Góc khuất đằng sau thành công của 'Amazon Hàn Quốc' - nơi công nhân bị coi như tay chân của trí tuệ nhân tạo

Coupang cam kết giao hàng nhanh hơn cả Amazon song cái giá mà các công nhân của nó phải trả là không nhỏ.

Sáng sớm ngày 12/10 năm ngoái, Jang Deok-joon, 27 tuổi, trở về nhà sau khi làm ca đêm tại công ty thương mại điện điện tử Hàn Quốc Coupang và đi tắm. Anh đã làm việc tại nhà kho của Coupang ở phía nam thành phố Daegu trong hơn một năm trở lại đây với nhiệm vụ chuyên chở các thùng đầy hàng sẵn sàng giao cho khách hàng đến các trung tâm giao hàng.

Đằng sau thành công của 'Amazon Hàn Quốc', nơi công nhân bị coi như tay chân của AI - Ảnh 1.

Coupang là một trong những công ty thương mại điện tử ấn tượng nhất Hàn Quốc với dịch vụ giao hàng nhanh hiếm có đối thủ nào theo kịp. (Ảnh: SCMP. Đồ hoạ: VietnamBiz).

Khi anh không ra khỏi nhà tắm sau hơn một tiếng rưỡi, cha của Jang Deok-joon mở cửa và thấy anh bất tỉnh, nằm cuộc tròn trong bồn tắm, hai tay ôm chặt ngực. Jang Deok-joon được chuyển tới bệnh viện cấp cứu với tình trạng không còn mạch và không thể tự thở. 9 giờ 09 cùng ngày, bác sỹ cho biết anh đã tử vong. Nhân viên điều tra đưa ra kết luận anh qua đời vì một cơn đau tim.

Jang là công nhân thứ ba của Coupang qua đời trong năm ngoái. Sự việc này làm tăng lên mối quan ngại về bản chất sự thành công của sàn thương mại điện tử này. Chỉ trong vòng một vài năm, Coupang đạt được thành công vang dội và trở thành nhà tuyển dụng lớn thứ ba ở Hàn Quốc với mạng lưới nhà kho rộng khắp, hơn 37.000 công nhân, đội ngũ tài xế và nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để khẳng định vị thế của mình trên thị trường thương mại điện tử ngày càng đông đúc tại Hàn Quốc.

Đằng sau thành công của 'Amazon Hàn Quốc', nơi công nhân bị coi như tay chân của AI - Ảnh 2.

Coupang rất phổ biến tại Hàn Quốc: một nửa dân số đã tải về ứng dụng của sàn thương mại điện tử này và dịch vụ "Rocket Delivery", với lời khẳng định có thể giao 99,3% đơn hàng trong vòng 24 giờ, thậm chí còn vượt trội hơn cả những gì Amazon có thể cung cấp.

Coupang sử dụng AI để cắt gắn thời gian giao hàng là một điểm nhấn cực kỳ đáng chú ý. Thuật toán độc quyền của Coupang có thể tính toán mọi thứ từ cách xếp hàng hiệu quả nhất trong thùng xe cho tới tuyến đường giao hàng chính xác nhất. Trong nhà kho, AI dự đoán việc mua hàng và tính toán thời gian vận chuyển cho các gọi hàng gửi đi. Chiến lược này giúp Coupang có thể cam kết giao hàng trong thời gian chưa đến một ngày cho hàng triệu mặt hàng, từ những chiếc khẩu trang giá chưa đến 1 USD cho tới những chiếc camera giá 9.000 USD.

Đằng sau thành công của 'Amazon Hàn Quốc', nơi công nhân bị coi như tay chân của AI - Ảnh 3.

Công nhân Coupang khởi động cho một ca làm việc tại nhà kho. (Ảnh: SCMP).

Những sự tiên phong này giải thích lý do Coupang tự tin nhận mình là "tương lai của thương mại điện tử" và là động lực cho màn ra mắt trên sàn Nasdaq (Mỹ) với định giá lên tới 84 tỷ USD. Coupang là công ty Châu Á IPO thành công nhất trên đất Mỹ kể từ thời của Alibaba vào năm 2014.

Thế nhưng những sự sáng tạo và hiệu quả này có ý nghĩa gì với các công nhân của Coupang? Giống Jang, người từng nói với mẹ mình rằng các nhân viên của Coupang bị đối xử như "đồ vật dùng một lần", một số nhân viên nhà kho và giao hàng cũng trải nghiệm việc mình trở thành "nạn nhân" của các thuật toán do Coupang phát triển. 

Một số người nói về cường độ làm việc cao với kỳ vọng đáp ứng được thời gian giao hàng "siêu nhân". Một số khác chia sẻ rằng thậm chí khó có thể đi vệ sinh được trong giờ làm việc.

Đằng sau thành công của 'Amazon Hàn Quốc', nơi công nhân bị coi như tay chân của AI - Ảnh 4.

Trước khi có màn IPO thành công trên đất Mỹ, Coupang là sàn thương mại điện tử tư nhân lớn thứ 3 thế giới, theo CB Insights. (Nguồn: CB Insights, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Vào năm 2014, khi Coupang bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng theo nhu cầu Rocket Delivery, sàn thương mại điện tử này hứa hẹn công việc ổn định với thu nhập cao hơn mức trung bình cho cả các công nhân làm việc tại vị trí thấp nhất. 

Dù vậy, thực tế cho thấy điều kiện làm việc đã bị đưa xuống mức mà nhà báo Hàn Quốc Kim Ha-young mô tả là "tay và chân của trí tuệ nhân tạo".

Môi trường làm việc của Coupang bị so sánh với Amazon, vốn cũng phải nhận rất nhiều chỉ trích. Được thành lập vào năm 2010, Coupang chuyển sang mô hình hoạt động trung tâm xử lý hàng hoá tương tự như Amazon vào năm 2014 và bằng cách này, Coupang cũng gặp phải các vấn đề tương tự với công ty của Jeff Bezos.

Điều giúp Coupang có thể triển khai được Rocket Delivery là tính chất chắc chắn. Thuật toán của Coupang sẽ tính toán chính xác thời điểm một lô hàng giao có thể rời nhà kho để tới tay người dùng đúng giờ. Ở nhà kho, thời hạn giao hàng đến mỗi hai giờ.

"Tôi nhận ra khi bắt đầu làm việc ở đây rằng ưu tiên duy nhất là đáp ứng thời hạn của Rocket Delivery", Go Geon, một cựu công nhân nhà kho, chia sẻ. "Chúng tôi là những con robot". Go xin tạm nghỉ việc tại Coupang hồi tháng 5 năm ngoái sau khi bị rách gân kheo bên trái trong lúc cố gắng hoàn thành thời hạn giao hàng. Về sau, anh bị công ty cho nghỉ việc.

Tương tự Amazon, Coupang sử dụng chỉ số "đơn hàng trên giờ" (UPH) để  tính toán năng suất lao động theo thời gian thực và duy trì nhịp độ làm việc cao. Mặc dù công nhân được nghỉ một giờ cho mỗi ca làm việc 8 tiếng, mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, một cựu tài xế của Coupang cho biết phần lớn công nhân đều làm việc trong giờ nghỉ để kịp thời hạn.

Đằng sau thành công của 'Amazon Hàn Quốc', nơi công nhân bị coi như tay chân của AI - Ảnh 5.

Năng suất lao động của các công nhân nhà kho Coupang được kiểm soát chặt chẽ. (Ảnh: SMCP).

Trong một email gửi tới SCMP, Coupang xác nhận không còn dùng chỉ số UPH để theo dõi tại nhà kho của mình. Dù vậy, một công nhân hiện tại nói rằng một số giám đốc nhà kho vẫn theo dõi công việc theo cách này công khai. "Họ hiếm khi dùng thuật ngữ UPH. Nhưng họ vẫn cho rằng bạn làm việc quá chậm, dựa vào một bằng chứng cụ thể nào đó", người này chia sẻ.

Trong đại dịch, mà từ đó Coupang được hưởng lợi rất nhiều, những thương vong liên quan đến nỗ lực đạt đến hiệu quả cao trong công việc ngày càng tăng tiến. Từ năm 2019 đến 2020, 982 trường trường chấn thương và tình trạng sức khoẻ tiêu cực tại Coupang được ghi nhận. Kể từ cơn đau tim của Jang, ba công nhân khác của Coupang đã qua đời vì lý do mà các nhà hoạt động lao động nhận định là làm việc quá sức. (Không có phán quyết chính thức nào về cái chết của họ).

Dù đã có những nghi ngại, hoạt động vận hành của Coupang không bị ảnh hưởng. Coupang thường tuyển dụng lao động trực tiếp thay vì thông qua bên thứ ba. Dù vậy, SCMP nói rằng phần lớn công nhân được thuê theo ngày thông qua một ứng dụng gọi là Coupunch, hoặc tuyển dụng theo các hợp đồng tạm thời có giá trị vài tháng.

Với những người phản đối, bị chấn thương hoặc không đáp ứng năng suất lao động, Coupang sẽ dừng gia hạn hợp đồng. Về phần mình, Coupang khẳng định tuân thủ theo luật lai động và tỷ lệ gia hạn hợp đồng lên tới hơn 90%. Dù vậy, đã có trường hợp toà án đưa ra kết luận rằng Coupang đã sa thải một công nhân thiết công bằng sau khi người này đệ trình một hồ sơ liên quan đến chất thương do công việc.

"Họ nói rõ từng đầu rằng nếu bạn gây ra bất kỳ vấn đề nào, bạn sẽ không được gia hạn hợp đồng", Jeon Woo-oak, một cựu nhân viên nhà kho Coupang, chia sẻ.

Đằng sau thành công của 'Amazon Hàn Quốc', nơi công nhân bị coi như tay chân của AI - Ảnh 4.

Park Mi-sook, mẹ của Jang, chia sẻ rằng Jang đăng ký ca làm việc đêm qua ứng dụng Coupunch. Anh luôn lo lắng vì tình trạng làm việc bấp bênh của mình. Dù vậy, Jang luôn hy vọng sẽ nhận được sự ưu ái của công ty và có thể nộp hồ sơ xin làm việc lâu dài. Vài tháng trước khi qua đời, Jang làm việc ca từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng và thường xuyên làm thêm giới. Có thời điểm anh làm việc 59 giờ mỗi tuần với mức lương tối thiểu khoảng 7,6 USD mỗi giờ. "Thông tin của Jang bị xoá bỏ hoàn toàn sau mỗi thời hạn qua đi", mà Park chia sẻ.

Năm 2019, khi Coupang đẩy mạnh hoạt động giao hàng đêm để đảm bảo người dùng có thể nhận được hàng vào 7 giờ sáng cho mỗi đơn hàng đặt vào buổi chiều hôm trước, số lượt thời hạn giao hàng trong mỗi ca làm việc đêm ở nhà kho Daegu tăng từ 3 lên 7. Jang giảm 14 kg kể từ khi làm việc tại Coupang từ tháng 6/2019. Bà Park nói rằng giảm cân quá nhanh khiến con bà có nếp nhăn trên mặt.

Đằng sau thành công của 'Amazon Hàn Quốc', nơi công nhân bị coi như tay chân của AI - Ảnh 7.

Hồi tháng 2, cơ quan chức năng chính thức kết luận Jang qua đời do làm việc quá sức. Coupang đưa ra lời xin lỗi đồng thời cam kết cải thiện điều kiện làm việc, trong đó có việc thường xuyên kiểm tra sức khoẻ công nhân.

Người đại diện Coupang khẳng định Jang là trường hợp duy nhất được xác nhận tử vong do công việc trong lịch sử công ty này. Coupang đồng thời nói rằng những đầu tư và tự động hoá trong nhà kho "làm tăng hiệu quả và giảm lượng công việc cho công nhân".

Ở Amazon, những phản ứng tương tự cũng được ghi nhận. Công nhân Amazon bức xúc vì bị điều hành bởi thuật toán. Họ bị kiểm soát qua ứng dụng trên điện thoại và bị sa thải qua tin nhắn. Tất cả đều quá sức chịu đựng, theo SMCP.

Tại Hàn Quốc, Coupang tận dụng các "lỗ hổng" trong luật lao động để duy trì các hợp đồng không có tính chắc chắn. Dù vậy, công nhân Amazon nói rằng vấn đề không phải là hợp đồng mà là lời cam kết thời gian giao hàng thiết thực tế của sàn thương mại điện tử này.

SCMP nhận định khả năng một công ty thương mại điện tử vốn phụ thuộc vào điểm mạnh là giao hàng nhanh chọn cách chậm lại là rất thấp. Bên cạnh đó, để cạnh tranh với Coupang, các đối thủ cũng sẽ đưa ra những lời cam kết giao hàng nhanh hơn và đặt thêm nhiều áp lực tới các công nhân.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/goc-khuat-dang-sau-thanh-cong-cua-amazon-han-quoc-noi-cong-nhan-bi-coi-nhu-tay-chan-cua-tri-tue-nhan-tao-20210717164429804.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/