Giá khí đốt tăng, thị trường phân bón tại Anh rơi vào khủng hoảng

Giá khí đốt tăng mạnh đẩy giá phân bón tại Vương quốc Anh tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, các chuyên gia dự báo nguy cơ nước này phải nhập khẩu phân bón rất cao.

Thiếu hụt nguồn cung phân bón vì giá khí tăng

Theo Finalcial Times, giá khí đốt tăng cao đã buộc hai nhà máy phân bón lớn của Anh phải đóng cửa, làm dấy lên những cảnh báo về sự thiếu hụt phân bón amoni nitrat có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm khi giá năng lượng kỷ lục bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

CF Industries Holdings Inc., tập đoàn phân bón lớn cho biết giá khí đốt tự nhiên tăng cao buộc nhà máy tại các khu chế xuất ở Teesside và Cheshire (Vương quốc Anh) phải tạm dừng hoạt động và chưa biết khi nào sẽ hoạt động trở lại.

Nhà máy này có khoảng 600 lao động và có thể cung cấp 40% phân bón cho thị trường này.

Ông Tom Bradshaw, Phó chủ tịch Liên minh Nông dân Vương quốc Anh cho rằng thị trường phân bón đã biến động mạnh, vô cùng hỗn loạn khi hai nhà máy của CF đóng cửa. Giá phân bón tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, nguy cơ nhập khẩu phân bón rất cao.

Các nhà phân tích cho biết ngành phân bón đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng do giá khí đốt tăng lên gần mức kỷ lục ở châu Âu và châu Á.

Amoni nitrat, một trong những loại phân bón được sử dụng phổ biến nhất thế giới, được sản xuất bằng amonia có nguồn gốc từ khí đốt tự nhiên. Song, giá khí đốt tự nhiên gần đây tăng nhanh hơn mức mà các nhà sản xuất phân bón có thể chuyển vào giá bán thành phẩm.

Ngay cả Yara, một trong những công ty phân bón lớn nhất thế giới cũng phải phải linh hoạt tạm thời cắt giảm sản lượng vì giá khí đốt lên đỉnh.

"Thị trường phân bón Vương quốc Anh sẽ gặp phải vấn đề lớn nếu những nhà máy này ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian.

Một tháng thì có thể xoay xở được. Nhưng nếu kéo dài 2 – 3 tháng, nó sẽ gây ra vấn đề lớn", ông Bede Heren, biên tập viên mảng năng lượng tại Argus Media chia sẻ.

Giá khí đốt tự nhiên tương lai của Vương quốc Anh cập nhật ngày 16/9 đã giảm vào giảm 16% xuống 1,5 GBP/đơn vị nhiệt, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với mức hồi tháng 6. Động thái này khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải hạn chế tiêu thụ.

Giá khí đốt tăng, thị trường phân bón rơi vào khủng hoảng   - Ảnh 1.

Cuộc chạy đua giành các lô hàng khí tự nhiên giữa châu Á và châu Âu đang khá gay cấn (Ảnh: Bloomberg)

Theo Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu và Anh đã tăng gấp 3 lần trong năm nay. Cuộc khủng hoảng càng thêm tồi tệ vào 15/9 sau khi một vụ hỏa hoạn làm sập một đường cáp điện quan trọng nối Anh với nhà cung cấp điện hàng đầu của họ là Pháp, thúc đẩy nhu cầu khí đốt để sản xuất điện ở Anh.

Theo bà Alexis Maxwell, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence việc đóng cửa nhà máy chủ yếu sản xuất amoni nitrat sẽ khiến CF thâm hụt lượng lớn phân bón và tiềm ẩn nguy cơ giá phân bón thế giới sẽ tăng đỉnh khi chuỗi sản xuất của các công ty phân bón khác cũng đứt gãy.

"Thị trường phân bón có thể rơi vào khủng hoảng nếu các nhà sản xuất khác ở châu cũng đóng cửa và giá nitơ sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt", bà Maxwell cho biết.

Giá phân bón, giống và vật tư nông nghiệp tăng cao khiến chi phí sản xuất cao và nguy cơ xảy ra lạm phát giá lương thực.

Joel Jackson, một nhà phân tích tại công ty BMO Capital Markets cho biết: "Sản lượng nitơ và hóa chất ở châu Âu sẽ khó cải thiện cho đến khi giá khí đốt trở về mức hợp lý".

Hệ lụy cho kinh tế châu Âu

Theo Bloomberg, hiện châu Âu đang phải đối mặt với sức ép cực lớn đối với nguồn cung năng lượng khi giá khí đốt và điện phá kỷ lục trong thời gian qua, đe dọa sự sự phục hồi kinh tế của khu vực.

Hiện, châu lục này đang chạy nước rút để bổ sung các nguồn dự trữ trước khi bắt đầu mùa Đông đang tới trong khi dòng chảy từ các nhà cung cấp hàng đầu là Nga và Na Uy vẫn còn hạn chế.

Như vậy, có một cuộc chiến giành các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang diễn ra, trong đó các nước châu Á cũng đang cố gắng gom thật nhiều khí đốt để đáp ứng nhu cầu.

Công ty phân tích thị trường Goldman Sachs Group Inc. dự báo cuộc khủng hoảng này có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Giá khí đốt tăng cao đang tiềm ẩn nguy cơ mất điện trong mùa đông này. Việc mất điện có thể sẽ khiến giá năng lượng tăng cao hơn nữa, làm dấy lên lo ngại về lạm phát và tăng thêm chi phí mà các doanh nghiệp đang phải mua nguyên liệu thô.

CF cho đến nay việc đóng cửa hai nhà máy được coi như lời cảnh báo với các công ty khác trong khu công nghiệp tuy nhiên một số công ty vẫn phớt lờ điều này.

"Giá năng lượng cao đang tạo ra áp lực lạm phát đối với mọi mặt hàng khác", ông Pascal Leroy, Phó chủ tịch cấp cao về hàng hóa nguyên liệu tại Roquette Freres SA, một công ty chế biến thực phẩm có trụ sở tại miền Bắc nước Pháp cho biết.

Tương tự, nhà sản xuất đường hàng đầu của Pháp, Tereos cũng dự báo về việc giá khí đốt tự nhiên tăng cao làm tăng chi phí sản xuất cho công ty.

Thị trường năng lượng của châu Âu cũng chỉ là minh chứng điển hình về thiệt hại mà giá hàng hóa tăng cao đang gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn cung mọi hàng hóa đều khan hiếm, từ mặt hàng nhôm, ngũ cốc đến dầu đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát kéo dài.

Chi phí sưởi ấm cho các ngôi nhà cao hơn sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng vào thời điểm họ cũng đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-khi-dot-tang-thi-truong-phan-bon-tai-anh-roi-vao-khung-hoang-20210920103232643.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/