Giá dầu nửa cuối năm chịu áp lực bởi nhu cầu yếu, lạm phát gia tăng

VDSC cho rằng triển vọng ngành dầu khí trong nửa cuối năm 2022 kém sáng vì cung vượt cầu.

Trong báo cáo ngành dầu khí, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết giá dầu biến động khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra và có xu hướng giảm khi lạm phát tăng cao.

Sau đại dịch, nhu cầu dầu thô tăng trưởng mạnh trở lại trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt đã thúc đẩy giá dầu từ cuối 2021.

Bên cạnh đó, các lệnh cấm vận lên Nga – một trong ba nhà sản xuất dầu thô lớn của thế giới đã đẩy giá dầu thô tăng mạnh do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn. Trong tháng 5, giá dầu Brent đã đạt đỉnh hơn 120 USD/thùng.

 (Nguồn: VDSC)

Tuy nhiên, lạm phát tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu khiến nhu cầu dầu thô bị ảnh hưởng.

Nhu cầu dầu thế giới cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi Trung Quốc - đất nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới duy trì chính sách Zero COVID và kinh tế toàn cầu chịu áp lực lạm phát.

Còn khía cạnh nguồn cung, sản lượng sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ tăng mạnh đi cùng với việc tăng cường xả kho dầu chiến lược. Mục tiêu chủ yếu nhằm giảm giá dầu để hỗ trợ kiềm chế lạm phát trong nước.

Ngoài ra, OPEC cũng đang trong quá trình tăng sản lượng nhưng động lực từ nhóm là không lớn. Những yếu tố nêu trên đã thúc đẩy giá dầu hạ nhiệt từ tháng 6 trở đi.

VDSC cho biết các tổ chức lớn như IMF, World Bank đều hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới trong các báo cáo gần đây của mình trước những lo ngại về lạm phát trên toàn cầu xảy ra.

Cụ thể, tăng trưởng GDP thế giới chỉ còn ở mức 2,9 - 3,2% so với mức 3,6 - 4,1% trong các dự báo trước đây.

Với triển vọng kinh tế kém tích cực, nhu cầu dầu thế giới được dự báo tăng thấp hơn mức sản xuất chung và từ đó dẫn đến dư thừa nguồn cung. Hầu hết các tổ chức đều hạ dự báo giá dầu trong nửa cuối năm 2022.

(Nguồn: VDSC) 

Dù giá dầu tăng cao nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi.

Đối với nhóm thượng nguồn (PVS, PVD), các công ty vẫn trong tình trạng thiếu việc khi không có những dự án lớn khởi công. Do đó, kết quả kinh doanh nửa đầu năm vẫn chưa có sự khởisắc.

Đối với nhóm trung nguồn (PVT, GAS), giá bán khí tăng theo đà tăng của giá dầu đã giúp lợi nhuận GAS tăng mạnh trong khi giá cước vận tải của PVT chỉ mới cải thiện từ quý II.

Đối với nhóm hạ nguồn (BSR, OIL, PLX), diễn biến thuận lợi trong giá xăng dầu và cracking spread (chênh lệch giữa giá của một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu) đã hỗ trợ cho lợi nhuận nhóm này. Riêng với PLX, việc thận trọng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận kế toán của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng vẫn có những cơ hội dài hạn từ các dự án dầu khí. Bởi, hiện các mỏ dầu khí lớn của Việt Nam đang suy giảm sản lượng tự nhiên từ 5 - 8%/năm do hầu hết các mỏ đã khai thác quá lâu trong khi kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí thấp.

Từ năm 2015 trở lại đây, sản lượng khai thác dầu thô suy giảm mạnh trong khi sản lượng khí cũng có xu hướng giảm. Từ 2020, chỉ duy nhất có dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt đi vào hoạt động. Áp lực đẩy nhanh tiến độ các dự án tiềm năng.

   (Nguồn: VDSC) 

Với áp lực phải gia tăng sản lượng khai thác, PVN sẽ thúc đẩy các dự án trọng điểm sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới. Ngoài ra, dự thảo luật Dầu khí cũng là một động lực khác giúp PVN tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong việc đầu tư, từ đó giúp đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện dự án.

Dự thảo luật cũng được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để phát triển thêm các dự án dầu khí.

Lô B là dự án có triển vọng thực hiện sớm trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần giải quyết liên quan đến nguồn vốn, chính sách giá khí đầu vào và giá bán điện cho EVN.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-dau-nua-cuoi-nam-chiu-ap-luc-boi-nhu-cau-yeu-lam-phat-gia-tang-202295848963.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/