Giá 'chát' vẫn phải tính tới nhiệt điện khí

Phụ thuộc nguồn khí nhập khẩu (NK) hay mức giá điện cao được xem là thách thức không nhỏ trong phát triển nhiệt điện khí hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, nhiệt điện khí là lĩnh vực không thể không tính đến.

Giá 'chát' vẫn phải tính tới nhiệt điện khí - Ảnh 1.

Dự kiến, năm 2030, nhiệt điện khí tăng lên 19.000 MW, tăng thêm 12.000 MW so với hiện nay, chiếm 14% công suất toàn hệ thống. Ảnh: ST.

Nhập khẩu lớn, giá "chát"

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương): Hiện nay, toàn quốc có 7.200 MW điện khí, chiếm khoảng 16% tổng công suất hệ thống. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ với 10 nhà máy có tổng công suất 5.700 MW.

Khu vực Tây Nam Bộ với 2 nhà máy Cà Mau 1,2 có tổng công suất khoảng 1.500 MW. Tổng sản lượng điện khoảng 45 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện hệ thống.

Dự kiến đến năm 2020, công suất nhiệt điện khí là gần 9.000 MW, chiếm 14,9% công suất toàn hệ thống, xếp sau thủy điện và nhiệt điện than.

Muốn gia tăng nhiệt điện khí, đảm bảo nguồn khí cho phát điện là yếu tố mấu chốt. Theo Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), khả năng cấp khí cho sản xuất điện năm 2019 sẽ được đảm bảo với mức sản lượng 6,6 tỷ m3 (Đông Nam Bộ) và 1,42 tỷ m3 (Tây Nam Bộ).

Việc đưa mỏ Phong Lan Dại vào vận hành chính thức trong quý I/2019 đã giúp bù đắp sản lượng khí Lan Tây, Lan Đỏ suy giảm.

Còn việc đưa mỏ SV-ĐN vào quý III/2020 sẽ bổ sung khí cho khu vực Đông Nam Bộ khoảng 1,5 tỷ m3/năm. Khả năng cấp khí tại khu vực Đông Nam Bộ sẽ được duy trì ở mức sản lượng như hiện nay đến hết năm 2022.

Từ năm 2023, sản lượng khí cấp về bờ sẽ bị suy giảm mạnh (Lô 06.1 dừng khai thác vào tháng 5/2023) và bắt đầu thiếu khí tại khu vực Đông Nam Bộ.

"Với tổng công suất các nhà máy điện khí giai đoạn 2030 khoảng 19.000 MW, sẽ cần khoảng 22 tỷ m3 khí, trong đó khoảng gần 50% là từ nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu", Vụ Dầu khí và Than nêu rõ.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá: Khó khăn trong phát triển điện khí hiện nay là nguồn khí trong nước có hạn nên phụ thuộc vào nguồn LNG NK từ nước ngoài, giá LNG phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án khí điện sử dụng LNG. Đặc biệt, giá điện khí cao nên khó khăn trong tham gia thị trường điện.

Đem lên bàn cân so sánh dễ thấy, hiện nay, nhiệt điện khí có mức giá cao "top" đầu trong số các nguồn điện.

Cụ thể, thủy điện giá xấp xỉ 1.000 đồng/kWh; nhiệt điện than xấp xỉ 1.500 đồng/kWh; điện gió là 1.900 - 2.200 đồng/kWh; điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh. Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá trung bình của nhiệt điện khí sử dụng khí lô B khoảng 2.800 đồng/kWh.

Khẩn trương quy hoạch hạ tầng nhập LNG

Để đảm bảo các mục tiêu chủ yếu như đã đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhìn nhận, trong giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo, cần phát triển các dự án nguồn điện gồm: Nhiệt điện than, nhiệt điện khí (trong nước và LNG), năng lượng tái tạo và NK điện với tỷ lệ thích hợp.

Với riêng nhiệt điện khí, để phát triển cần có sự điều hành, quyết định của Chính phủ trên cơ sở mục tiêu đảm bảo cung cấp điện; hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và khách hàng sử dụng điện và có cơ chế cho các dự án điện khí để đảm bảo hiệu quả dự án và thu hút đầu tư.

Xung quanh câu chuyện cung ứng điện nói chung, phát triển điện khí nói riêng, ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá: Tình hình tiến độ các nhà máy nhiệt điện than từ nay tới năm 2030 xây dựng chậm.

Nhiều hồ thủy điện ở mực nước chết hoặc dưới mực nước chết giảm công suất phát điện làm ảnh hưởng tới việc cung cấp điện toàn hệ thống.

Do đó, cân bằng năng lượng chung từ nay tới năm 2030 cần các giải pháp đột phá mới, tích cực, trong đó việc cần phải NK LNG đối với ngành năng lượng được đặt ra một cách khẩn trương.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nêu rõ: Về định hướng phát triển, dự kiến, năm 2030, nhiệt điện khí tăng lên 19.000 MW, tăng thêm 12.000 MW so với hiện nay, chiếm 14% công suất toàn hệ thống.

Bộ Công Thương đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia các nhà máy điện khí sử dụng nguồn nhiên liệu LNG NK tại các địa điểm thuận lợi cho phát triển nhà máy điện, kho cảng LNG như: Long Sơn, Cà Ná...

"Theo dự kiến của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu nhập LNG cho việc phát điện vào năm 2030 của Việt Nam phải đạt trên 1 triệu tấn.

Việc quy hoạch hạ tầng cơ sở để nhập LNG tại các khu vực như Cảng Phú Mỹ (Bà Rịa), Cảng Nhơn Trạch, Cà Mau – Ô Môn... trong những năm tới cần được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp triển khai thực hiện 1 cách khẩn trương, nghiêm túc để đạt được kết quả như mong đợi", ông Tô Quốc Trụ nhấn mạnh.

Một số chuyên gia bày tỏ quan điểm: Thị trường LNG hiện nay trên thế giới đang rất sôi động, để có được giá cạnh tranh cần có việc xúc tiến, đầu tư, thăm dò, tìm kiếm, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương thông qua các cơ quan hợp tác quốc tế nhằm khai thác được nguồn cung có trữ lượng và giá thành tốt nhất để NK LNG về Việt Nam trong những năm tới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-chat-van-phai-tinh-toi-nhiet-dien-khi-20191008153745508.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/