Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý

Tại phiên họp bất thường sáng nay 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhất trí với việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra mà Chính phủ đề xuất trước đó.

Theo thông tin từ Quốc hội, sáng nay 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.



Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo đó, báo cáo cho biết, theo dự báo sẽ có từ 2 - 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của dịch COVID-19. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Do đó, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với qui mô dự kiến khoảng 62.000 tỉ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quĩ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau, trong thời gian tối đa 3 tháng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Báo cáo của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội gửi đi trước phiên họp cũng cho thấy sự nhất trí cao với sự cần thiết của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và khẳng định đây là chính sách được người dân, doanh nghiệp rất quan tâm.

Trong đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sử dụng 20.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019 của ngân sách trung ương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trường hợp không sử dụng hết thì chuyển về dự phòng ngân sách trung ương năm 2020. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình  Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ tổng thể nguồn tăng thu và nguồn còn lại của của ngân sách trung ương năm 2019 theo qui định.

Về đối tượng thụ hưởng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đến việc bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.

Về mức hỗ trợ, ý kiến của Ủy ban về Các vấn đề xã hội băn khoăn về việc chia 2 mức là 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động do mức chênh lệch giữa 2 nhóm là khá lớn và việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động mà chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…

Về qui mô và nguồn lực hỗ trợ, nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị cân nhắc việc sử dụng 3.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động do hiện nay là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện các hoạt động đào tạo là chưa phù hợp.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Bên cạnh những ý kiến đã nêu, ông Hiển cũng khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá 3 tháng, nếu trong trường hợp phải kéo dài thì cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị những nội dung cần báo cáo về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua để báo cáo, xin ý kiến của Quốc hội tại kì họp thứ 9 sắp tới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/goi-ho-tro-62000-ti-dong-cho-nguoi-dan-anh-huong-boi-dich-covid-19-thuong-vu-quoc-hoi-co-ban-dong-y-20200408194350391.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/