Giám đốc ViCare: 'Khi tôi khởi nghiệp với ngành y, bố mẹ phản đối dù họ là bác sĩ'

Hiểu thách thức rất lớn trong ngành y tế, bố và mẹ của chàng giám đốc ViCare không muốn con khởi nghiệp trong ngành, dù họ đều là bác sĩ tâm huyết với nghề.

ViCare là một Công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực y tế, với sứ mệnh giúp người Việt đưa ra những quyết định y tế và chăm sóc sức khỏe tiện lợi nhất. Hai nhà đồng sáng lập gồm Phạm Anh Đức (giám đốc điều hành), và Bùi Anh Dũng (giám đốc công nghệ). Họ thành lập công ty vào giữa năm 2015 với số vốn 100.000 USD.

Là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực start-up, công việc của Đức rất thuận lợi trước khi anh bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Đức từng đảm nhận chức giám đốc điều hành công ty dịch vụ điện toán đám mây Nhanh.vn, giám đốc marketing toàn quốc của Lazada Việt Nam và tư vấn viên về vận hành và chiến lược trong mảng ngân hàng, dầu khí tại Tập đoàn tư vấn chiến lược McKinsey tại Singapore, Thái Lan và Indonesia.

giam doc vicare khi toi khoi nghiep voi nganh y bo me phan doi du ho la bac si
Phạm Anh Đức, người sáng lập ViCare, từng làm giám đốc tiếp thị của sàn thương mại điện tử Lazada. Ảnh: ViCare.

Đỗ vào ngành y nhưng không học, rồi lại khởi nghiệp với ngành y

Một thống kê của ngành y trong năm 2018 cho thấy cứ 10.000 dân chúng ta mới có 7,4 bác sĩ, nghĩa là một bác sĩ chăm sóc khoảng 1.351 người dân. Với tỷ lệ bác sĩ trong dân số thấp như thế, sức khỏe của người dân sẽ không thể được đảm bảo trong bối cảnh những dịch bệnh mới xuất hiện liên tục. Tình trạng phổ biến hiện nay là người dân thiếu các nguồn thông tin đáng tin cậy về bệnh, cách phòng ngừa, bác sĩ, cơ sở y tế.

“Y tế là một trong những lĩnh vực đang và sẽ tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam. Khi mức sống tăng và tỷ lệ người lớn tuổi trong dân số 95 triệu tăng, mức chi của dân cho y tế càng lớn. Đây là cơ hội rất tốt để khởi nghiệp với mảng y tế. Ngoài ra, bản thân tôi cũng thích ngành y. Tôi nghĩ, ngoài việc thỏa mãn đam mê, xây dựng một doanh nghiệp thành công cũng sẽ tạo ra ý nghĩa cho xã hội”, Đức nhận định.

Đức kể rằng, hai đấng sinh thành của anh đều là bác sỹ. Anh từng thi đỗ Đại học Y Hà Nội nhưng không học mà sang Đại học Ngoại thương. Sau đó, khi Đức trình bày ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực y khoa, điều khiến anh bất ngờ là bố, mẹ phản đối kịch liệt vì họ hiểu thách thức lớn mà anh sẽ gặp phải.

“Không thể ngăn cản ý chí của con, bố mẹ tôi trở thành hai người cố vấn tận tình, giúp tôi lường trước các vấn đề mà tôi sẽ gặp phải. Nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ, tôi có thể nhắm các vấn đề trong ngành một cách nhanh chóng và bài bản”, Đức kể.

giam doc vicare khi toi khoi nghiep voi nganh y bo me phan doi du ho la bac si
Giao diện trang web của ViCare. Ảnh chụp màn hình.

ViCare giúp mọi người truy cập thông tin về cơ sở y tế, các bác sĩ, triệu chứng bệnh, thông tin về thuốc, gói bảo hiểm sức khỏe, dịch vụ của các nhà cung cấp.

“Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu về cơ sở y tế và bác sĩ. Không có bất kỳ mô hình nào để bắt chước hay học hỏi, chúng tôi phải nghĩ ra nhiều sáng kiến trong quá trình thu thập thông tin. Chẳng hạn, Bộ Y tế quy định mọi cơ sở khám chữa bệnh phải công bố thông tin trên bảng thông báo. Vì thế, chúng tôi thuê hàng trăm cộng tác viên tới các trung tâm y tế, bệnh viện để chụp ảnh bảng tin. Đây là hành động hoàn toàn hợp pháp”, Đức kể.

Mặc dù vậy, quản lý và điều phối vài trăm cộng tác viên tới các cơ sở y tế ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác không phải là việc đơn giản. Đó là bài toán khó đầu tiên về quản lý con người mà Đức đối mặt.

Mô hình kinh doanh của ViCare không mới

Trước khi ViCare ra đời, nhiều trang thông tin liên quan đến phòng khám, bác sỹ đã xuất hiện trên thế giới như Practo của Ấn Độ hay Zocdoc của Mỹ. Ở Việt Nam, công chúng cũng biết tới Alobacsi, Easycare. Song chưa dịch vụ nào thực sự nổi bật và cung cấp thông tin một cách đầy đủ về các cơ sở y tế, bác sỹ, giúp người dùng có thể đưa ra quyết định khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Những thông tin y tế vẫn khá phân mảnh và nhỏ lẻ trên các diễn đàn, cơ sở dữ liệu về các cơ sở y tế cũng rất ít.

“Vừa thừa, vừa thiếu” thông tin, nghĩa là người bệnh thừa thông tin nhưng lại thiếu những thông tin xác thực và độc lập từ những bác sỹ, chuyên gia là nhận định về thị trường của hai người sáng lập Vicare. Không có thông tin toàn diện, quyết định đi khám ở đâu, chữa trị thế nào với người Việt vẫn thiên về cảm tính và chủ yếu vẫn thông qua sự giới thiệu của những người thân quen.

giam doc vicare khi toi khoi nghiep voi nganh y bo me phan doi du ho la bac si
Một câu hỏi và đáp giữa bệnh nhân và bác sĩ trên trang ViCare. Ảnh chụp màn hình.

Bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2016, hiện nay ViCare có dữ liệu về hơn 50 nghìn cơ sở y tế, gần 1.500 loại bệnh, hơn 43 nghìn bác sĩ và gần 22 nghìn loại thuốc cùng vài trăm gói bảo hiểm sức khỏe. Lượt truy cập web đạt 2.300.000 mỗi tháng.

Những người ở vùng nông thôn thường truy cập Vicare để tìm hiểu thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ rồi đặt lịch khám bệnh. Việc đó giúp họ chủ động hoàn toàn trong quá trình khám và trị bệnh.

Một bác sĩ hợp tác với ViCare nhận định sự phổ biến của những nền tảng kết nối y tế sẽ không làm giảm vai trò của bác sĩ, mà giúp họ tập trung thời gian, công sức vào những việc cần thiết hơn.

"Ví dụ, nhiều người bệnh không cần gặp bác sĩ sau khi nghe tư vấn, giảm cả thời gian và công sức cho cả hai bên. Ngược lại, bác sĩ có thể phát hiện sớm những bệnh nhân cần điều trị gấp, giúp họ tăng cơ hội khỏi bệnh", vị bác sĩ nói.

Hồi đầu năm nay, Tạp chí Forbes Việt Nam xếp Phạm Anh Đức trong danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam. Sau đó anh tiếp tục xuất hiện trong danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giam-doc-vicare-khi-toi-khoi-nghiep-voi-nganh-y-bo-me-phan-doi-du-ho-la-bac-si-113040.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/