Gần 60 triệu người Việt tham gia mua sắm trực tuyến trong năm 2022

Theo báo cáo của Lazada, người Việt đã tiêu trung bình hơn 6 triệu đồng cho việc mua sắm trực tuyến trong năm 2022. Đáng nói, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%, thị trường TMĐT Việt Nam cũng được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Vừa qua, sàn TMĐT Lazada đã kết hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các nhóm chuyên gia công bố báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số 2023.

Tổng quan trị trường TMĐT Việt Nam 2022

Theo đó, trong năm 2022, nền kinh tế số ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đều ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, so sánh với các nước trong khu vực, nền kinh tế số ở Việt Nam được đánh giá sẽ có đà tăng trưởng mạnh nhất, cao hơn cả Indonesia và Singapore - những quốc gia vốn đã có nền kinh tế số phát triển.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD trong năm trước, tăng 28% so với năm 2021. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 31% và chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025, tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực. Báo cáo cũng dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kép mạnh trong khu vực ở giai đoạn 2025 – 2030, ở mức 19%.

Dự báo tốc độ tăng trưởng GMV của nền kinh tế số Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: Lazada).

Báo cáo của Lazada nhận định rằng với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20%, thương mại điện tử (TMĐT) chính là một trong những lĩnh vực tiên phong và trụ cột của nền kinh tế số.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7.5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Theo ước tính, có tới gần 60 triệu người Việt tham gia mua hàng online với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 – 285 USD (6,1 triệu đồng - 6,7 triệu đồng) trong năm 2022.

Trong khi đó, báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2022 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy GMV của ngành TMĐT tại Việt Nam năm 2022 đạt mốc 14 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí ở mức cao hơn và lên đến 37% hàng năm, giúp GMV của ngành đạt con số 32 tỷ USD trong ba năm tiếp theo. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực TMĐT khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam.

Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực TMĐT. Còn tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt tới ngưỡng 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực TMĐT là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.

Những công nghệ nổi bật được ứng dụng trên sàn TMĐT tại Việt Nam 2022

Hầu hết doanh nghiệp TMĐT đều không ngừng tìm kiếm và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động vận hành, kinh doanh, dịch vụ… từ đó tiếp cận hiệu quả hơn với khách hàng mục tiêu.

Đại diện của sàn TMĐT Lazada cho biết họ đầu tư vào công nghệ hạ tầng TMĐT từ lúc mới thành lập ở Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ, sàn này đã xây dựng được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật công nghệ tương đối hoàn thiện, hướng tới ứng dụng công nghệ trong hầu hết quy trình vận hành.

Một số công nghệ nổi bật có thể kể đến như Công nghệ ứng dụng trong hoạt động quản lý vận hành gian hàng của nhà bán hàng (NBH) - công nghệ giúp hỗ trợ NBH hiển thị và quản lý sản phẩm của mình khi tham gia giao dịch trên sàn TMĐT của Lazada.

Công nghệ khác cũng đáng chú ý có thể kể tới là Công nghệ ứng dụng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng - công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo AI cũng được ứng dụng trong việc giúp sàn TMĐT và các nhà bán hàng xác định những phân khúc khách hàng tiềm năng dựa trên thông tin nhân khẩu học hay lịch sử mua sắm.

Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Tỷ lệ này tương đối thấp so với các quốc gia phát triển tại châu Á như Hàn Quốc (2.5%) và Ấn Độ (1.78%). Việc gia tăng tỷ lệ này không phải là công việc đơn giản.

Không chỉ về số lượng, chất lượng nhân lực số cũng đang được coi là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chất lượng nhân lực số của Việt Nam hiện nay chỉ mới đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu của thị trường. Dự báo đến năm 2030, thị trường Việt Nam yêu cầu 1,5 triệu nhân lực có chuyên môn về CNTT và kỹ thuật số.

Với nhu cầu nhân lực TMĐT lớn, việc xây dựng mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực bền vững đối với các doanh nghiệp TMĐT là điều quan trọng. Một mô hình quản lý nhân sự bền vững cần dựa trên ba yếu tố, gồm: đa dạng, công bằng và hòa nhập. Đây là những khái niệm liên kết với nhau nhưng hoàn toàn khác biệt nhau. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gan-60-trieu-nguoi-viet-tham-gia-mua-sam-truc-tuyen-trong-nam-2022-2023328102124762.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/