loạt trong bối cảnh kinh tế hiện tại, khi nhiều công ty công nghệ khác đã cắt giảm việc làm để giảm thiểu chi phí.

Siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore này cũng đã công bố mục tiêu đạt mức hòa vốn trên cơ sở EBITDA được điều chỉnh theo nhóm vào giai đoạn khoảng nửa cuối năm 2024.

GrabKitchen, hay còn được biết đến là mô hình bếp chung, gần như chỉ dành cho những người muốn dùng bữa với thực phẩm chất lượng như ngoài nhà hàng, nhưng ở nơi làm việc hoặc tại nhà.

Bếp chung còn là mô hình ra đời nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực giao đồ ăn, vốn đang diễn ra ở Đông Nam Á và Grab là doanh nghiệp tiên phong. "Kì lân" Grab lần đầu thử nghiệm mô hình bếp chung tại Indonesia. Từ đó đến nay, Grab đã nhân rộng mô hình sang Việt Nam, Thái Lan và Singapore.

Hồi tháng 10/2019, khu bếp chung GrabKitchen do Grab đầu tư tại quận Thủ Đức (TP HCM) đã vận hành sau một tháng thử nghiệm. Đến cuối năm 2019, Grab đã mở ra hơn 50 khu bếp chung GrabKitchen ở Đông Nam Á.

Ngành công nghiệp "bếp trên mây” trên toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn 12% mỗi năm để đạt đến mốc 139,37 tỷ USD tới thời điểm năm 2028, theo một báo cáo của Research And Markets. Trong đó, khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm khoảng 60% dung lượng thị trường.

Với nhiều thành phố đông đúc dân cư ở Châu Á Thái Bình Dương, nơi không gian sống cực kỳ đắt đỏ, việc ăn uống bên ngoài từ các nhà hàng giá rẻ có thể có chi phí thấp hơn việc tự nấu nướng ở nhà.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/grab-sa-thai-nhan-su-dong-cua-mot-dich-vu-o-indonesia-2022102375421800.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/