Giá dầu thô lên xuống theo nhịp độ chống dịch của Trung Quốc

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, bất kỳ động tĩnh nào từ nền kinh tế tỷ dân cũng có thể khuấy đảo thị trường năng lượng toàn cầu. Chiến lược Zero COVID đang gây bất bình trong công chúng địa phương rõ ràng không phải ngoại lệ.

Giá dầu “chơi cầu tuột” vì Trung Quốc

Cuối tháng 3, sau đợt tăng như vũ bão lên gần 140 USD/thùng, giá dầu thô thế giới bỗng quay đầu giảm khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine làm dịu bớt nỗi lo đứt gãy nguồn cung từ Nga.

Đồng thời, Trung Quốc - quốc gia cuối cùng còn áp dụng chiến lược Zero COVID, đã phong tỏa thành phố Thượng Hải để kiểm soát đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu năng lượng của đất nước tỷ dân.

Công ty môi giới Nomura cho biết bên cạnh Thượng Hải, 23 thành phố khác đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần. Ước tính khoảng 193 triệu dân bị ảnh hưởng và các khu vực nằm trong diện phong tỏa đóng góp khoảng 13,6% GDP của Trung Quốc.

Truyền thông địa phương còn cho hay, chỉ tính riêng tại Thượng Hải, hàng chục nghìn nhân viên y tế từ các tỉnh lân cận đã được điều động. Trong đó, Tân Hoa Xã đưa tin, 50.000 người đã tập trung để lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ trung tâm tài chính này.

Trong phiên giao dịch ngày 28/3, giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thời điểm tụt 6,8% xuống còn 112,48 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ mất khoảng 7% để lùi về mức 105,96 USD/thùng.

 

Chiến sự bộn bề tại Đông Âu đã là một mối lo của thị trường. Giờ đây, các biện pháp chống đại dịch hà khắc của Trung Quốc lại giáng một đòn chí mạng vào giá “vàng đen”, khi mà Trung Quốc chính là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Bình luận về sự không khoan nhượng của Bắc Kinh đối với COVID-19, nhà phân tích Warren Patterson tại hãng tư vấn ING bày tỏ: “Hành động phong tỏa Thượng Hải lần nữa chứng minh Trung Quốc không sẵn lòng buông bỏ chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Đó tiếp tục là một rủi ro suy giảm cho thị trường”.

Giá dầu tiếp tục giảm và rớt mốc 100 USD/thùng vào đầu tuần này khi tình hình dịch bệnh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới leo thang. Trong phiên 11/4, giá dầu Brent đã giảm hơn 4% xuống còn 98,48 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tụt xuống 94,29 USD/thùng.

Trong một lưu ý, hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group cảnh báo cuộc phong tỏa tại Thượng Hải có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thô nói chung của Trung Quốc tới 1,3 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, ngày 12/4, sau khi Thượng Hải thông báo nới lỏng một số hạn chế COVID, nỗi lo về nhu cầu của Trung Quốc đã giảm bớt. Nhờ đó, thị trường dầu mỏ phục hồi đáng kể và giá quay trở lại ngưỡng quan trọng là 100 USD/thùng.

Chính quyền Thượng Hải cho biết hơn 7.000 đơn vị dân cư đã được phân loại là khu vực có nguy cơ thấp hơn sau khi không báo cáo ca nhiễm mới nào trong 14 ngày liên tục. Các quận đã nhanh chóng mở cửa những địa điểm có thể hoạt động trở lại.

Cụ thể, Reuters ghi nhận, giá dầu Brent đã tăng hơn 6% lên 104,6 USD/thùng và giá WTI tăng hơn 6,7% để đạt mức 100,6 USD/thùng. Đến phiên giao dịch ngày 14/4, giá hai loại “vàng đen” vẫn đang neo trên 100 USD/thùng, cho thấy các thương nhân đã nhẹ nhõm phần nào sau những động thái mới tại Trung Quốc.

Chặng đường còn dài

Dù giá dầu đã phục hồi, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, một khi Trung Quốc chưa từ bỏ chiến lược Zero COVID, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ không tăng mạnh như kỳ vọng, tạo thành một áp lực đối với giá.

 

Theo đó, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu yếu hơn và việc các nước thành viên IEA hợp tác giải phóng 120 triệu thùng dầu thô dự trữ, cơ quan có trụ sở tại Paris nhận thấy thị trường năng lượng có thể trở về trạng thái cân bằng trong nửa cuối năm.

Trong cuộc phỏng vấn cùng Bloomberg, ông Toril Bosoni, trưởng bộ phận phân tích thị trường của IEA, cho hay: “Chúng tôi thấy các dự báo kinh tế đều đang hạ thấp triển vọng tăng trưởng GDP năm nay, điều này rõ ràng sẽ tác động đến nhu cầu dầu mỏ. Nhờ vậy, thị trường sẽ cân bằng hơn”.

Ở báo cáo mới nhất, IEA đã hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu trong năm 2022 khoảng 260.000 thùng/ngày, đặc biệt là mức giảm mạnh 925.000 thùng/ngày của Trung Quốc trong tháng 4.

Song, IEA lưu ý nhu cầu nói chung vẫn trên đà tăng. Tiêu thụ dầu thô toàn thế giới sẽ cao hơn 1,9 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, đạt trung bình khoảng 99,4 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-dau-tho-len-xuong-theo-nhip-do-chong-dich-cua-trung-quoc-202241416284860.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/