Giáo sư Jeremy Siegel cảnh báo về cái giá đắt hơn cả suy thoái nếu Fed chờ lạm phát lõi về mức 2%

Theo nhận định của giáo sư Jeremy Siegel, lạm phát thực chất đang quay đầu đi xuống. Do đó, Fed có thể hành động quá đà nếu tiếp tục tăng lãi suất đến khi lạm phát lõi về mức 2%.

 

Giáo sư Jeremy Siegel thuộc Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania. (Ảnh: Getty Images).

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao, nhưng điều đó lại không đủ để thuyết phục giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Trên thực tế, ông Siegel cảnh báo rằng việc Fed quá tập trung vào dữ liệu lạm phát - vốn thường có độ trễ so với các đợt tăng lãi suất, có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào thảm hoạ.

Chia sẻ với CNBC hồi giữa tuần này, vị giáo sư cho hay: “Nếu Fed chờ đợi lạm phát lõi tụt xuống mức 2%, thì điều đó có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng (depression)”.

Ông Siegel nhấn mạnh rằng các thước đo lạm phát hàng đầu đang hạ nhiệt đáng kể, đặc biệt là trên thị trường nhà ở. Tuy nhiên, các tín hiệu tích cực này sẽ chưa thể thể hiện trong chỉ số lạm phát chính thức trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm tới.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước đó và 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai số liệu đều cao hơn dự đoán tương ứng là 0,2% và 8,1%, tờ Business Insider lưu ý.

 

Vị giáo sư cho hay: “Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên bởi báo cáo lạm phát tháng 9, vì số liệu quá buồn cười. Chúng không có ý nghĩa gì với tỷ lệ lạm phát thực tế. Thị trường nhà ở - hiện chiếm gần 50% chỉ số CPI lõi, đang hạ nhiệt nhiều nhất”.

Ông nhấn mạnh rằng tốc độ tăng giá thuê nhà đã chững lại đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và ông hiện dự đoán rằng giá nhà sẽ giảm tới 15% so với mức hiện tại khi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đi xuống vì lãi suất cho vay thế chấp lên cao hơn.

Giáo sư Siegel cho rằng Fed sắp sửa thắt chặt chính sách tiền tệ quá đà. Ngoài việc liên tục giảm quy mô bảng cân đối kế toán, ngân hàng trung ương Mỹ đang dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong hai cuộc họp tháng 11 và 12 năm nay.

Theo quan điểm của ông, tăng lãi suất như vậy là quá mạnh. Thực tế, Fed chỉ còn dư địa để tăng thêm 50 điểm cơ bản nữa. “Tôi nghĩ các điều kiện tài chính đang bị siết rất chặt. Theo tôi, Fed chỉ nên nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản...”, vị giáo sư cho hay.

“....nếu các nhà hoạch định chính sách tăng 75 điểm vào tháng 11 rồi lại thêm 75 điểm khác vào tháng 12 và tiếp tục thắt chặt vào năm 2023, thì tôi nghĩ họ sẽ hành động quá tay”, ông cảnh báo.

Thế khó của Fed hiện giờ chủ yếu là do họ nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức trong đại dịch. Nói cách khác, Fed đã quá dễ dãi khi giữ lãi suất gần mức 0% quá lâu trong thời kỳ dịch bệnh và đầu năm 2022, khi lạm phát có dấu hiệu đi lên.

Đáng lẽ, Fed phải thắt chặt chính sách sớm hơn, ông Siegel cho hay. Bây giờ, ngân hàng trung ương Mỹ đang điều chỉnh quá mức bằng các đợt tăng lãi suất mạnh tay, nhưng các thước đo hàng đầu cho thấy lạm phát đang quay đầu.

Và hành động của Fed có thể khiến nền kinh tế rơi vào tình cảnh nguy hiểm, không phải là suy thoái (recession) mà là khủng hoảng (depression), vị giáo sư nhận định.

Theo Investopedia, khủng hoảng xảy ra khi hoạt động kinh tế suy yếu trầm trọng và kéo dài. Khủng hoảng thường được định nghĩa là một cuộc suy thoái cực đoan kéo dài từ ba năm trở lên hoặc GDP thực tế sụt giảm ít nhất 10% trong một năm nhất định. Khủng hoảng thường ít xảy ra hơn suy thoái.

Trong lịch sử, Mỹ hiện chỉ trải qua duy nhất một cuộc khủng hoảng, chính là Đại Khủng hoảng (Great Depression) diễn ra từ năm 1929 đến khoảng năm 1933.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giao-su-jeremy-siegel-canh-bao-ve-cai-gia-dat-hon-ca-suy-thoai-neu-fed-cho-lam-phat-loi-quay-ve-muc-2-20221016083898.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/