Giá lúa rục rịch tăng, doanh nghiệp thu mua nhỏ giọt

Giá lúa tươi tại ĐBSCL tăng từ 100 - 300 đồng/kg tùy loại song người dân vẫn chưa hết lo. Sản lượng thu mua còn thấp do doanh nghiệp khó khăn về vận chuyển lưu thông và tiếp cận vốn vay của các ngân hàng.

Lưu thông ở cấp càng thấp, càng khó khăn

Theo Bộ Công Thương, giá lúa tươi tại ĐBSCL cập nhật ngày 16/8 có xu hướng tăng từ  100 - 300 đồng/kg tùy loại. Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khả quan hơn song sản lượng thu mua chưa nhiều.

Trong cuộc họp của Bộ NN&PTNT với 13 Sở các tỉnh, thành phố ĐBSCL về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến tỉnh phải tiếp tục giãn cách đến ngày 30/8.

Một số địa phương tồn đọng lúa nhiều thuộc vùng đỏ, gây khó khăn cho việc lưu thông, kết nối doanh nghiệp. Hiện nay việc giấy xét nghiệm COVID-19 chỉ có hiệu lực trong 72 giờ tạo áp lực thời gian cho các ghe thu mua lúa.

Bên cạnh đó, dù Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vượt hạn ngạch, ảnh hưởng đến năng lực thu mua của doanh nghiệp.

"Long An kiến nghị Bộ có văn bản về tỉnh, có chỉ đạo nhất quản về vận chuyển đi lại, xuất khẩu. Bởi, doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tỉnh cần giải quyết tồn đọng vụ Đông Xuân trước và vụ Hè Thu đang thu hoạch", đại diện tỉnh Long An nói.

Hiện nay, lúa gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ. Do đó, việc tạo luồng xanh đường thủy cũng sẽ góp phần giúp các thương nhân thu mua, xuất khẩu gạo, duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết trên địa bàn TP Cần Thơ có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 26 doanh nghiệp đảm bảo sản xuất 3 tại chỗ nhưng công suất công suất giảm 50%.

Các địa phương trong vùng đều áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên các ghe chưa có luồng xanh vận chuyển trong khi mỗi tỉnh có cách làm khác nhau ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu mua lúa gạo của thương lái và doanh nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp, thương lái phản ánh đi thu mua lúa gạo rất khó khăn vì phải test COVID-19, quy định về luồng xanh, thủ tục mỗi tỉnh mỗi khác.

"Bộ cần ý kiến với Bộ Giao thông và các tỉnh cấp giấy lưu thông như luồng xanh đối với xe vải. Đồng thời, cần thành lập đường dây nóng giữa các tỉnh để tháo gỡ cho các thương lái doanh nghiệp khi qua các chốt ở địa phương.

Bây giờ có những quy định ngặt nghèo, lực lượng thu mua khó khăn nhưng không biết gọi ai không biết gọi ai để được hỗ trợ", ông Nhơn nói.

Trước phản ánh của địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết sau các buổi kết nối tiêu thụ, tình hình tiêu thụ nông sản cơ bản được giải quyết nhưng nặng gánh nhất vẫn là lúa gạo, giá tăng nhưng chưa đạt kỳ vọng, tốc độ thua mua còn chậm.

"Dù Chính phủ có nhiều văn bản tránh không sông cấm chợ, tạo ra hông suốt thị trường nhưng vẫn còn ách tắc chỗ này chỗ kia, càng cấp thấp càng khó khăn.

Chúng ta quá trung thành với chữ 3 tại chỗ thành ra xã cũng tại chỗ, huyện tại chỗ, đường làng tại chỗ. Điều này khiến việc vận chuyển hàng hóa thông tuyến trên nhưng kẹt tuyến dưới".

Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến của địa phương báo cáo Chính phủ, tháo gỡ những khó khăn kịp thời. Về lâu dài, Bộ định hướng xây dựng cổng thông tin trực tuyến 970 kết nối chuỗi sản xuất, cập nhật thông tin, năng lực sản xuất, tiêu thụ HTX, doanh nghiệp thu mua và các địa phương.

Giá lúa tăng, người dân vẫn chưa hết lo

Không chỉ vấn đề lưu thông, nhiều tỉnh phía Nam thực hiện giờ giới nghiêm khiến việc thu hoạch lúa mùa cao điểm bị gián đoạn, thời tiết thất thường ảnh hưởng đến chất lượng gạo.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết tỉnh đã thu hoạch xong 81% diện tích lúa Hè Thu. Trong hai tuần qua giá lúa tăng 200 – 500 đồng/kg nhưng đang có xu hướng chững lại.

"Nguyên nhân là số lượng các doanh nghiệp vào thu mua giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, chưa tương xứng với sản lượng. Nếu tình trạng này kéo dài đến tháng sau sẽ ảnh hưởng đến vụ lúa Thu Đông sớm vào cuối tháng 9 và cao điểm tháng 10, 11.

Vấn đề kết nối chưa tốt có thể khiến hơn 1 triệu tấn lúa Thu Đông có nguy cơ gặp khó", ông Lâm nói.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết sau khi Bộ NN&PTNT trao đổi với Ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp bắt đầu vào thu mua, giá lúa tăng 100 – 200 đồng/kg song vấn đề tiêu thụ còn khá chậm do vấn đề vận chuyển.

Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cho phép thương lái thu mua hoạt động trong khoảng thời gian 18 – 5h, đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu.

"Lúa đang trong vụ thu hoạch rộ nhưng vào mùa mưa, nếu thương lái chờ đến sáng để thu mua thì ảnh hưởng đến chất lượng lúa, dễ bị lên mầm", đại diện Sở NN&PTNT Kiên Giang nói.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết mỗi ngày tổ công tác 970 kết nối tiêu thụ khoảng 500 tấn nông sản các loại nhưng thực tế còn nhiều nơi khó khăn, chưa kết nối được với tổ.

 "Liên kết sản xuất mới là vấn đề tất yếu cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng khó thu hoạch.

Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện tối đa cho các thương lái và doanh nghiệp vào thu mua lúa trên địa bàn", Thứ trưởng Nam nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-lua-ruc-rich-tang-doanh-nghiep-thu-mua-nho-giot-20210817185320693.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/