Giới startup nước ngoài tìm công thức thành công ở thị trường chăm sóc sức khỏe Trung Quốc

Thị trường chăm sóc sức khỏe trực tuyến rộng lớn ở Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm của giới startup nước ngoài, và tìm ra mô hình tạo doanh thu phù hợp là chìa khóa để thành công.

Các công ty khởi nghiệp như Biofourmis từ thành phố Boston (Mỹ) đã cộng tác với các mô hình chăm sóc sức khỏe bản địa như Jianke. Sự hợp tác ấy tạo cơ hội cho công ty tiếp cận với số lượng khách hàng lớn hơn.

Điều trị trực tuyến là lĩnh vực đang nổi lên trong nền công nghiệp chăm sóc sức khỏe và hiện đang thu hút nhiều công ty nước ngoài đến Trung Quốc. Dịch vụ có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh mạn tính cũng như tiết kiệm chi phí điều trị cho họ.

Celina Chew, chủ tịch hãng Bayer (Đức) tại thị trường Trung Quốc, cho rằng: "Ở Trung Quốc, công nghệ điện tử sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong chất lượng điều trị bệnh nhân và giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe".

Giới startup nước ngoài tìm công thức thành công ở thị trường chăm sóc sức khỏe Trung Quốc - Ảnh 1.

Thị trường chăm sóc sức khỏe điện tử đã nhận được khoảng 15 tỉ USD từ nhà đầu tư mạo hiểm vào năm ngoái. Ảnh: Proteus Digital Health

          

Tiềm năng trong điều trị các bệnh lý mạn tính tại thị trường Trung Quốc là rất lớn khi nhiều thiết bị mới đã ra đời để phục vụ nhu cầu chăm sóc cho nhóm bệnh nhân này, nhưng việc tìm một đối tác phù hợp để xâm nhập thị trường lại không đơn giản. 

Đối tác cần hiểu rõ về cách vận hành của hệ thống chăm sóc sức khỏe và hệ thống chi trả đặc thù của địa phương, qua đó có khả năng tạo ra một mô hình tạo doanh thu khả thi.

Thị trường chăm sóc sức khỏe điện tử toàn cầu đã được tăng vốn đầu tư và đạt gần 15 tỉ USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm vào năm ngoái, theo Eugene Borukhovich - giám đốc toàn cầu trong lĩnh vực sức khỏe điện tử của Bayer.

Giới startup nước ngoài tìm công thức thành công ở thị trường chăm sóc sức khỏe Trung Quốc - Ảnh 2.

Biofourims hi vọng phần mềm điều trị điện tử của họ sẽ được các bệnh nhân tim mạch ở Trung Quốc sử dụng. Ảnh: Corbis

          

Ông phát biểu: "Trong thế giới chăm sóc sức khỏe trực tuyến phức tạp, mảng điều trị trực tuyến đang là ngôi sao sáng, và có thể đạt doanh thu quanh mức 10 tỉ USD trước năm 2025".

Shi Lei, phó chủ tịch của Eight Roads Ventures (quĩ đầu tư sở hữu của Fidelity International) đồng thời là chuyên gia trong đầu tư công nghệ y tế, cho rằng dù công nghệ cực kì phát triển, một công ty muốn kinh doanh ổn định tại Trung Quốc vẫn cần tìm ra một phương thức tiếp thị sản phẩm phù hợp.

"Ví dụ, trong khi ở những thị trường được bảo hiểm chi trả tốt, thiết bị theo dõi đường huyết 24 giờ mà bệnh nhân mang theo mọi lúc, thì ở Trung Quốc một năm bệnh nhân thường chỉ mua thiết bị này 2 đến 3 lần vào thời điểm giao mùa, hay khi thay đổi chế độ ăn, và thay đổi môi trường sống. Vì bệnh nhân Trung Quốc phải tự trả tiền, và thường chỉ mua được thiết bị này qua mạng".

Biofourims, start-up đến từ thành phố Boston, đang hi vọng rằng họ đã tìm ra con đường thương mại hóa đúng đắn. 

Mô hình phần mềm điều trị trực tuyến của công ty theo dõi bệnh nhân có các bệnh lý mạn tính phức tạp, và cung cấp cho họ các lời khuyên từ bác sĩ về thay đổi điều trị, đồng thời liên kết với các nhà thuốc online và các bác sĩ từ hệ thống của Jianke.

Jianke đã đầu tư vào Biofourmis, qua đó nâng tổng quỹ đầu tư tư nhân lên 35 tỉ USD.

Kuldeep, nhà sáng lập và Giám đốc vận hành của Biofourmis, nói với tờ South China Morning Post: "Chúng tôi sẽ cộng tác với các mô hình chăm sóc sức khỏe như Jianke để tiếp cận khách hàng". 

Anh nói rằng vì khách hàng của Jianke bao gồm các hãng dược và các bệnh viện trên toàn cầu, nên việc cộng tác sẽ giúp công ty phát triển rất nhanh.

Hiện tại công ty tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ, nơi nhiều thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở nhiều bệnh viện khác nhau, gồm cả Mayo Clinic – một bệnh viện hàng đầu tại Mỹ.

Rajput nói Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng cảm biến sinh học để thu thập các tín hiệu sinh lý của bệnh nhân, công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo này của Biofourmis có thể dự đoán suy tim 14 ngày trước khi bệnh nhân phải nhập viện hoặc cấp cứu.

Giới startup nước ngoài tìm công thức thành công ở thị trường chăm sóc sức khỏe Trung Quốc - Ảnh 3.

Kuldeep Rajput, nhà sáng lập và giám đốc vận hành mảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo dõi bệnh nhân của Biofourmis. Ảnh: Handout

          

Mô hình này sẽ đưa ra phác đồ phù hợp nhất, gồm các điều trị cụ thể, và gửi kế hoạch chăm sóc sức khỏe qua ứng dụng trên smartphone. Rajput kì vọng mô hình sẽ là liệu pháp điều trị điện tử suy tim đầu tiên được FDA chấp thuận cho tiếp cận thị trường vào đầu năm sau như một loại "thuốc điện tử" được kê cùng với các liệu pháp điều trị suy tim khác.

Biofourmis cũng làm việc với các hãng dược toàn cầu như Novartis hay Mundipharma để tích hợp phần mềm của công ty vào liệu trình điều trị cho nhiều bệnh khác nhau.

Ở Mỹ, cứ 4 bệnh nhân suy tim mạn thì một bệnh nhân sẽ phải tái nhập viện trong vòng 30 ngày từ khi ra viện, tiêu tốn hơn 30 tỉ USD/năm. 

Rajput cho rằng mô hình có thể giảm tỉ lệ tái nhập viện xuống còn 2/3, và thuốc cũng như thiết bị theo dõi có thể đáp ứng nhu cầu của 100.000 bệnh nhân tim mạch trong 2 năm tới.

Mô hình doanh thu hiện tại của Biofourmis sẽ hưởng chiết khấu nhất định từ giá tiền của gói dịch vụ. Trong tương lai, khi mô hình được công nhận là một loại "thuốc điện tử", nó cũng sẽ được chi trả bởi bảo hiểm, tượng tự như các loại thuốc đang được bảo hiểm khác.

Ở Trung Quốc, nơi khả năng chi trả của bảo hiểm y tế còn hạn chế, Biofourmis sẽ tiếp cận hai triệu bệnh nhân mắc bệnh mạn tính sử dụng mô hình chăm sóc sức khỏe điện tử để theo dõi điều trị và chi trả tiền thuốc.

Rajput hi vọng gần nửa triệu bệnh nhân Trung Quốc trong số mười triệu bệnh nhân suy tim mạn sẽ sử dụng sản phẩm của họ trong vòng 24 tháng tới, nhưng cũng thừa nhận rằng giá dịch vụ hiện tại sẽ là một thách thức.

Một nhà phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến từ nước ngoài khác đang tìm cách mở rộng sang Trung Quốc là Oxford VR, đã cộng tác với bảo hiểm AXA của Hong Kong, và đại học Trung Hoa của Hong Kong trong một chiến dịch tiếp thị ở Hong Kong, Macau và 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông.

Trường đại học đang tiến hành một thử nghiệm đánh giá hiệu quả và sự an toàn trong việc sử dụng công nghệ Thực tế ảo của Oxford nhằm kiểm soát việc xa lánh xã hội, chán nản và trầm cảm. Cơ quan chăm sóc sức khỏe Quốc gia của Anh đã phê chuẩn công nghệ ấy.

Barnaby Perks, CEO của Oxford VR trả lời tờ South China Morning Post: "Môi trường ở Hồng Kong rất khác với Anh nên chúng tôi đã thay đổi môi trường xung quanh như tòa nhà và cảnh vật để phù hợp với người dân bản địa và đánh giá phản ứng của họ", ông cũng nói thêm rằng công nghệ này sẽ hỗ trợ cả tiếng Anh và tiếng Quảng Đông.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gioi-startup-nuoc-ngoai-tim-cong-thuc-thanh-cong-o-thi-truong-cham-soc-suc-khoe-trung-quoc-20191102155609318.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/