Giá cước vận tải tăng phi mã, doanh nghiệp cảng biển bội thu năm 2021

Nhìn lại năm 2021, ngành cảng biển, logistics chứng kiến sự thăng hoa trong cả doanh thu và lợi nhuận khi COVID-19 gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng trên thị trường vận tải, đẩy giá cước tàu container tăng cao kỷ lục.

Theo thống kê của SSI Research, ngành cảng biển và logistics tăng trưởng tới 94% trong năm 2021, cao hơn 60% so với chỉ số VNIndex và là nhóm tăng trưởng lợi nhuận hàng đầu nhờ vào sự phục hồi bất ngờ trong thời gian dịch bệnh.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu ngành cảng biển có mức tăng giá mạnh. Theo đó trong năm qua, cổ phiếu MVN tăng 205%, SGP tăng 183%, PHP tăng 72%; GMD tăng 44%, CDN tăng 14,4%,...

Giá cước vận tải tăng 'không phanh', lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển bay cao năm 2021 - Ảnh 1.

Giá thuê tàu container tăng cao đột biên trong năm 2021, là động lực đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải logistics tăng trưởng.

Lợi nhuận ngành cảng biển 'nở rộ' khắp ba miền

Không giống như các quý trước, sự cải thiện doanh thu cùng lợi nhuận quý IV/2021 đều diễn ra đối với các doanh nghiệp cảng ở cả ba miền, trong đó khu vực phía Nam chứng kiến mức tăng trưởng nổi trội hơn (như Cảng Sài Gòn, Cảng Gemadept,...). 

Khu vực cảng miền Trung (Cảng Quy Nhơn, Cảng Đà Nẵng,...) giữ vững tốc độ tăng trưởng như các quý trước còn hoạt động cảng ở phía Bắc (Cảng Hải Phòng, Cảng Đình Vũ,...) đã lấy lại đà tăng.

Duy chỉ có hai cảng theo thống kê là Cảng Đồng Nai (Mã: PDN) Cảng Cát Lái (Mã: CLL) báo lãi quý IV/2021 đi xuống so với cùng kỳ. 

Theo giải trình của Cảng Đồng Nai, dù các lĩnh vực đã đi vào điều kiện bình thường mới, song lượng nhân công tại các nhà máy về quê ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của doanh nghiệp vì không giống như trước dịch. Ngoài ra nhu cầu về nguyên vật liệu chưa phục hồi, sản lượng hàng hóa xuất nhập qua cảng bị ảnh hưởng,... kéo doanh thu của hai cảng nói trên đi xuống.

Nhìn chung quý IV vừa qua, thời điểm hàng hóa phần nào được khơi thông khi dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) - đơn vị đầu ngành báo cả doanh thu và lợi nhuận cải thiện mạnh so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần đạt 3.707 tỷ đồng tăng 42%. Đáng chú ý hoạt động của các công ty liên doanh liên kết có lãi gần 500 tỷ đồng, cao gấp 26,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận lãi khác 165 tỷ đồng, MVN lãi sau thuế 1.136 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 149 tỷ đồng cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm 2021, MVN đạt 13.251 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 2.941 tỷ đồng trong khi các năm trước thua lỗ hàng trăm tỷ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của MVN.

Cơ cấu doanh thu của MVN trong năm vừa qua ghi nhận mức tăng trưởng mạnh từ hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hoá và doanh thu từ hoạt động vận tải.

Trong đó lĩnh vực khai thác cảng biển là hoạt động mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất của doanh nghiệp khi chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất. Trong đó, một số cảng có kết quả nổi bật như Cảng Sài Gòn (vượt hơn 214% so với kế hoạch lợi nhuận năm), Quy Nhơn (vượt hơn 162% kế hoạch), Hải Phòng (vượt 9%),...

Giá cước vận tải tăng 'không phanh', lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển bay cao năm 2021 - Ảnh 2.

Hoạt động xếp dỡ vận tải cảng biển tích cực hơn trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Trong một chia sẻ với báo chí, Tổng giám đốc VIMC, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho rằng, dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá cước vận tải biển tăng chóng mặt. Tranh thủ khoảng thời gian này, VIMC đã đưa đội tàu tham gia vận tải quốc tế thay vì nội địa như trước đây giúp doanh thu và lợi nhuận tăng vọt.

Bên cạnh đó, ông Tĩnh cho biết, sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện (2013-2015), VIMC đã hồi phục và duy trì ổn định được năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa của quốc gia.


Tắc nghẽn cảng biển sẽ kéo dài đến hết 2022

Sang năm 2022, một số chuyên gia dự báo đà tăng của nhóm doanh nghiệp ngành logistics, cảng biển sẽ chững lại khi mà các yếu tố liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 dự báo phai nhạt dần và giá cước có thể giảm trở lại sau đà tăng nóng trong năm 2021.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô MBS, sau giai đoạn giá bốc dỡ hàng hóa tăng phi mã giúp cải thiện biên lãi gộp của các công ty cảng biển, giá cước sẽ neo cao tiếp từ cuối quý I/2022 đến giữa quý II/2022 trước khi giảm trở lại. Do đó, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này có thể sẽ đi xuống.

Bộ Công Thương trước đó cũng dự báo chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt với rủi ro tắc nghẽn đến cuối năm 2022.

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) thực tế chỉ ra rằng việc 95% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 38 hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam cũng như chi phí logistics cao đột biến đang gây sức ép và làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Chuyên gia dự đoán những khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giảm dần từ cuối quý I/2022. Sang 2023, khi quy mô đội tàu vận tải của các hãng tàu tăng trưởng 20% như kế hoạch, cũng như mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng cảng của các thị trường lớn được thực hiện, dự kiến hoạt động vận tải biển sẽ trở lại bình thường.

Phía SSI Research ước tính tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ ở mức trung bình trong nửa đầu năm 2022 và tăng tốc trong nửa cuối năm. Từ đó, kéo theo tốc độ tăng trưởng cả năm đạt khoảng 10 - 20%, cao hơn mức tăng trưởng hằng năm trong điều kiện bình thường trước dịch.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-cuoc-van-tai-tang-phi-ma-doanh-nghiep-cang-bien-boi-thu-nam-2021-20220215144605382.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/