Giới ngân hàng châu Âu và chiến dịch 'Amazon hóa' để sinh tồn

Các ngân hàng sẽ cần phải xây dựng giải pháp một cửa cho mọi nhu cầu tài chính của khách hàng, phát triển sản phẩm đặc thù cùng đổi mới thông qua các bên thứ ba.

Theo một báo cáo mới từ PwC Luxembourg và cơ quan phát triển tài chính của Luxembourg, khu vực dịch vụ tài chính của Châu Âu cần phải sáng tạo và tái cấu trúc mạnh mẽ để tồn tại và duy trì tính cạnh tranh.

Báo cáo được công bố gần đây trên CNBC kêu gọi các ngân hàng và nhà quản tài sản của Châu Âu, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và công ty bảo hiểm, chủ động thực hiện chiến dịch sao chép mô hình hoạt động của Amazon (Amazonization) do các nền tảng trực tuyến đã chuyển quyền lực vào tay người tiêu dùng nhiều hơn bao giờ hết.

Khu vực tài chính châu Âu đã mất chỗ đứng đáng kể so với các đối tác tại Mỹ và Trung Quốc trong thập kỉ qua. Kể từ năm 2007, ngành ngân hàng Trung Quốc đã tăng tỉ lệ vốn cấp một toàn cầu từ gần như con số 0 lên khoảng 53% trong khi thị phần của Châu Âu đã giảm từ 73% xuống 18%, báo cáo nêu rõ.

Các ngân hàng châu Âu hiện đang trải qua cuộc vật lộn để duy trì lợi nhuận. Các nhà nghiên cứu của PwC cũng nhận định rằng các quy định sắp tới sẽ thắt chặt những yêu cầu cho vay vốn đã nghiêm ngặt của họ.

Europe

Các ngân hàng châu Âu đang phải vật lộn trong cuộc cạnh tranh duy trì lợi nhuận và sự ảnh hưởng từ ngành tài chính bên ngoài. Ảnh: CNBC

"Amazonization"

Báo cáo nhấn mạnh rằng các nền tảng trực tuyến mới sẽ thống trị giao diện phục vụ khách hàng trong ngành dịch vụ tài chính, cung cấp khả năng tìm kiếm, mua bán và quản tương tự như Amazon. Sự thay đổi này giúp cải thiện mức độ minh bạch, so sánh dễ dàng và những tính năng mới, tác động trực tiếp đến bốn lĩnh vực chính của ngành dịch vụ tài chính.

Bank of America Merrill Lynch là một ví dụ về một đối thủ cạnh tranh ở Phố Wall đang tìm cách giành được tính độc quyền này. Vào tháng 10/2018, ông lớn này đã giới thiệu một cơ chế chuyển đổi khép kín bằng ứng dụng tích hợp khả năng môi giới quản đầu tư và ngân hàng bán lẻ.

Trong bối cảnh này, các ngân hàng sẽ cần phải chuyển đổi toàn bộ giải pháp giao dịch sang hệ thống một cửa cho khách hàng, tổng hợp các sản phẩm đặc trưng song song với đổi mới không ngừng thông qua các bên thứ ba.

Nghiên cứu này đưa ra kết luận tương tự một báo cáo được công bố vào tuần trước từ công ty tư vấn quản Bain & Company. Nhà nghiên cứu Mike Kuehnel nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư công nghệ và hợp tác nếu các ngân hàng châu Âu muốn bắt kịp với các đồng nghiệp ở Phố Wall.

"Tôi thấy nhiều ngân hàng có chiến thuật và cơ hội lớn để thay đổi. Họ đang bắt tay vào cải thiện các sản phẩm và dịch vụ khách hàng thông qua đầu tư công nghệ", Kuehnel nói với CNBC.

Một ví dụ điển hình là J.P. Morgan đang chi gần 11 tỉ USD hàng năm để cải tiến công nghệ là một phần trong chương trình thay đổi toàn bộ cơ cấu. Họ hiểu rằng kinh doanh không còn là vấn đề về duy trì hệ thống di sản sẵn có mà là đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ để thúc đẩy sự đổi mới.

Với ưu thế chính thống và khả năng tài chính bền vững, các trung tâm tài chính Châu Âu thời hậu Brexit đang buộc phải thích nghi với tư duy mới của khách hàng trẻ tuổi và sự phân cực ngày càng lớn.

John Parkhouse, đối tác cao cấp tại PwC Luxembourg, cho biết: "Trong bối cảnh ngành công nghiệp tài chính của Châu Âu đang bước vào giai đoạn sao chép mô hình của Amazon  (Amazonization) và giải quyết các vấn đề lớn như đổi mới, công nghệ ESG (môi trường, xã hội và quản trị), nhiều ngân hàng truyền thống phải tập trung đầu tư nếu họ muốn duy trì tính cạnh tranh ở quy mô toàn cầu".

Parkhouse cũng kêu gọi tăng cường các dịch vụ xuyên biên giới, nhấn mạnh vào cải cách và số hóa thông qua xây dựng liên minh thị trường vốn và ngân hàng EU (CMU) cũng như liên kết ở cấp quốc gia.

Hành động của EU

Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Pierre Gramegna cho rằng việc xây dựng CMU nên là ưu tiên hàng đầu bởi nó sẽ giúp đẩy nhanh việc thống nhất thị trường đơn lẻ và tăng khả năng tiếp cận nguồn cơ hội đầu tư và tài trợ quốc tế.

"Ở chiều ngược lại, Brexit không chỉ gia tăng mối quan hệ đoàn kết của các thành viên còn lại trong EU mà còn làm rõ lợi ích cho các công ty hay tổ chức trong mọi lĩnh vực, từ tài chính đến các ngành công nghiệp khác", Gramegna nói.

Cụ thể, nghiên cứu này lập luận rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ tạm thời làm giảm khả năng cạnh tranh của giới ngân hàng tại đây với các trung tâm tài chính toàn cầu như New York và Singapore trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ củng cố các trung tâm tài chính toàn châu Âu khác như Frankfurt, Paris, Amsterdam, Dublin và Luxembourg.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gioi-ngan-hang-chau-au-va-chien-dich-amazon-hoa-de-sinh-ton-20190912150301356.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/