Giá cổ phiếu tăng phi mã, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp ngành than ảm đạm

Chính sách giá than chịu sự quản lý chặt của Chính phủ nên các doanh nghiệp ngành than chưa thể hưởng lợi bất chấp giá than thế giới tăng chóng mặt thời gian qua.

Theo ghi nhận của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu than toàn cầu trong 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá than trung bình thế giới đã tăng mạnh 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.

Các nhà phân tích năng lượng đã chỉ ra một số lý do cho sự phục hồi chóng mặt của than nhiệt trong 9 tháng đầu năm. Đó là nhờ nhu cầu điện năng bùng nổ ở Trung Quốc; lệnh cấm không chính thức của Bắc Kinh đối với than nhập khẩu từ Australia; gián đoạn nguồn cung ở Australia, Nam Phi và Colombia; và giá khí đốt toàn cầu tăng.

Trong khi giá than thế giới đã tăng dựng đứng trong nhiều tháng liền, thì tại thị trường Việt Nam, SSI Research nhận định giá than trong nước không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ hai đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc. 

Mặt khác, giá than trong nước thường chỉ điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và diễn ra 3 - 4 năm/lần.

Trong năm 2021, giá than trong nước chưa điều chỉnh nhiều, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh.

Do đó mà doanh nghiệp ngành than trong nước chưa thể hưởng lợi được từ cơn sốt nguồn nhiên liệu này, dẫu cho có giai đoạn các cổ phiếu ngành than tăng phi mã.

 - Ảnh 2.

Nhiều cổ phiếu ngành than tăng giá phi mã trong quý III. (Nguồn: TradingView).

Không được hưởng lợi từ cơn sốt giá than nên bức tranh kinh doanh quý III của doanh nghiệp than đầy ảm đạm.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) ghi nhận 28.600 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, TKV đã thực hiện được hơn 76% mục tiêu năm, tương ứng 94.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 576 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Than - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Các công ty thành viên báo doanh thu giảm trong quý là Than Miền Bắc (Mã: TMB), Than Núi Béo (Mã: NBC), Than Cọc Sáu (Mã: TC6), tương ứng các mức giảm 10%, 8% và 55%.

Doanh nghiệp trong ngành báo cáo doanh thu tăng trưởng mạnh nhất và thuộc top đầu ngành là Than Cao Sơn (Mã: CST). Tuy nhiên đây cũng là đơn vị duy nhất lỗ quý vừa rồi.

Nguyên nhân do quý III năm ngoái công ty này sáp nhập với Than Tây Nam Đá Mài, số liệu chỉ tính từ ngày 5/8/2020 đến 30/9/2020. Doanh thu quý III/2021 của Than Cao Sơn theo đó gấp gần ba lần cùng kỳ lên 2.141 tỷ đồng.

Giá vốn tăng cao tương ứng nên công ty lãi gộp 56 tỷ đồng, tăng 2 tỷ so với cùng kỳ. Các chi phí lãi vay và chi phí hoạt động tăng mạnh lên hơn 72 tỷ, đã ăn mòn và đẩy công ty thua lỗ hơn 10 tỷ trong quý này, trong khi quý III năm ngoái lãi 8 tỷ đồng.

Ngoài Than Cao Sơn, các công ty cũng có doanh thu đi lên trong quý này còn có Than Mông Dương (Mã: MDC) Than Hà Tu (Mã: THT), ứng với các mức tăng 4% và 120%.

Điểm sáng trong kết quả kinh doanh ngành thuộc về Than Hà Lầm (Mã: HLC) khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh, lần lượt tăng 53% và tăng gấp 9 lần cùng kỳ. Nguyên nhân được giải thích là công ty hoàn thành tốt kế hoạch tiêu thụ than do Tập đoàn TKV giao.

Than - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Sang năm 2022, SSI Research đánh giá ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh từ 10 -15% do chi phí sản xuất than của TKV và Đông Bắc đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng.

Các doanh nghiệp khai thác than đang niêm yết cũng sẽ bắt đầu được hưởng lợi khi đàm phán lại giá bán mới cho TKV trong năm 2022.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cũng lưu ý, giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường (năm 2019 giá than Việt Nam đắt hơn 18% so với giá than nhập khẩu) nên dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-co-phieu-tang-phi-ma-buc-tranh-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-nganh-than-am-dam-20211114184329723.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/