Grab kiến nghị sửa quy định để đóng bảo hiểm xã hội cho tài xế

Grab đề xuất bổ sung quyền lợi cho bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là thêm các quyền lợi cơ bản như: Thai sản hay bệnh nghề nghiệp,… và bổ sung các kênh đóng và phương thức đóng để người lao động dễ dàng tham gia bảo hiểm xã hội.

Đề xuất tại Hội thảo "Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới" diễn ra ngày 30/11, bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc đối ngoại của công ty Grab tại Việt Nam cho biết, cần có chính sách an sinh xã hội cho các cá nhân tham gia kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo bà Trang, hiện tài xế của Grab được coi là đối tác không phải người lao động nên các chính sách an sinh xã hội chưa được quan tâm.

"Cho đến nay, các tài xế được coi là đối tác của Grab, tuy nhiên, chúng tôi rất trăn trở cơ chế an sinh xã hội dành cho họ. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19, những tài xế này không có thu nhập và cũng không được hưởng các chính sách hỗ trợ dành cho người lao động", bà Trang nói.

Bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc đối ngoại của công ty Grab tại Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Đại diện Grab cho hay, tuy hiện nay đã có bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện nhưng chúng tôi nhận thấy những quyền lợi chưa thực sự phù hợp với nhu cầu, đặc điểm nghề nghiệp và thu nhập của các cá nhân làm việc tự do hay tham gia vào các mô hình kinh tế chia sẻ.

Hiện quyền lợi của mô hình này rất hạn chế chỉ có hưu trí hay tử tuất và không có các quyền lợi như ốm đau, thai sản, tai nạn hay bệnh nghề nghiệp.

Điều này gây tâm lý ngần ngại khi tài xế phải trích một phần thu nhập ra đóng bảo hiểm tự nguyện thay vì được công ty khấu trừ tại nguồn. Bên cạnh đó, hiểu biết của tài xế về bảo hiểm tự nguyện còn rất thấp.

Do đó, Grab đề xuất bổ sung quyền lợi cho bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là thêm các quyền lợi cơ bản như: Thai sản hay bệnh nghề nghiệp,… và bổ sung các kênh đóng và phương thức đóng để người lao động dễ dàng tham gia bảo hiểm xã hội.

Grab đang có tới gần 200.000 tài xế công nghệ. (Ảnh: TTXVN).

Bên cạnh đó, Grab cũng đề nghị Chính phủ triển khai thêm các chính sách thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ. Trong hai năm vừa qua, các giải pháp cho nền kinh tế chia sẻ chưa thực sự nhiều và hiệu quả với doanh nghiệp.

Tại Singapore, họ có khuôn khổ hành động về kinh tế số, Thái Lan thì có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội số, Malaysia cũng có kế hoạch phát triển về kinh tế số. Những hoạt động này góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về kinh tế chia sẻ, bà Trang cho hay.

Theo một nghiên cứu giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng, cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (môtô, ôtô) của Grab, 50% số này tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.

Phần lớn lao động là người ngoại tỉnh, có xuất thân tương đối đa dạng như lái xe truyền thống, lao động tự do, sinh viên, công nhân, tiểu thương… Ngoài ra, khoảng 2/3 lao động đã có gia đình và 60% phải kiếm tiền nuôi dưỡng từ 2 người trở lên.

Trung bình, thời gian làm việc của tài xế môtô là 9,2 giờ/ngày, thu nhập tương ứng 318.000 đồng/ngày (khoảng 7 triệu đồng/tháng) còn lái ôtô là 11,2 giờ/ngày, thu nhập tương ứng 564.000 đồng/ngày (khoảng 12 triệu đồng/tháng).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/grab-kien-nghi-sua-quy-dinh-de-dong-bao-hiem-xa-hoi-cho-tai-xe-2022113016751908.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/